Trào lưu mới tại nước Mỹ: tiến vào thương trường sau tuổi nghỉ hưu

Trào lưu mới tại nước Mỹ: tiến vào thương trường sau tuổi nghỉ hưu

Thế hệ Baby Boomers tại Hoa Kỳ là những người ra đời sau Thế chiến thứ hai hiện sắp, đang hoặc đã đến tuổi nghỉ hưu. Thế hệ này cũng mang theo với họ những quan niệm mới, nhiều người không nghĩ là họ sẽ an hưởng tuổi già theo như lối chúng ta vẫn nghĩ về những người đã nghỉ hưu. Ngược lại, đối với họ, nghỉ hưu chỉ là lúc chấm dứt một công việc họ đã làm trong nhiều năm để quay sang mở công cuộc kinh doanh mới do họ tự làm chủ. Câu Chuyên Nước Mỹ tuần này sẽ nhắc đến một khuynh hướng đang gia tăng trong giới người lớn tuổi ở Hoa Kỳ: tiến vào thương trường sau lứa tuổi nghỉ hưu. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.

Tại nước Mỹ, nghỉ hưu và quan niệm về chuyện hưu trí đã thay đối rất lớn kể từ khi bắt đầu thế kỷ thứ 20; nhất là sau thế chiến thứ hai khi các chương trình hưu bổng trở thành một chuẩn mực cho giới công nhân tại Hoa Kỳ. Trước đó thì hầu hết những công nhân sẽ tiếp tục làm cho đến chết, hoặc đến khi quá già yếu không làm việc được nữa, họ phải trông cậy vào dấn vốn dành dụm cả đời và nhờ vả con cái phụng dưỡng.

Hiện nay 65 được coi là tuổi tiêu chuẩn để về hưu ở nước này, nhưng đến nay nhiều người có óc kinh doanh trong lứa tuổi trung niên đã từ chối không chịu chấp nhận cái mốc thời gian đó. Họ vẫn muốn tích cực buôn bán, kinh doanh mãi cho tới tuổi lứa 80 ngoài. Đặc biệt giờ đây trào lưu của giới người lớn tuổi hoạt động trên thương trường đang tăng lên. Theo thống kê năm 2008, gần một nửa con số 7 triệu 400 ngàn người tự làm chủ thuộc thế hệ Baby Boomers.

Tuổi thọ của người Mỹ ngày càng kéo dài. Một người 50 tuổi hiện nay có thể còn cả một quãng đời dài như thế trước mặt, và mỗi năm có chừng hơn 4 triệu người tham gia hàng ngũ này. Vậy nghỉ hưu có nghĩa như thế nào? Hoàn toàn ngưng nghỉ không làm việc nữa, hay nghỉ hưu có nghĩa là chấm dứt một công việc này để bắt đầu một việc khác? Đó là lúc chấm dứt hay là lúc khởi đầu lại?

Thế hệ Baby Boomer tại nước Mỹ ngày hôm nay đã tự định nghĩa lại chuyện nghỉ hưu. Họ thường tránh né truyền thống có sẵn là ngưng nghỉ tất cả, mà ngược lại, vẫn tích cực tham gia, tiếp tục cống hiến và theo đuổi đam mê của họ.

Một bài báo trên tờ US News & World Report số ra tháng 10 cho biết tổ chức Ewing Marion Kauffman Foundation chuyên hỗ trợ những cuộc nghiên cứu lớn về doanh nghiệp, trong phúc trình công bố năm ngoái nói rằng các doanh nhân lớn tuổi đang trên đà nở rộ tại Hoa Kỳ.

Phúc trình này cho biết trong khoảng một thập niên qua, những hoạt động doanh nghiệp mạnh nhất thuộc lứa tuổi từ 55 đến 64, nhiều hơn lứa tuổi từ 20 đến 34.

Có hai nguyên nhân chính thúc đẩy những người đã nghỉ hưu muốn quay sang kinh doanh. Lý do thứ nhất là trong thời buổi hiện tại, nhiều người Mỹ nghỉ hưu không sống nổi với tiền an sinh mà họ được lãnh. Tuy một số được lãnh những thứ tiền khác hoặc do họ dành dụm cả đời, phần lớn không tiết kiệm đủ để có một cuộc sống thoải mái khi về hưu. Do vậy họ muốn có một công việc tự họ làm chủ để có thêm lợi tức.

Tuy nhiên cũng có một số không ít cảm thấy họ muốn làm một chuyện gì đó, muốn tự tay xây dựng nên cơ đồ mà không phải đi làm cho người khác. Tiền bạc có thể là một kết quả do chuyện kinh doanh của họ đem lại, nhưng nó không phải là một động lực chính.

Và tìm hiểu sâu vào chi tiết, người ta thấy một số nguyên nhân của trào lưu tiến vào kinh doanh ở tuổi trung niên hoặc nơi những người đã nghỉ hưu:

1. Người Mỹ khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn
2. Họ tiếp tục muốn giao tiếp với xã hội và can dự vào đời sống
3. Thích có thêm tiền tiêu
4. Muốn xây dựng một cơ sở kinh doanh dựa trên sở thích, làm những gì mà họ thích và đam mê
5. Giàu kinh nghiệm, do thu thập được trong 20-30 năm đi làm
6. Muốn được độc lập và có thời giờ linh động do tự làm cho chính mình
7. Tự tin và dày kinh nghiệm, và biết rằng sẽ làm giỏi
8. Có thể đã có sẵn dấn vốn dành dụm để tài trợ cho cơ sở làm ăn mới
9. Có thể làm việc ngay tại nhà, qua cửa hàng mở trên Internet
10. Tự làm chủ không bị kỳ thị tuổi tác

Vậy mức độ thành công của nhhững doanh nghiệp do người lớn tuổi làm chủ ra sao?

Cũng theo phúc trình của Kauffman Foundation thì trong số nnững doanh nghiệp sống sót sau cuộc suy trầm kinh tế năm 2008 phần lớn có những chủ nhân là người trong lứa tuổi trên 45.

Theo giáo sư Dennis Ceru, dạy về doanh nghiệp tại Babson College, bang Maryland, thì con đường đưa tới thành công trong doanh nghiệp, ở bất cứ lứa tuổi nào, cần phải dựa trên kinh nghiệm và xảo năng. Nhưng đối với giới doanh nhân lớn tuổi, giáo sư Ceru không ngạc nhiên khi thấy rằng họ là những người hoạt động hăng hái, thường thì họ giàu kinh nghiệm hơn, có nguồn tài chính dồi dào hơn. Không những thế, có nhiều người đã xây dựng được những mối quen biết lâu năm theo thời gian, có thể giúp họ vượt qua được những trở ngại trong bước đường kinh doanh, ví dụ, chỉ vẽ cho họ những nguồn cung cấp vật liệu và giới thiệu khách hàng cho họ. Tỉ lệ thành công trong doanh nghiệp của họ rất cao, và rất nhiều người không thiết nghĩ đến chuyện về hưu lần thứ nhì.