Các nước Ðông Nam Á chú trọng đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đang dự Hội nghị thường niên của tổ chức ASEAN tại Philipin đang thúc đẩy các quốc gia chậm phát triển trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Trong khi vấn đề đàn áp dân chủ tại Miến Ðiện và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều tiên, là hai vấn đề chủ yếu được bàn thảo tại Hội nghị của tổ chức Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN trong vòng hai ngày qua, ông Alberto Romulo, Bộ Trưởng ngoại giao của nước chủ nhà Philipin, nói rằng tuyên ngôn hôm thứ sáu của hội nghị thượng đỉnh được lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên của tổ chức ASEAN ký vào thứ bảy sẽ đề cập đến vấn đề phát triển.

“Chúng ta sẽ gia tăng cam kết của chúng ta để giải quyết những quan tâm chính của nhân dân chúng ta là cải thiện những điều kiện xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua sự phát triển kinh tế cao.”

ASEAN muốn tạo ra một thị trường chung vào trước năm 2015, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng các nước thành viên còn chậm phát triển có thể sẽ cảm thấy khó mà theo kịp các nước láng giềng phát triển hơn.

Lãnh đạo của các quốc gia nghèo nhất trong khối ASEAN, các nước Campuchia, Lào, Miến Ðiện và Việt Nam đã có cuộc họp cấp cao hôm thứ sáu để thảo luận về việc tăng cường mậu dịch ngang biên giới và những vấn đề phát triển khác.

Ngoài ra, lãnh đạo của các nước Brunei, Malaysia, Indonesia và Philipin đã họp hôm thứ sáu để mang đà đầu tư trở về khu vực phía Đông của khu vực, theo thỏa thuận đạt được vào năm 1994.

Các giới chức mô tả khu vực này của Đông Nam Á như là rất quan trọng cho sự ổn định của cả khu vực. Các giới chức cũng nói thêm rằng trong khu vực này đã dấy lên các phần tử tranh đấu Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố, việc này đã làm ảnh hưởng đến nguồn đầu tư vào đây.

Các nước hợp tác đối thoại của ASEAN ở Đông Á cũng đã cam kết hỗ trợ cho sự phát triển. Hôm thứ sáu Australia tuyên bố rằng nước này sẽ đóng góp 5 triệu đôla để chống lại các dịch bệnh lây lan như: bệnh cúm gà tại các nước như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Miến Ðiện, và Thái lan.

Bộ trưởng Thương mại Australia Warren Truss nói rằng số tiền này sẽ được sử dụng để cải thiện các phòng thí nghiệm tại các quốc gia và khu vực, huấn luyện các đội công tác, và những dịch vụ khác.

“Chúng tôi tin rằng sáng kiến này sẽ giúp tăng cường những công tác đã được thực hiện.”

Trung Quốc tái khẳng định cam kết của mình trong việc giúp đỡ các nước nằm dọc theo sông Mê kông cải thiện các hệ thống giao thông.

Lãnh đạo của các quốc gia ASEAN sẽ ký một văn bản bảo vệ các công nhân nhập cư vào thứ bảy, đẩy mạnh sự hợp tác chặt chẽ trong việc chống lại HIV-AIDS và tăng cường an ninh về năng lượng.

Lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Đông Timor, Australia, và New Zealand sẽ tham dự cuộc họp vào ngày chủ nhật và thứ hai với lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Philippines, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho hay Việt Nam dự định tư nhân hóa hơn 100 doanh nghiệp quốc doanh trong năm sau và năm tới trong đó có cả các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

Ông Dũng nói với hãng tin Reuters hôm thứ sáu rằng việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới hôm thứ năm sẽ giúp Việt Nam tăng cường tính minh bạch để thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài.

Ông Dũng phát biểu rằng kế hoạch trong năm 2007 và 2008 của Việt Nam là tư nhân hóa hay cổ phần hóa tất cả 104 doanh nghiệp, trong đó có Hàng Không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các công ty trong ngành dầu khí.

Tại hội nghị thượng đỉnh của ASEAN lần này ngoài các vấn đề về năng lượng, thương mại và an ninh, các nhà lãnh đạo khối ASEAN cũng sẽ thảo luận hình thức tăng cường hợp tác để ngăn chặn và phòng chống sự lây nhiễm của nạn dịch cúm gia cầm.

Chính phủ Australia đã tuyên bố một khoản đóng góp trị giá 5 triệu đô la để giúp ngăn chặn sự lây nhiễm của nạn dịch đang đe dọa đến Đông Á này.

Tuy nhiên ông Dũng cho biết Việt Nam sẽ phải dựa vào nội lực để đẩy lui sự bộc phát của dịch cúm gia cầm.

Ông Dũng phát biểu rằng Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn lực ít ỏi của mình nhưng nước ông sẽ kiểm soát được dịch cúm chỉ trong vài ngày.

Kể từ tháng 11 năm 2005, Việt Nam chưa có trường hợp virus H5N1 nào lây nhiễm qua người, tuy nhiên virus lần đầu tiên tấn công các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2003 này đã xuất hiện trở lại ở các trại chăn nuôi gia cầm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long hồi tháng trước.

Các giới chức Bộ Nông nghiệp đã đưa ra lời báo với 84 triệu người dân Việt Nam rằng virus này có thể lan rộng trên cả nước qua đường chim di cư.

Nguy cơ lây nhiễm của nạn dịch này cũng có thể tăng cao trước dịp Tết Nguyên Đán vào giữa tháng 2 này, đây là thời điểm mà người dân tiêu thụ thịt gia cầm nhiều.

Dịch cúm gia cầm đã khiến 42 người và 93 người đã bị nhiễm virus ở Việt Nam trong giai đọan từ năm 2003 đến 2005. Dịch cúm này cũng đã khiến 158 người chết trên thế giới kể từ năm 2003, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nạn dịch đã lan tràn từ Châu Á sang Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi.