Thính giả Kim Nguyễn hỏi như sau:
“Thưa Bác sĩ, tôi có một thắc mắc, xin Bác sĩ giúp ý kiến.
Khoảng một tháng nay, ngón chân cái của tôi bị mất cảm giác, giống như bị chích thuốc tê lúc giải phẫu. Lúc đầu có bị sưng lên và hơi đau, vẫn còn cảm giác đau, dù ngón chân bị tê.
Tôi đã khám bác sĩ, không tìm thấy gì. Đến bệnh viện chụp X quang cũng thế. Sau đó làm nội soi (giống như bác sĩ theo dõi thai nhi), cũng không thấy gì lạ.
Bây giờ thì không còn đau, nhưng vẫn còn hơi sưng và còn tê.
Theo Bác sĩ, hiện tượng này được giải thích ra sao?
Chân thành cảm ơn Bác sĩ."
Your browser doesn’t support HTML5
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Tê ngón chân cái
Cũng như mọi khi, tôi không đủ thông tin để giải thích cho riêng trường hợp tê ngón chân cái này. Nhưng chúng ta có thể nhận xét một số điểm tổng quát với mục đích thông tin để chúng ta cùng học hỏi.
Chúng ta có thể ví cơ thể chúng ta như một ngôi nhà có hệ thống báo động (alarm system). Ví dụ cửa sổ có gắn một cảm biến (sensor), lúc ai mở cửa thì cảm biến phát một dòng điện, được dây điện đi trong vách tường, dẫn vào máy tính trung ương của nhà, màn hình chớp báo động và alarm kêu lên cho chúng ta biết nhà bị tấn công. Nếu chúng ta mở cửa mà hệ thống không chớp đèn, không báo động có thể nhiều lý do khác nhau:
● Cảm biến bị hư;
● Dây điện bị hư, bị kẻ gian cắt đứt, chuột cắn đứt;
● Dây điện bị mát;
● Computer bị hư.
Ngón chân của chúng ta cũng vậy: có những cảm thụ thần kinh (receptors) trong da hay sâu hơn phụ trách báo cho não bộ biết về tình trạng ngón chân đó: về cảm giác đau đớn lúc muỗi cắn, kim chích (free nerve ending nociceptors); về cảm giác nhẹ lúc được sờ vào, lúc chúng ta biết và phân biệt được bàn chân nằm trên gối mềm hay trên nền đá cứng (mechanoreceptors); nóng hay lạnh (thermoreceptors), v.v.
Ví dụ riêng về mặt dưới ngón chân cái: Các cảm thụ này gởi dòng điện vào dây thần kinh, bắt đầu bằng những nhánh nhỏ li ti, tụ lại dưới lòng bàn chân thành những nhánh lớn hơn (medial plantar nerve), đi vòng sau cổ chân (ankle), thành dây thần kinh thần kinh chày sau (tibial nerve; tibia=xương chày), đi ngược lên dây thần kinh sciatica lớn hơn, vào tủy sống, và đi ngược lên não bộ.
Giống như trong alarm system nói trên, bệnh nhân có thể đau hay tê, có cảm giác như bị kiến bò, kim đâm, hay mất cảm giác nếu bất cứ một khâu nào từ ngón chân đến não bộ bị tổn thương.Trong trường hợp của vị thính giả, vì có nhắc đến sưng và đau trước khi bị tê ngón chân, chúng ta có thể nghi trước hết những nguyên nhân tại chỗ, cục bộ (local), hơn là những nguyên nhân có tính cách toàn thân, toàn hệ thống (systemic) như bệnh viêm thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathy) do nhiều nguyên nhân khác nhau, hay bệnh viêm thần kinh do bệnh tiểu đường (diabetic neuropathy).
Các nguyên nhân tại chỗ có thể làm hư hại:
1) Các bộ phận cảm biến (sensors) ở ngón chân: nhiễm trùng, chấn thương, giày không vừa, quá chật. Người bệnh tiểu đường (diabetes), viêm thần kinh (neuropathy) làm mất cảm giác, kết hợp với máu lưu thông kém có thể là điều kiện làm ngón chân hay bàn chân dễ tổn thương hơn.
2) Dây thần kinh chày sau ( tibial nerve) dẫn truyền từ ngón chân đến cổ chân có thể bị hư hại cho bị chèn ép, đè nén (compression) bởi một khối u (tumor). Dây thần kinh có thể bị kẹt trong lúc đi qua một cái hầm chật chội ở cổ chân. Gọi là "hội chứng đường hầm cổ chân" (tarsal tunnel syndrome). Những trường hợp này, thường gây đau, tê như kim chích (needles), kiến bò (tingling), nhưng có thể biểu hiện như mất cảm giác vùng mà dây thần kinh phụ trách. (Vị thính giả nói đến "nội soi, như lúc đi khám thai", tôi đoán chắc không phải nội soi mà là siêu âm/sonography), có lẽ đã làm siêu âm cổ chân nhưng không thấy gì?).
Nói tóm lại, vị thính giả đã từng được bác sĩ khám và khảo sát kỹ bằng nhiều test và không tìm ra nguyên nhân. Nếu càng lúc vùng tê bị lan rộng, hay có những triệu chứng khác đi kèm (ví dụ cơ yếu, da vùng ngón chân không bình thường, sưng, đau) cần phải đi khám lại và cho bác sĩ biết chi tiết về những triệu chứng của mình. Nếu chỉ là ngón chân, bàn chân có thể nhờ đến bác sĩ chuyên về bàn chân (podiatrist) khám, chữa những bệnh xương khớp chân, điều chỉnh giày cho thích hợp, dùng các đệm lót (orthotics) để cải thiện cơ học các xương chân. Bác sĩ chỉnh trực (orthopedist) xem xét về bàn chân cũng như về khớp cổ chân, xương sống (ví dụ đĩa đệm thoát vị [disc hernia] đè lên rễ thần kinh phụ trách vùng chân, vv). Bác sĩ gia đình, bác sĩ chuyên về hệ thần kinh (neurologist) có thể xem vấn đề trên mức độ tổng quát hơn, và xem xét các khía cạnh nội tiết, dinh dưỡng (vd thiếu vitamin); uống rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh; mập phì có thể làm các xương khớp ảnh hưởng đến dây thần kinh); phụ nữ uống thuốc viên ngừa thai: thuốc có thể ảnh hưởng biến dưỡng làm thiếu vitamin B6, B12, folic acid và ảnh hưởng trên sức khoẻ các dây thần kinh, ảnh hưởng trên máu làm máu dễ đông hơn, làm nghẽn các tĩnh mạch (huyết khối, thuyên tắc: thromboembolism).
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.