Các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ kêu gọi sự trợ giúp của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong việc đòi tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức và nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam, khi gặp mặt các lãnh đạo Hà Nội trong tuần này.
Các thỉnh nguyện thư đã được gửi đến cho Văn phòng Phó Tổng thống Harris để yêu cầu bà lên tiếng đòi tự do cho hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam trước khi bà rời Washington hôm 20/8 bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ông Thức, người kêu gọi dân chủ đa nguyên cho Việt Nam, hiện đang thụ án 16 năm tù trong khi bà Trang đang bị giam giữ từ tháng 10 năm ngoái sau khi viết Báo cáo Đồng Tâm và nhiều cuốn sách kêu gọi dân chủ cho quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền.
Mười ba tổ chức nhân quyền, gồm Article 19 có trụ sở ở London và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở New York, đồng ký tên vào một bức thư ngỏ “kêu gọi phó tổng thống Mỹ thách thức chính phủ Việt Nam về việc đối xử và tiếp tục giam giữ nhà hoạt động dân chủ bị đàn áp Trần Huỳnh Duy Thức trong chuyến thăm sắp tới của bà,” tổ chức Dự án 88, đồng ký tên trong bức thư, cho biết trong một thông cáo ra hôm 18/8.
“Hy vọng bà sẽ dùng cơ hội gặp gỡ giới lãnh đạo Việt Nam sắp tời đây để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nhân quyền,” bức thư đề ngày 18/8 gửi tới Văn phòng của phó tổng thống ở Nhà Trắng viết. “Cụ thể hơn, chúng tôi mong bà hãy nêu lên trường hợp của nhà hoạt động dân chủ và blogger Trần Huỳnh Duy Thức, hiện đang tuyệt thực dài hạn trong tù.”
Nhà cầm quyền Việt Nam kết án ông Thức tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999, hiện là điều 109 trong BLHS 2015.
Theo bức thư, mỗi bước trong quá trình khiếu kiện của ông Thức đều bị nhà nước Việt Nam “tìm mọi cách cản trở một cách triệt để, vi phạm trắng trợn quyền được xét xử công bằng đã được công nhận trong bản Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cũng như trong bản Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam.” Các tổ chức này kêu thúc giục bà Harris lên tiếng về việc “Toà án Việt Nam tiếp tục từ chối quyền được xét xử cũng như quyền được đối xử tử tế cho ông Thức” đồng thời “kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho ông Thức mà không buộc ông phải lưu vong ra nước ngoài.”
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Legal Initiatives for Vietnam (LIV) có trụ sở ở San Jose, California, cũng vừa gửi một thỉnh nguyện thư tới Văn phòng Phó Tổng thống để thúc giục bà Harris nêu yêu cầu trả tự do cho một số nhà báo “đang bị giam giữ bất hợp pháp và cầm tù” ở Việt Nam, trong đó có bà Trang, một trong những người sáng lập LIV.
Bà Trang bị bắt giam hôm 6/10/2020 và bị cáo buộc vi phạm điều 88 trong BLHS 1999 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và điều 117 trong BLHS 2015 về tội “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống phá NNXHCN Việt Nam.”
Bức thư cho biết bà Trang bị từ chối gặp gia đình và luật sư trong thời gian giam giữ cũng như đối mặt với án tù lên tới 20 năm nếu bị kết tội. Bà Trang nằm trong số những nhà hoạt động nhân quyền được Tổng thống Barack Obama mời tới gặp mặt khi công du Hà Nội hồi tháng 5/2016 nhưng bà đã bị công an “bắt cóc” ngay trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.
Nhân quyền được xem là một vấn đề mà chính phủ Mỹ và Việt Nam đang có những bất đồng dù quan hệ giữa hai nước đang ngày càng được thắt chặt hơn với những lợi ích chung về kinh tế và an ninh khu vực. Chính quyền Biden-Harris đặt nhân quyền vào trọng tâm của chính sách đối ngoại khi tiếp cận với các đối tác trên thế giới.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng trước nói rằng “chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy những cải thiện đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền thì quan hệ đối tác giữa hai nước mới đạt đến tiềm năng tối ưu.”
Bà Harris dự kiến tới Hà Nội ngày 24/8 và nghị trình của bà còn gồm có cuộc gặp với xã hội dân sự trong 2 ngày công du ở đây. Nhiều dân biểu liên bang Hoa Kỳ và 60 đại diện các tổ chức, hội đoàn của người Mỹ gốc Việt cũng đã gửi thư hối thúc bà Harris nêu vấn đề nhân quyền và tù nhân lương tâm với giới lãnh đạo Việt Nam khi tới Hà Nội.
Lâu nay, các chính trị gia và chính phủ Hoa Kỳ thường lên tiếng về việc chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, điều Hà Nội luôn bác bỏ và cho rằng ở Việt Nam “không có tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị” mà chỉ giam giữ những người “vi phạm pháp luật”.