Hà Nội cực lực phản đối vụ quốc kỳ Việt Nam bị đốt trước đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh hôm thứ ba và yêu cầu Campuchia phải xử lý nghiêm, tránh để tái diễn tình trạng này.
Những người Khmer Krom phẫn nộ đã đốt cờ Việt Nam trong cuộc biểu tình tại thủ đô Campuchia kéo dài 3 ngày khởi sự từ đầu tuần, quy tụ hàng trăm người tham gia trong đó có nhiều nhà sư. Họ yêu cầu chính phủ Hà Nội phải xin lỗi về lời phát biểu của phát ngôn nhân sứ quán Việt Nam nói rằng vùng đất mà họ gọi là Kampuchea Krom tức khu vực sông MeKong ở miền Nam Việt Nam đã thuộc về Việt Nam từ lâu đời.
Ông Trần Văn Thông kiêm tham tán chính trị của đại sứ quán trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hồi tháng 6 phủ nhận quan điểm của một số người Campuchia cho rằng các tỉnh trong vùng Khmer Krom hiện là nơi sinh sống của nhiều người thiểu số Khmer Krom ở miền Nam Việt Nam vốn thuộc về Campuchia trước khi Pháp cắt đất giao lại cho Việt Nam vào năm 1949. Bình luận của ông Thông đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình trong cộng đồng Khmer Krom tại Campuchia trong mấy tháng qua mà đỉnh điểm là vụ đốt cờ Việt Nam hôm 12/8.
Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua trích tuyên bố của người phát ngôn Lê Hải Bình tố cáo các cuộc biểu tình này là ‘bất hợp pháp’ và lên án hành động đốt quốc kỳ Việt Nam là ‘ngang ngược, cố tình xúc phạm nghiêm trọng tình cảm của nhân dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.’
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Bình nói ‘Việt Nam kịch liệt phản đối việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh’ và ‘yêu cầu Campuchia xét xử nghiêm minh theo pháp luật và có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, không để tình trạng trên tái diễn.’
Bộ Ngoại giao Campuchia chưa có phản hồi chính thức đối với yêu cầu của phía Việt Nam, nhưng người phát ngôn Nội các hay còn gọi là Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan tối ngày 15/8 cho VOA Việt ngữ biết quan điểm của Bộ Nội Vụ không đồng tình với việc đốt quốc kỳ của bất cứ nước nào.
Ông Phay Siphan nói:
“Về nguyên tắc, Bộ Nội Vụ đã giải thích công khai với công chúng rằng họ không muốnm thấy bất kỳ trường hợp nào như thế, họ muốn ngăn không để các vụ tương tự tái diễn lần nữa, không chấp nhận việc đốt cờ của bất kỳ quốc gia nào.”
Cho tới nay, Việt Nam chưa hồi đáp chính thức trước yêu cầu của người biểu tình Campuchia đòi Hà Nội phải xin lỗi vì phát biểu của phát ngôn nhân sứ quán Việt Nam mà họ cho là bóp méo lịch sử.
Tờ Thanh Niên hôm 10/7 thuật lời ông Trần Văn Thông khẳng định ‘‘yêu sách của người biểu tình là không có căn cứ và ngay cả cuộc biểu tình cũng là phi pháp vì không được chính quyền cấp phép. Do đó, đại sứ quán Việt Nam không cần phải xem xét yêu sách của họ, đồng thời khẳng định sự thật không thể tranh cãi: ‘Nam bộ là lãnh thổ của nước Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, được Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế, tất cả các nước trên thế giới, kể cả các thành viên của ASEAN công nhận.’”
Đáp lại, phát ngôn nhân Nội các Campuchia Phay Siphan kêu gọi hai nước nên hướng tới tương lai phát triển hợp tác, chớ nên bóp méo lịch sử hay quá khứ.
Ông Phay Siphan nhấn mạnh:
“Chúng tôi không muốn khẩu chiến hay bất cứ điều gì gây chia rẽ tình hữu nghị tốt đẹp của hai nước láng giềng. Ưu tiên của chúng tôi là phát triển hợp tác vì tương lai. Cần ngăn chặn mọi người bóp méo lịch sử hay quá khứ vì lịch sử là lịch sử, không ai có thể thay đổi được.”
Báo chí Campuchia hôm nay trích thuật nguồn tin từ những người trong ban tổ chức biểu tình cho biết họ quyết tổ chức thêm nhiều cuộc xuống đường nữa trong vài tuần tới nếu cả hai chính phủ Việt Nam và Campuchia không giải quyết vấn đề tranh cãi liên quan đến phát ngôn của tham tán chính trị đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia.
Các đảng phái chính trị đối lập ở Campuchia thường dùng các cáo buộc về việc Việt Nam chiếm đất để phản đối chính sách của Thủ tướng Hun Sen trong quan hệ với Việt Nam.
Cộng đồng người Việt sinh sống ở Campuchia hay than phiền về tình trạng bị phân biệt đối xử và tinh thần bài Việt của người bản xứ mà đỉnh điểm là vụ một người Việt bị đánh hội đồng đến chết tại Phnom Penh hồi giữa tháng 2 năm nay xuất phát từ lý do sắc tộc.