Các thị trường chứng khoán Á Châu đã sụt giá sang tới ngày thứ 3 liên tiếp trong lúc các nhà đầu tư e rằng tình trạng suy thoái toàn cầu sẽ tác động mạnh tới doanh thu của các công ty trong khu vực. Chỉ số Nikkei ở Tokyo đã sụt tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm rưỡi, sau khi đại công ty Sony giảm thiểu phân nửa số lợi nhuận dự báo cho năm 2008. Tại Australia, chính phủ đã bị áp lực đòi họ sửa đổi sự cam kết về việc bảo đảm cho các khoản ký thác ở ngân hàng trong lúc nhiều người e rằng những định chế phi ngân hàng không được bảo đảm trong kế hoạch này sẽ bị bất ổn. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.
Các thị trường chứng khoán Á Châu lại trải qua thêm một ngày đầy khó khăn. Một trong các nơi bị thiệt hại nặng nhất trong ngày hôm nay là Tokyo. Chỉ số Nikkei ở đây đã giảm tới mức thấp hơn 8,000 điểm lần đầu tiên trong hơn 5 năm vì các nhà đầu tư lại lo ngại hơn trước về nguy cơ xảy ra một vụ suy thoái của kinh tế toàn cầu.
Tỉ giá hối đoái của đồng yen cũng khiến nhiều người quan tâm về doanh thu xuất khẩu của Nhật, vì tỉ giá của đô la Mỹ đối với đồng yen đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 13 năm, chỉ còn chưa đầy 96 yen đổi một đô la. Đồng yen mạnh hơn khiến cho hàng xuất khẩu của Nhật đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới.
Các thị trường chứng khoán trên khắp Á Châu cũng trượt giá sau khi chỉ số Nikkei giảm mạnh. Chỉ số Kospi ở Hán Thành tụt thấp hơn mức 1,000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng năm năm 2005. Các chỉ số chính ở Mumbai và Singapore giảm hơn 7% và chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông sụt hơn 8% vào lúc thị trường đóng cửa.
Tại Australia, nạn bán tống cổ phiếu ít nghiêm trọng hơn. Chỉ số ASX giảm 2,7%.
Nhưng chính phủ Australia đang chịu nhiều áp lực đòi họ sửa đổi kế hoạch bảo đảm cho các khoản ký thác ở ngân hàng mà Thủ tướng Kevin Rudd và Bộ trưởng Tài chánh Wayne Swan loan báo trước đây trong tháng này. Kế hoạch vừa kể có mục đích giảm bớt lo ngại của những người tiết kiệm và ngăn chận nạn ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Những người chỉ trích kế hoạch này nói rằng thay vì đạt mục đích đó, kế hoạch sẽ khiến các nhà đầu tư rủ nhau rút tiền ra khỏi những định chế không được kế hoạch bảo hiểm, chẳng hạn như các quĩ đầu tư, và đem tiền bỏ vào ngân hàng. Họ nói rằng điều đó sẽ gây bất ổn cho nhiều công ty tài chánh.
Lãnh tụ đối lập Australia, ông Malcolm Turnbull, nói rằng kế hoạch cần phải sửa đổi.
Ông Swan và ông Rudd đã tạo ra một tình huống bê bối. Chắc chắn là như vậy. Và tôi biết chắc là nếu có cơ hội làm lại thì họ sẽ không thực hiện một cử chỉ hào nhoáng như họ đã làm vào ngày 12 tháng 10. Tuy nhiên, xét về vấn đề chúng ta phải làm gì, phải làm thế nào để thoát ra khỏi trạng huống bê bối mà chúng ta tạo ra ngõ hầu có thể tiến tới, chúng ta phải xúc tiến kế hoạch cứu nguy ở mức độ mà Ngân hàng Dự trữ đã đề nghị.
Một số những hành động bán tống bán tháo ở Á Châu phát sinh từ triển vọng u ám về doanh thu của các đại công ty trong khu vực. Tại Nam Triều Tiên, Công ty điện tử Samsung báo cáo rằng lợi nhuận trong quí 3 đã giảm 44% và dự báo tình hình trước mắt còn nhiều khó khăn.
Đại công ty Sony của Nhật cũng giảm mạnh khoản lợi nhuận dự báo cho năm nay. Cổ phiếu của cả hai công ty này đã giảm khoảng 14% trong ngày hôm nay.