Một đề án phát triển vận tải và thủy điện đầy tham vọng định thực hiện trên sông Hồng đang khơi ra nhiều băn khoăn, lo lắng về môi trường ở Việt Nam, nhất là về những ảnh hưởng đối với vựa lúa Đồng bằng sông Hồng. Giáo sư Đặng Hùng Võ, một chuyên gia về tài nguyên và môi trường nhận định nếu thực thi, đề án sẽ có lợi cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là chính.
Báo chí Việt Nam đưa tin một công ty của tỷ phú Nguyễn Văn Thiện, người Ninh Bình, hồi đầu năm nay đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề án đầu tư 1,08 tỷ đôla để lập ra “thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện”. Công ty này chuyên đầu tư, xây dựng trong lĩnh vực thủy điện, nhà máy xi măng và khách sạn nghỉ dưỡng.
Theo tin tức xuất hiện giữa tuần này, công ty của ông Thiện đề xuất xây dựng khoảng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng từ tỉnh Việt Trì gần Hà Nội, lên tỉnh Lào Cai giáp với Trung Quốc, kết hợp xây 6 nhà máy thủy điện nhỏ có công xuất 228 megawatt, cũng như xây dựng 7 cảng từ Hà Nội tới Lào Cai để khai thác vận tải dọc tuyến đường thủy này.
Nhà đầu tư nêu kỳ vọng nếu được thực hiện, họ sẽ lấy lại vốn trong 25 năm. Công ty tính toán nguồn thu chính là bán điện và nguồn thu từ phí đường thủy tính trên lượng hàng hóa vận chuyển.
Nhận xét về đề án này trong một cuộc phỏng vấn với VOA, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cho rằng cần phải xem xét kỹ đề án vì những tác động có thể rất to lớn của nó.
“Chúng ta còn cần phải nghiên cứu rất nhiều thứ. Đặc biệt là câu chuyện có đánh đổi các vấn đề xã hội, môi trường để lấy lợi ích kinh tế hay không. Thứ hai là lợi ích kinh tế trong dự án này, đó là gì? Ai được, ai mất, thì phải làm thật rõ. Bên cạnh đó, những vấn đề về địa chất, những vấn đề về tự nhiên, thậm chí những vấn đề về phong thủy, thì chúng ta cũng phải xem xét rất kỹ lưỡng”.
Lưu vực sông Hồng bao gồm gần như toàn bộ miền bắc của Việt Nam và có nhiều sông lớn khác gắn kết vào sông Hồng. Theo giáo sư Võ, tác động vào sông Hồng sẽ tác động vào “gần như toàn bộ lưu vực sông”, dẫn đến việc hầu hết các cộng đồng dân cư sống nhờ vào con sông hoặc dọc hai bên sông, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Hồng, có thể sẽ bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp.
Hiện nay, sông Hồng về cơ bản vẫn duy trì trạng thái tự nhiên. Nhưng Giáo sư Võ cho rằng nếu xây các nhà máy thủy điện trên 6 bậc khác nhau cùng với các âu tàu sẽ tạo ra “tác động táo bạo” vào con sông. So sánh với sông Đà, một con sông hợp lưu với sông Hồng, Giáo sư chỉ ra rằng mới có 3 bậc thủy điện trên sông Đà đã gây tác động lớn, đó chính là lời cảnh báo về đề án với sông Hồng.
Trên thực tế nếu chúng ta loại trừ lợi ích của nhà đầu tư ra, thì tôi cho rằng bên được lợi nhất là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa. Đây là tỉnh mà rất khó khăn tiếp cận với đường biển. Và tỉnh Vân Nam vẫn khao khát tìm cách gì để có được tuyến vận tải rẻ nhất để đi ra biển, thì có lẽ là đi theo sông Hồng với cái dự án cải tạo để tàu có trọng tải lớn có thể đi được, thì tôi cho rằng chắc chắn là bên được lợi nhất chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa.Giáo sư Đặng Hùng Võ.
“Trên sông Đà là sông có khả năng thủy điện cao hơn sông Hồng rất nhiều, hiện nay nhà nước Việt Nam có cho làm 3 bậc thủy điện ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, thì chúng ta đã thấy mức độ ảnh hưởng của 3 bậc này đối với dòng sông Đà, đối với người dân sống dựa vào dòng sông này, là những tác động khá lớn. Cho đến hiện nay vẫn phải tái định cư các cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế thì huống chi là bây giờ chúng ta có 6 bậc sông Hồng. Trong khi đó, con sông Hồng không có tiềm năng thủy điện cao. Thế thì chúng ta thấy rằng tính đảo lộn với con sông Hồng sẽ cực kỳ lớn”.
Về việc bên nào sẽ mất mát còn bên nào hưởng lợi nếu đề án được thông qua, Giáo sư Võ đưa ra nhận định có thể làm nhiều người giật mình:
“Tôi cho rằng bên thiệt hại, bên mất, bên chịu ảnh hưởng có lẽ là một cái phạm vi khá rộng. Còn được lợi, cũng có thể nhà đầu tư được lợi, nhưng trên thực tế nếu chúng ta loại trừ lợi ích của nhà đầu tư ra, thì tôi cho rằng bên được lợi nhất là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa. Đây là tỉnh mà rất khó khăn tiếp cận với đường biển. Và tỉnh Vân Nam vẫn khao khát tìm cách gì để có được tuyến vận tải rẻ nhất để đi ra biển, thì có lẽ là đi theo sông Hồng với cái dự án cải tạo để tàu có trọng tải lớn có thể đi được, thì tôi cho rằng chắc chắn là bên được lợi nhất chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa”.
Một khi con sông được cải tạo để các tàu trọng tải lớn hoạt động, có phần chắc sẽ do một số công ty kinh doanh có thế lực điều hành một cách có hệ thống, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của những người đang kinh doanh vận tải nhỏ lẻ trên dòng sông. Giáo sư Võ phân tích thêm như sau:
“Đây là một dự án muốn khơi thông lòng sông Hồng với một cái độ sâu ở một mức độ phù hợp cho các tàu trọng tải lớn. Thế thì chắc chắn là nó sẽ tạo ra một mặt bằng kinh doanh mới mà sẽ có nhiều nhóm vận tải liên quan đến dự án, liên quan đến chủ đầu tư dự án thì sẽ có thể chiếm được thế độc quyền và đánh bật được tất cả các khả năng vận tải hiện nay mà vẫn chuyên chở bằng những xà lan nhỏ dọc sông từ tỉnh này qua tỉnh khác. Và đặc biệt nó thay đổi cái điều chúng ta đáng ngại, chính là sự thay đổi về sinh kế, về thu nhập của tất cả những người đang sinh sống dựa vào con sông”.
Tại phiên họp báo của chính phủ Việt Nam hôm 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đề án gần 1,1 tỷ đôla của tỷ phú Thiện “mới ở bước sơ khai, dưới dạng đề xuất, thí điểm ban đầu”.
Ông Tự nói bộ của ông đã xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và "nhận được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương" về việc bộ có thể “báo cáo chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu” về đề án.
Ông Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư nói thêm nếu muốn được đầu tư đề án này còn phải qua ít nhất hai bước là được các cơ quan nhà nước phê duyệt đề xuất dự án, sau đó các cơ quan lập báo cáo dự án khả thi và phê duyệt dự án khả thi.
Your browser doesn’t support HTML5