Giới công an trị Việt Nam chỉ biết lấy thịt đè người và lấy đông hiếp yếu tuyệt đối không nên bỏ qua thông tin chấn động này: ngày 15/8/2018, Tòa án Phúc thẩm Tripoli ở Libya đã tuyên án tử hình 45 cựu quân nhân và 54 cựu quân nhân khác bị phạt 5 năm tù giam vì bị kết án giết hại người biểu tình tại thủ đô Tripoli trong cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài Muammar Gaddafi năm 2011.
Bịt mặt cũng không thoát
Vụ án này xảy ra trước đó đúng bảy năm - 21/8/2011, ngày mà nhóm quân đội ủng hộ Gaddafi đã nổ súng và giết hàng chục người biểu tình gần khu vực Abu Slim. Chẳng bao lâu sau, cuộc cách mạng ‘Mùa xuân Ả rập’ đã giải thoát dân tộc Libya khỏi ách độc tài của chế độ Gaddafi. Muammar Gaddafi đã bị phe nổi dậy bắt và giết vào tháng 10/2011. Thân phận của kẻ độc tài tắm máu này chỉ được người ta nhìn thấy dưới một cái cống bẩn thỉu.
Libya dân chủ là quốc gia đầu tiên sau Cách mạng ‘Mùa xuân Ả rập’ hồi tố và truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm khắc và hợp đạo đối với những kẻ giết người biểu tình trong quá khứ.
Nhưng vì sao hầu hết quân nhân chống biểu tình thời Gaddafi đều đội mũ hoặc che mặt nhưng vẫn bị phát hiện và bị truy cứu hình sự?
Sau khi Gaddafi bị lật đổ, các cơ quan tư pháp của Libya dân chủ đã bắt đầu tiến hành những cuộc điều tra về thủ phạm ra lệnh và thủ phạm thi hành vụ bắn giết người biểu tình. Một số sĩ quan quân đội phụ trách chống biểu tình và trực tiếp ra lệnh bắn vào đoàn người biểu tình đã bị bắt giữ. Và chính những kẻ này, hòng cứu vãn mạng sống của chúng, đã mau mắn khai ra những quân nhân cấp dưới nào của chúng đã trực tiếp nổ súng. Không mấy khó khăn, cơ quan tư pháp đã xác định được danh sách những tội phạm giết người.
Còn Việt Nam thì sao?
Đánh đập, tra tấn và ‘tự chết trong đồn công an’
Ở Việt Nam chưa đến giới hạn xảy ra những vụ bắn giết người biểu tình, cũng bởi phong trào phản kháng dân sự ở Việt Nam chưa đạt đến độ rung lắc mà khiến chế độ cầm quyền phải run sợ và phải ra lệnh cho cảnh sát cùng quân đội bắn thẳng vào đám đông biểu tình.
Nhưng đánh đập, đánh dã man người biểu tình cùng cảnh ‘tự chết’ của người dân trong đồn công an thì đã trở thành số nhiều.
Trong bảng vàng thành tích của Công an TP. HCM, trận đàn áp cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016 được gạch dưới như một đỉnh cao chói lọi: lực lượng ăn thuế của dân đã bắt đến 500 công dân biểu tình nhốt tại sân vận động Hoa Lư.
Xịt hơi cay, đánh đập đến đổ máu rất nhiều người, đấm đá đến ngất xỉu hai mẹ con tuần hành như một cách kỷ niệm “Ngày của Mẹ”…
Chẳng có gì là chứng cứ của “thế lực thù địch”. Chỉ toàn dân ra biểu tình. Rất nhiều gương mặt mới xuất hiện: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, có cả giám đốc ngân hàng.
Ngày hè đỏ nắng và đỏ máu ở Sài Gòn. Khắp trung tâm thành phố này là cảnh “các lực lượng bảo vệ trật tự” nhe nanh lao vào hành hung không thương tiếc người biểu tình. Một số hình ảnh đã được xác minh: chính những nhân viên công an đã hóa trang làm thanh niên xung phong để tấn công dã man người biểu tình.
Hai năm sau đó, cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 ở Sài Gòn phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’. Cuộc tổng biểu tình này đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia. Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo ‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam.
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Song cuộc biểu tình thứ hai cùng tháng Sáu năm 2018 - diễn ra vào ngày Mười Bảy - đã bị Công an TP.HCM tái hiện cảnh đánh đập tra tấn người biểu tình như đã từng hành xử đối với cuộc biểu tình môi trường tháng Năm năm 2016, dã man đến mức nhiều người biểu tình bị hành hung đã lần đầu tiên phải thốt lên ‘Ác ôn cộng sản!’.
Vào cái ngày ác ôn trên, cả công viên Tao Đàn ở Sài Gòn đã bị biến thành một trại tập trung khổng lồ để giam giữ và tra tấn vài trăm người dân biểu tình. Tiếng kêu thét vì bị tra tấn dậy lên khắp nơi. Nhiều người dân Sài Gòn đã lần đầu tiên phải chứng kiến bản thân họ và đồng bào của họ bị giới ‘công an nhân dân’ tra tấn vào vùng kín của cơ thể.
Rất nhiều công an đã bị mặt trong khi thi hành nhiệm vụ ‘thanh bảo kiếm bảo vệ chế độ’. Hệt như những cảnh sát Ai Cập đã bịt mặt, cưỡi lạc đà lao vào đám đông biểu tình của người dân và vung roi quất lên đầu họ khi ‘Mùa xuân Ả rập’ bắt đầu.
Nhưng rốt cuộc, các chế độ độc tài đều sụp đổ và chẳng mấy kẻ bị mặt thoát nạn ‘quả báo’. Nhiều kẻ trong số đó đã bị chính quyền dân chủ trừng trị.
Vậy số phận của những công an bịt mặt ở Sài Gòn và ở nhiều tỉnh thành Việt Nam khi đàn áp, đánh đập nhân quyền, dân oan đất đai và tấn công người biểu tình liệu có thoát nạn quả báo trong tương lai không còn xa nữa?
Hãy nhìn vào sếp của những kẻ này.
Truy từ sếp công an
Vào cái đêm tối trời của con tàu sắp đắm và khiến hàng đàn chuột lúc nhúc bò khỏi chổ ẩn náu để thoát thân, hàng đàn hàng bầy quan chức Việt cũng âm thầm rồng rắn kéo nhau ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp và những nước Tây Âu, nhất là tìm đến những quốc gia không có hiệp định dẫn độ tội phạm hình sự với Việt Nam.
Những bầy quan chức trên lo sợ điều gì? Chế độ vẫn còn nằm trong tay họ kia mà?
Không, họ lo sợ về một sự thay máu chế độ như đã từng diễn ra ở ba nước Bắc Phi trong Cách mạng ‘Mùa xuân Ả Rập’. Họ lo sợ về một cơn cuồng bão nổi dậy của người dân Việt Nam sẽ nhấn chìm ‘con tàu cách mạng’ đầy ô nhục tham nhũng và sa đọa của họ xuống tận đáy đại dương.
Đây cũng đang là thời buổi của ‘thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ’. Không kẻ nào cứu kẻ nào nếu không bị ràng buộc quyền lực và lợi ích với nhau. Trong mọi thứ ích kỷ trên đời, ích kỷ về sinh mạng chính trị có lẽ là trội nhất. Sẽ chẳng có gì bảo đảm là những sỹ quan cảnh sát đã từng ra lệnh đánh đập tra tấn người biểu tình ở Việt Nam, khi đã nằm gọn trong vòng tay pháp luật hoặc bị lôi ngược về quê hương dù có tìm cách trốn biệt ra nước ngoài, sẽ không mau mắn khai báo cái danh sách những kẻ thừa hành mệnh lệnh ấy, bất chấp lũ thừa hành đã cố che mặt càng kín càng tốt để khỏi bị người dân và nạn nhân nhận dạng chúng.
Các cấp ‘trưởng phòng nghiệp vụ’ của công an tỉnh thành, cùng cấp trưởng phó công an quận, phường là những quan chức công an nắm rõ nhất danh sách những nhân viên công an bịt mặt đánh người và tra tấn đến chết người. Người dân chỉ cần lập hồ sơ sơ bộ về những vụ đánh đập, tra tấn và giết người trong đồn công an xảy ra vào thời điểm nào, tại đâu và kèm theo bằng chứng (nếu có), để dùng cho việc truy cứu trách nhiệm trong tương lai.
Sẽ là Libia ở Việt Nam?
Đánh đập và tra tấn dã man lại rất thường là biểu hiện của giai đoạn cuối cầm quyền của một chế độ độc tài. Sự phẫn nộ của dân chúng sẽ đẩy đến những cuộc biểu tình tự phát, không chỉ với những đám đông bình thường như trước đây mà sẽ biến thành một phong trào biểu tình khổng lồ. Nhưng thói quen sợ hãi xen độc trị của chế độ có thể sẽ biến thành những mệnh lệnh sát nhân. Quân đội và công an có thể sẽ phải nhận lệnh bắn thẳng vào đoàn người biểu tình.
Khi đó, kịch bản Libya năm 2011 sẽ tái hiện ở Việt Nam.
Và những năm sau đó khi một chế độ dân chủ chắc chắn sẽ được hình thành ở Việt Nam, kịch bản Libya ‘xử tử hình 45 cựu quân nhân vì giết người biểu tình’ cũng sẽ là một tấm gương phản tỉnh không thể cưỡng chống trên mảnh đất ‘lệ rơi hình chữ S’ này.