Bộ máy chính quyền Việt Nam hiện quá cồng kềnh gây nhiều trở ngại, lãng phí cho công việc Nhà nước phải được tinh gọn và một giải pháp quan trọng là giám sát quyền lực và công khai minh bạch trong hệ thống chính quyền, một nhà quan sát chính trị trong nước nhận định với VOA.
Tinh giản bộ máy nhà nước là chủ đề bao trùm Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hiện đang họp ở Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc hội nghị thừa nhận rằng bộ máy chính trị “cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả, chồng chéo, cơ cấu chưa hợp lý”.
“Giảm biên chế thì sẽ có người phải chịu đau đớn. Họ phải chịu mất việc làm. Nhà nước phải chi một số tiền để đào tạo lại những người bị sa thải để họ có thể tìm được việc làm mới.”Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
Hiện tại bộ máy chính quyền ở Việt Nam bao gồm nhiều hệ thống song song: cơ quan chức năng Nhà nước, cơ quan Đảng và các đoàn thể quần chúng, chưa kể hệ thống của quân đội và công an.
Theo báo mạng VnExpress, chỉ tính riêng các cơ quan Nhà nước thì hiện nay Việt Nam đã có gần ba triệu nhân viên công chức từ trung ương đến địa phương.
Giữa các hệ thống có sự trùng lắp, chồng chéo nhau. Chẳng hạn, cùng công tác đối ngoại nhưng bên chính quyền có Bộ Ngoại giao còn bên Đảng vẫn duy trì Ban đối ngoại Trung ương mặc dù trọng tâm công tác đối ngoại khác nhau; công tác quản lý tư tưởng văn hóa có sự chồng chéo giữa Bộ Thông tin Truyền thông của Chính phủ và Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng.
Ngoài ra, bộ máy chính quyền lại đẻ ra nhiều tầng nấc trung gian cũng như phát sinh ra nhiều bộ phận mới khiến công việc bị giải quyết chậm trễ trong khi số lượng biên chế lại phình to, gây tốn kém cho ngân sách.
Mặc dù có số lượng đông đảo nhưng công chức viên chức Việt Nam được cho là làm việc không hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là phó thủ tướng từng phát biểu rằng một bộ phận công chức ở Việt Nam “không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào"
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết Việt Nam hiện “chi đến 71% tổng chi ngân sách vào chi phí thường xuyên để nuôi bộ máy này”, còn “24,5% là để trả nợ” cho nên “không còn tiền để đầu tư” khiến cho “Chính phủ rất khó khăn”.
“Trung ương Đảng bàn về vấn đề này là phản ánh sự cần thiết cần có sự cải tổ cấp bách,” ông nói.
“Bộ máy Việt Nam khá cồng kềnh so với một nền kinh tế như vậy. Hệ thống Đảng, hệ thống Nhà nước rồi Nhà nước lại đẻ ra các tổ chức quần chúng cũng có các ban bệ từ trung ương đến địa phương. Cách nay mấy năm lại đẻ ra các ban như Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nữa,” ông nói.
Tuy nhiên ông cho rằng công việc tinh giản biên chế là một việc khó khăn, đòi hỏi Đảng Cộng sản “phải có quyết tâm rất lớn”.
“Giảm biên chế thì sẽ có người phải chịu đau đớn. Họ phải chịu mất việc làm,” ông nói, “Nhà nước phải chi một số tiền để đào tạo lại những người bị sa thải để họ có thể tìm được việc làm mới.”
“Cho dù khó những sớm muộn cũng phải làm,” ông nói thêm và cho biết việc tinh giảm biên chế muốn làm được thì cần phải có tiêu chí rõ ràng, có quy chế làm việc công khai minh bạch, phải có sự giám sát độc lập và phải có trách nhiệm giải trình.
“Lâu nay quyền lực không được giám sát nên bộ máy vẫn cứ phình ra mặc dù họ nói là đã tinh giảm. Cho nên cần phải giám sát,” ông giải thích.
“Phải xây dựng bộ máy khoa học có căn cứ phù hợp thực tiễn.”
“Thi tuyển (công chức) có giám sát là việc nên làm. Đã có những người tùy tiện bổ nhiệm cán bộ nhân viên chỉ vài ngày trước khi rời chức và những người được bổ nhiệm ấy lại là họ hàng hay có quan hệ thân quen,” ông nói thêm.
Ông Doanh cũng cho rằng nếu tinh giảm biên chế thì ngân sách sẽ có nhiều tiền hơn để tăng lương cho những người làm việc hiệu quả, góp phần tránh tình trạng cán bộ Nhà nước nhũng nhiễu.
“Tôi chắc là không thể làm cùng một lúc được nhưng phải làm từng bước. Không thể nào cùng một lúc giảm đến 30% biên chế,” ông nói.