Một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không thể nào thay thế được thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì giá trị chiến lược của nó, theo lời của một cựu cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama về chính sách Châu Á tại một cuộc hội luận của những chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới chính quyền Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23 tháng 01, ngày làm việc đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống, đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức từ bỏ thỏa thuận thương mại đầy tham vọng mà người tiền nhiệm của ông đã thương thuyết với 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương. Hành động này phần nào hiện thực hóa cam kết của ông Trump lúc vận động tranh cử là chấm dứt những thỏa thuận thương mại quốc tế mà ông cho là cướp mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ.
TPP, một trong những trụ cột của chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama, nhắm mục tiêu liên kết Mỹ với những nước từ Việt Nam cho tới Canada, Chile để làm đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và mặt kinh tế và quân sự.
“Rút khỏi TPP là một cú đấm thẳng vào bụng. Không có cách nào nhìn nhận việc này khác hơn như vậy,” Evan Medeiros, giám đốc cao cấp cho sự vụ Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Obama từ năm 2013 đến năm 2015, cho biết trong cuộc hội luận diễn ra tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm 13 tháng 2 ở Washington.
Được cho là một kiến trúc sư chính trong chiến lược tái cân bằng về Châu Á, ông Medeiros giải thích rằng giá trị chiến lược của TPP không những là Tổ chức Thương mại Thế giới mở rộng với những “rào cản đằng sau biên giới” được loại bỏ, mà nó còn có thể “thực sự thay đổi luật chơi về cách thức mà các nước sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt với tất cả những lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số.”
Ông nói thêm: “Nếu bạn là Việt Nam hay Malaysia, TPP giờ đã mất và không cách gì có thể thay thế bằng những hiệp định thương mại tự do song phương, thậm chí nếu bạn có ký kết được một mớ những hiệp định này ngay lập tức đi chăng nữa, điều mà lịch sử cho thấy là rất khó xảy ra.”
Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu mất đi TPP có khiến Việt Nam càng xích lại gần Trung Quốc hơn hay không, ông Medeiros nói:
“Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của việc liên tục bảo vệ mình giữa cường quốc lớn. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân khiến Việt Nam lo ngại - về sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, về việc dễ bị cưỡng ép về kinh tế, về tranh chấp ở Biển Đông - không có nguyên nhân nào trong số này bị triệt tiêu với việc Donald Trump đắc cử. Tôi nghĩ rằng những lo ngại và cấm đoán ở Việt Nam về việc xích lại gần hơn với Trung Quốc vẫn còn. Tôi nghĩ Việt Nam, cũng giống như nhiều nước ở Châu Á, đang trong tư thế chờ và xem, hy vọng rằng mối quan hệ của họ sẽ đạt mức bình ổn với chính quyền Mỹ mới, tương tự như mức độ và chất lượng của chính quyền trước, nhưng đồng thời họ cũng đang làm điều mà những nước khác đang làm ở Châu Á, tập trung vào sự đa dạng hóa và khả năng phục hồi. Tôi nghĩ rằng đó là hai chiến lược nổi trội mà bạn sẽ thấy ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong khu vực.”
Tuy nhiên, Elizabeth Economy, Giám đốc đặc trách Nghiên cứu Châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng Việt Nam và các nước khác trong khu vực có thể cưỡng lại điều mà bà gọi là “lực hấp dẫn của Trung Quốc” trước sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự thoái lui đáng kể khỏi vị trí lãnh đạo ở Châu Á thì chúng ta sẽ để lại một khoảng trống. Và có thể Thủ tướng [Nhật Bản Shinzo] Abe sẽ trám vào ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở vị thế sẵn sàng và sẵn lòng và có khả năng làm được điều này trong tư cách là đối tác thương mại lớn nhất đối với những nước trong khu vực, nếu không nhất thiết phải là nước đầu tư lớn nhất.”
Dù vậy, các chuyên gia tại cuộc hội luận đều nhất trí rằng một chỉ dấu rất rõ ràng cho mối quan hệ Việt- Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.
“Tôi hy vọng một trong những cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Abe trên lỗ số 12 khi họ chơi golf ở Mar-a-Lago là, ‘ông cần phải đến Châu Á, đến dự APEC và [Hội nghị Thượng định Đông Á],’” ông Medeiros nói.
“Nếu ông ấy không đi, đó rõ ràng sẽ là một cú giáng mạnh vào mối quan hệ này.”