Chục năm trở lại đây ở Sài Gòn có phố ông đồ. Đây là phố ông đồ tại Nhà văn hóa thanh niên thành phố. Hình ảnh về những người muôn năm cũ của thi sĩ Vũ Đình Liên, giờ là những anh đồ trẻ măng, viết chữ Việt theo kiểu thư pháp. Các gian hàng thư pháp đều là người trẻ, hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ với cặp kính lão là thứ xa xỉ ở khu vực này. Ông đồ Đỗ Đăng Kha nói mọi người đến xin chữ về các chủ đề như sức khỏe, phúc lộc thọ, cầu bình an, viết về cha mẹ.
Ông đồ Đỗ Đăng Kha:
“Em thật sự rất là vinh dự khi mà mình có một chút về khả năng viết được thư pháp, cũng như là mang đến cho mọi người từng con chữ để thể hiện được tiếp sự duy trì cái nét truyền thống của người Việt Nam. Khách hàng đều có một quan điểm, một cái suy nghĩ khi mà họ đến xin chữ.
Có người thì xin những bao lì xì tặng cho ba mẹ, hay người thân, viết những câu đối, câu chúc, chúc họ có một mùa xuân thật là may mắn, hạnh phúc. Cũng có người có một cái niềm đam mê với nghệ thuật thư pháp, dù họ không biết viết, nhưng mà mỗi năm họ đều đi xin chữ ở thầy đồ, để mỗi năm mỗi có một tác phẩm treo trong nhà. Những tác phẩm đó, họ đặt, họ xin ông đồ đặt cho họ những cái nghệ thuật mà chắt lọc trong từng con chữ.”
Cô gái có tên Thảo My, nói: “Đây là một cái truyền thống văn hóa đặc sắc rất là Việt Nam. Mỗi độ xuân về mà chúng ta không có những nét đẹp văn hóa này thì những thế hệ sau chúng ta sẽ không đón nhận và tiếp nối và có thể phát triển được nó. Cho nên những ngày như thế này rất là có ý nghĩa. Là một người trẻ thì em rất là thích những văn hóa và truyền thống này của Việt Nam”.
Lời của cô gái Thảo My về vẻ đẹp được gọi là truyền thống này có vẻ mông lung, vì thật ra thư pháp chữ Việt được nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phát khởi xướng vào thập niên 50 thế kỷ trước, và mới phát triển thành phong trào từ đầu thế kỷ 21 nhờ công của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Do đó cũng không lạ khi nhiều người trẻ thờ ơ với chữ nghĩa, không muốn xin chữ nhưng lại thích đến đây để chụp hình.
Vậy là giữa lòng Sài Gòn phồn hoa, hiện đại, người ta vẫn bắt gặp hình ảnh gợi nhớ đến Tết Việt xưa với những cụ đồ viết thư pháp Hán tự, với mơ ước xuân mới nhiều may mắn như lời của ông đồ Đỗ Đăng Kha.
Đỗ Đăng Kha: “Dạ mỗi năm Tết đến thì mỗi mùa xuân đều có một vẻ khác nhau. Thì mùa xuân nào cũng vậy, cái truyền thống Tết về việc viết thư pháp đều luôn hoạt động diễn ra mỗi năm, cũng như tặng chữ cho mọi người để họ có cảm nhận được cái mùa xuân của dân tộc Việt Nam nó tuyệt vời như thế nào”.
Thảo My: “Trong không khí xuân ngày hôm nay thì tất cả các bạn trẻ ở Sài Gòn thì rất là nô nức có thể chụp những bộ ảnh rất là đẹp, cùng nhau có một cái Tết rất là truyền thống trong một nét đẹp rất là cổ xưa của mình… Chúc cho tất cả người Việt chúng ta ở trong nước và cả ngoài nước đón một mùa xuân rất là ấm cúng, rất là mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của mình”.
Nếu như ngày xưa thư pháp chỉ viết trên giấy hoặc mành, thì nay thư pháp có thể viết trên đủ loại chất liệu như gỗ, đá, đĩa sứ và thậm chí là vẽ 3D để có thể đáp ứng nhu cầu thị hiếu của giới trẻ. Chính điều này cũng giải thích vì sao các nam thanh nữ tú đến phố ông đồ dịp năm hết Tết đến ở Sài Gòn như một điểm để dung dăng dung dẻ chụp hình, hơn là thành tâm xin chữ ông đồ như thuở nào.