Chính phủ Việt Nam quyết định giữ nguyên trần nợ công ở mức 65% GDP để đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó, một chuyên gia trong nước khuyến cáo Nhà nước “phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu” trong bối cảnh chi tiêu ngân sách căng thẳng.
Phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn vào sáng ngày 16/11, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết rằng đã có nhiều lời kêu gọi từ các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế rằng Nhà nước nên tăng trần nợ công lên hơn 65% GDP để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, theo trang nhà của Chính phủ Việt Nam.
“Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công,” ông Huệ được dẫn lời nói trước Quốc hội.
Theo báo cáo của ông Huệ trước Quốc hội thì nợ công hiện nay của Việt Nam đạt mức 62,6% GDP (dưới trần) và 25% GDP được dùng để trả nợ.
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Phạm Chi Lan, người từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng, nói bà tán thành chủ trương này của Chính phủ.
“Nếu tăng trần thì sẽ tạo ra tâm lý rằng nợ công vẫn có thể tiếp tục tăng. Còn nếu giữ nguyên trần sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ làm thế nào để hạ trần xuống và giảm nợ công dần dần,” bà Lan phân tích.
Theo bà Lan để giải quyết tình trạng khó khăn ngân sách của Việt Nam thì Chính phủ “phải làm mọi cách giảm chi tiêu thường xuyên.”
“Chi phí chi thường xuyên quá cao, cộng với nghĩa vụ trả nợ các khoản vay ODA trước đó làm cho ngân sách đầu tư cho phát triển kém đi,” bà nói, “Ngoài ra còn rất nhiều hiện tượng tham nhũng, lãng phí, thất thoát.”
“Trào lưu các tỉnh xây dựng trụ sở to, làm các tượng đài cần phải rà soát lại, cái nào thật sự cần thiết mới làm,” bà nói thêm.
Khi được hỏi liệu số tiền mà Chính phủ Việt Nam đã vay có được sử dụng hiệu quả, bà nói: “Bản thân nợ công cứ tăng lên đã chứng tỏ Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được, chưa làm cho đầu tư công có hiệu quả. Nếu đầu tư công có hiệu quả thì sẽ đem lại lợi ích về kinh tế để dần dần bù đắp cho các khoản nợ công.”
Bà cũng cho rằng một phần nợ công Việt Nam tăng nhanh là do “vay trong nước với thời hạn ngắn với lãi suất cao” trong khi “vay nợ nước ngoài chỉ là một phần thôi”.
Để giải quyết bài toán ngân sách, bà Lan đề xuất để cho khu vực tư nhân hợp tác với Nhà nước để đầu tư phát triển theo mô hình công tư.
“Phải xem xét lại vai trò của Nhà nước để giảm bớt đầu tư. Có nhiều việc Nhà nước đang làm thay quá nhiều cho doanh nghiệp, cho xã hội,” bà nói và dẫn lại lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng sắp tới “Nhà nước sẽ không làm công việc bán bia, bán sữa nữa” (các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này).
Trước câu hỏi tăng thuế có phải làm một giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách, bà Lan nói: “Mức thuế ở Việt Nam đã tương đối cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Trước mắt là làm sao thu cho đủ các sắc thuế đã đặt ra và không để tình trạng trốn thuế xảy ra tràn lan như hiện nay. Ngoài ra thu thuế từ các doanh nghiệp Nhà nước không tương xứng với lượng tài nguyên, tài sản của đất nước mà họ sử dụng.”
“Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp có thể làm ăn, phát triển được. Như thế mới có thêm người đóng thuế,” bà nói thêm, “Tình hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay khó khăn quá khiến cho khả năng đóng thuế của các doanh nghiệp bị eo hẹp.”
Tuy nhiên, bà Lan nói rằng bà không lo lắm về khả năng Việt Nam sẽ đổ vỡ về kinh tế do gáng nặng về nợ công vì “nguồn lực để tận dụng còn nhiều” mặc dù vấn đề nợ công vẫn là một mối lo lớn cho Việt Nam về trung hạn.
Tình hình nợ công Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là dưới hai nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tăng nhanh dẫn đến nghĩa vụ trả nợ lớn cho Chính phủ kế nhiệm. Tình hình nan giải về nợ công đã khiến hệ thống chính trị Việt Nam phải vào cuộc tìm giải pháp từ những cấp cao nhất.
Đại hội Đảng lần thứ 12 đã xác định đảm bảo an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội nhận định rằng trong nhiệm kỳ của chính quyền mới phải tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước khiến cho dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng đề án cơ cấu lại về thu chi ngân sách để quản lý an toàn nợ công. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chuyên đề về nợ công.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tổng thu ngân sách tăng 1,65 lần, kiềm chế chi ngân sách ở khoảng 24% GDP, giảm bội chi để tới năm 2020 bội chi chỉ còn 3,5% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP, cũng theo website chính phủ.