Những nước phụ thuộc vào xuất khẩu ở Châu Á ngày càng lo ngại về sự tức giận đang gia tăng ở những người mang chủ trương dân túy tại Mỹ và Châu Âu đối với điều mà họ cho là những chính sách thương mại bất công có thể dẫn tới suy giảm kinh tế toàn cầu.
"Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi dậy có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu và do đó bắt đầu khiến nó bị đình trệ," Frederic Neumann, giám đốc quản lý bộ phận nghiên cứu kinh tế Châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hong Kong, nói.
Sự tức giận của cử tri trước tình trạng mất công ăn việc làm ở những nước công nghiệp hóa do toàn cầu hóa và các chính sách tự do thương mại gây ra chính là vấn đề cốt lõi trong cả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh để nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu hồi gần đây và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Những nền kinh tế lớn ở Đông Á đã phản ứng bằng những biện pháp bình ổn kinh tế ngắn hạn trước những biến động của thị trường do cuộc bỏ phiếu Brexit gây nên. Hàn Quốc ra lệnh tăng chi tiêu của chính phủ. Trung Quốc điều chỉnh giá trị đồng tiền của mình và Tokyo cho biết đang cân nhắc những biện pháp tương tự nếu giá trị đồng yen của Nhật Bản tiếp tục tăng.
Tuy nhiên phản ứng ở Châu Á trước thái độ nhiệt thành ủng hộ chủ trương bảo hộ mậu dịch đang được cổ súy ở Phương Tây, đặc biệt là tại Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, tới giờ có phần lặng lẽ.
Peter Drysdale, giám đốc Cục Nghiên cứu Kinh tế Đông Á tại Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học Quốc gia Úc, cho biết sự lo âu tại Châu Á được làm dịu bớt bởi quan niệm cho rằng những luận đàm kinh tế hợp lý hơn theo thời gian sẽ chiếm ưu thế.
Ông Drysdale nói: "Những lời lẽ xuất phát từ những chiến dịch chính trị ở Mỹ tất nhiên gây bận tâm cho những nhà lãnh đạo chính sách ở những nơi khác trên thế giới kể cả ở Châu Á, dù ở đó họ nhận thức rõ rằng những lời lẽ đó không nhất thiết chuyển thành chính sách sau cuộc bầu cử."
Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của phe Cộng hòa
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt trọng tâm chiến dịch tranh cử của mình vào việc công kích những hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuần này ông ta kêu gọi đàm phán lại hoặc bãi bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico, và tái khẳng định sự chống đối của ông ta đối với hiệp định Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm Mỹ và 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương khác.
Sự chống đối của phe Dân chủ với TPP
Ứng cử viên sắp được đề cử tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng đã lên tiếng chống đối TPP trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng trong quá khứ bà đã tỏ lập trường ủng hộ thương mại. Trong tư cách đệ nhất phu nhân Mỹ vào những năm 1990, bà đã phát biểu ủng hộ NAFTA, thỏa thuận mà chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ký thành luật.
Khi còn là ngoại trưởng của Tổng thống Barack Obama, bà cũng ca ngợi TPP, gọi nó là tiêu chuẩn vàng của những thỏa thuận thương mại.
Giờ là ứng cử viên tổng thống, bà lại chống đối thỏa thuận này, nói rằng phiên bản cuối cùng của nó không phải là một thỏa thuận có lợi cho người lao động Mỹ.
Nhưng sự thay đổi lập trường của bà Clinton về vấn đề toàn cầu hóa và thương mại cũng được coi là một nước cờ chính trị để chống lại sự ủng hộ đang lớn mạnh dành cho đối thủ tranh cử của bà có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Bernie Sanders, người mạnh mẽ ủng hộ gia tăng những chính sách bảo hộ mậu dịch.
Dù ứng cử viên tổng thống của cả hai đảng lớn đều phản đối TPP, Tổng thống Obama vẫn hy vọng nó sẽ được chuẩn thuận. Ông dự kiến sẽ nỗ lực thúc đẩy dự luật này được thông qua trong phiên họp Quốc hội trong khoảng thời gian trước khi mãn nhiệm sau cuộc bầu cử tháng 11, nhưng trước khi các quan chức mới nhậm chức.
Ông Neumann nói: "Hy vọng là những cái đầu bình tĩnh hơn sẽ thắng thế sau cuộc bầu cử và sẽ đạt một thỏa thuận nào đó, nhưng vào thời điểm này tình hình phía trước trông có vẻ đầy thách thức."
Những biện pháp thương mại công bằng
Những nhà kinh tế nói rằng các nước Châu Á có thể thực hiện thêm những biện pháp nữa để khai mở nền kinh tế của mình và gia tăng đầu tư ở những nước công nghiệp hóa để kiềm chế sự ủng hộ nhiệt thành đối với chủ trương bảo hộ mậu dịch ở phương Tây. Ông Drysdale cho biết việc này đang diễn ra ở một chừng mực.
"Những nhà đầu tư ở Ấn Độ, Trung Quốc và những nơi khác trong khu vực đang tìm cách đưa những nhà máy và tiền đầu tư vào những nước công nghiệp, đặc biệt là Mỹ," ông nói.
Tuần này ông Trump nhắm mục tiêu công kích cụ thể vào thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc, nói rằng thỏa thuận này đã tăng gấp đôi thâm hụt thương mại của Mỹ với nước đồng minh Đông Á này và hủy hoại gần 100.000 việc làm tại Mỹ.
Ông Neumann nói rằng ông Trump có lý ở chỗ nhiều công ty của Mỹ phàn nàn về những quy định hành chính phức tạp ngăn cản sự tiếp cận thị trường Hàn Quốc, mặc dù đã có FTA.
Ông nói: "Có một thỏa thuận song phương giữa Hàn Quốc và Mỹ. Về lý thuyết hầu hết những lĩnh vực phải được mở ra. Trong thực tế điều mà chúng ta thấy là mối quan hệ này bị mất cân bằng đôi chút."
Những quan chức ở Seoul thừa nhận Hàn Quốc hiện có thặng dư thương mại 10 tỉ đôla với Mỹ, nhưng nói rằng những công ty Hàn Quốc đang đầu tư nhiều hơn ở Mỹ so với Mỹ đang đầu tư ở Hàn Quốc.
Nếu những cái đầu bình tĩnh hơn không thắng thế và những rào cản thương mại lớn được dựng lên để hạn chế nghiêm ngặt hệ thống thương mại toàn cầu liên kết, thì theo lời những nhà phân tích này, đó sẽ là một thảm họa cho cả phương Đông lẫn phương Tây.