Các nhà ngoại giao cấp cao đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã kết thúc đàm phán tại thủ đô Naypidaw của Myanmar hôm Chủ Nhật, bằng một thông cáo chung kêu gọi tất cả các bên hãy tránh những vụ xung đột trên Biển Đông.
Hãng tin AP được báo chí Mỹ trích đăng hôm nay tường trình rằng các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong vùng biển được tin là giàu tài nguyên dầu khí ở Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng trong khu vực, trong khi những cố gắng của Hoa Kỳ và Philippines nhằm thuyết phục các bên hãy tạm ngưng mọi hành động khiêu khích, chẳng hạn như khoan dầu, không được hậu thuẫn rộng rãi.
Hội nghị ASEAN diễn ra ở thủ đô của Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, đánh dấu thêm một bước ngoặt trong tiến trình mở cửa chính trị của nước này, tuy nhiên, như trong các hội nghị ASEAN trước, vấn đề chủ yếu của tổ chức khu vực này là các vụ tranh chấp đất đai và biển đảo tại Biển Đông vẫn chưa được giải quyết.
Bản tin dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar nói: “Đây không phải là một bên tìm cách ảnh hưởng tới những bên khác, hay tất cả các nước chống lại một nước, mà là toàn khối ASEAN, theo truyền thống, mong muốn giải quyết những cuộc tranh chấp như thế theo một đường lối hết sức hòa bình.”
Ngoại trưởng Myanmar nhấn mạnh rằng đây không phải toàn khối ASEAN chống lại Trung Quốc.
ASEAN tập trung mưu tìm một giải pháp ngoại giao sau nhiều tháng xảy ra những vụ va chạm trên biển, đặc biệt sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và cho rằng địa điểm nơi hạ đặt giàn khoan nằm trên thềm lục địa Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng trên biển gần các đảo nhỏ mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của mình cũng đã gây quan ngại sâu sắc tại Manila.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói ông vẫn hy vọng vấn đề có thể được giải quyết một cách ôn hòa.
Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thương thuyết nhằm đi đến một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển – tức COC- có tính ràng buộc, dựa trên luật pháp quốc tế, thông qua trọng tài, song song với các quan hệ song phương.
Tuy nhiên, tiến trình thương thuyết COC đã gặp trở ngại trong hơn một thập niên, phần lớn vì sự chống đối của Trung Quốc.
Tổng thư ký ASEAN, ông Lê Lương Minh, nói với Đài VOA rằng ASEAN nên kêu gọi Trung Quốc, tăng cường các cuộc tham khảo ý kiến, các cuộc thương thuyết hướng tới việc hình thành COC vì tình hình căng thẳng leo thang tới mức cấp bách.
Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Kerry đã tìm cách xoa dịu căng thẳng, kêu gọi Trung Quốc và các nước láng giềng hãy đề ra những bước để làm giảm căng thẳng, và giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa.
Nguồn: AP, AFP