Ngay từ thời kỳ đầu của chính quyền Biden, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ đàm phán với Trung Quốc nếu dẫn đến “kết quả hữu hình” để giải quyết tranh chấp giữa hai đối thủ chiến lược.
Hai năm rưỡi sau, cách tiếp cận đó dường như đã thay đổi.
Kể từ đầu mùa hè, chính quyền đã bắt tay vào nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh mà hầu như không được đáp lại, thành lập các nhóm công tác và cử ba quan chức cấp nội các cùng đặc phái viên hàng đầu về khí hậu đến Bắc Kinh.
Chiến lược này, vốn một phần nhằm cứu vãn mối quan hệ đã rơi xuống mức nguy hiểm hồi đầu năm nay khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, có thể dẫn đến cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm nay, cuộc gặp đầu tiên của họ trong một năm.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói: “Mục tiêu thực sự là các kênh liên lạc và đảm bảo chúng ta không rơi vào xung đột - đơn giản như vậy”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận này có rủi ro riêng: các cuộc đàm phán và các nhóm công tác sẽ chỉ khiến sự chú ý rời xa - và có thể trì hoãn - các chế tài, kiểm soát xuất khẩu và cạnh tranh.
Ông Ivan Kanapathy, cựu phó giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Toà Bạch Ốc về châu Á, nói “Việc quay trở lại các cuộc đối thoại kinh tế cấp cao là một chiến thắng cho Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh tiếp tục cản trở việc giảm thiểu rủi ro quân sự, trộm cắp mạng và nhân quyền”.
Khó thảo luận
Trung Quốc là một thách thức ngoại giao khó khăn đối với Hoa Kỳ. Chính quyền Biden muốn chống lại quân đội đang tăng trưởng của nước này mà không gây ra xung đột và đẩy lùi những gì họ coi là hoạt động kinh doanh không công bằng, đồng thời tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Các quan chức cho biết họ đang áp đặt các biện pháp cứng rắn khi cần thiết đồng thời nhắc lại rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại để giữ mối quan hệ ổn định.
Họ chỉ ra lĩnh vực công nghệ cao mà Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn và cấm đầu tư vào một số công ty công nghệ Trung Quốc, đồng thời đưa ra các ưu đãi mới cho các công ty mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ.
“Tất nhiên, những lời chỉ trích mà chúng tôi nhận được từ một số người ở Capitol Hill và một số người trong cộng đồng học thuật là cạnh tranh có nghĩa là bạn không thể nói chuyện với Trung Quốc,” quan chức chính quyền này cho biết.
“Đó là sự hiểu lầm cơ bản về ngoại giao. Những cuộc đàm phán gay go, khó khăn luôn diễn ra với các đối thủ”.
Quan chức này cho biết những cuộc thảo luận đó bao gồm việc làm rõ những lo ngại rằng công nghệ của Mỹ đang được sử dụng để cải thiện khả năng của quân đội Trung Quốc.
Khi thành công, các cuộc đối thoại như vậy cũng có thể làm giảm bớt căng thẳng.
Một dấu hiệu khả dĩ của sự tan băng là sự hỗ trợ gần đây của Trung Quốc trong việc trao trả Travis King, một binh sĩ Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên và được chuyển về nước qua lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc các quan chức Hoa Kỳ vội vã đến thăm Trung Quốc - một phần nhằm mục đích sắp xếp cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tại San Francisco – khiến một số người và đảng Cộng hòa trong Quốc hội chỉ trích vì họ nói rằng có qua có lại mới là khởi điểm khôn ngoan.
Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher, người điều hành Ủy ban của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói: Một năm “thỏa hiệp ngoại giao” của Hoa Kỳ đã không mang lại hành động nào để giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường cho các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ hoặc sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tranh chấp.
Ông nói: “Trong khi đó, chính quyền đã trì hoãn, làm loãng hoặc hy sinh các hành động phòng vệ như kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn hoặc chế tài đối với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Không trì hoãn trong chính sách của Trung Quốc
Các quan chức chính quyền thừa nhận Trung Quốc có thể coi việc Mỹ thúc đẩy giao tiếp là cơ hội để làm suy yếu hoặc làm chậm các chính sách của Washington nhắm vào Trung Quốc, đặc biệt là về xuất khẩu trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn, nhưng phủ nhận rằng điều này đang xảy ra.
Họ chỉ ra các lệnh trừng phạt mới liên quan đến fentanyl đối với Trung Quốc trong tuần này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không được cho qua, đồng thời nói thêm rằng các quy định bị trì hoãn từ lâu nhằm thu hẹp các lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, như Inspur Group, sắp được đưa ra.
Quan chức chính quyền này phủ nhận sự chậm trễ là để tránh làm Trung Quốc khó chịu mà nhằm mục đích “hoàn thiện các phần kỹ thuật và cân bằng tác động kinh tế đối với khả năng cạnh tranh trong nước của chúng ta”.
Các nhà ngoại giao cho rằng việc hợp tác với Trung Quốc dù cần thiết nhưng hiếm khi mang lại kết quả nhanh chóng.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 năm nay của ông Blinken - sự giao tiếp cấp cao đầu tiên kể từ vụ khinh khí cầu do thám hồi tháng 2 - đã giúp mở lại các kênh ngoại giao mặc dù nó không mang lại tiến bộ rõ rệt về các vấn đề như khôi phục liên lạc giữa quân đội với quân đội, khống chế fentanyl của Trung Quốc và giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết, những tương tác đó rất quan trọng để cả hai bên có thể xác định rõ ràng “điểm mấu chốt” của họ là gì.
“Công việc ngoại giao này thường rất khó khăn, thường căng thẳng. Đôi khi không mấy dễ chịu. Nhưng tôi nghĩ cả hai bên đều tin rằng nó cực kỳ quan trọng.”