Thính giả Hoa Tran ở bang Oregon, hỏi:
“Thưa Bác sĩ
Tôi muốn hỏi về virút zika.
Gần đây các cháu nhà tôi rủ nhau đi Brazil xem Olympic, trong khi tôi lại nghe nhiều tin tức nói về dịch virút zika.
Xin hỏi virút Zika có “tiềm ẩn” không? Giả dụ một cô gái trong thời gian đi xem Olympic ở Brazil mùa hè này bị muỗi truyền nhiễm cho virút Zika, mà như tin tức nói là người bị nhiễm Zika như cô gái đó không thấy có triệu chứng gì đáng kể. Đến hai, ba năm sau chẳng hạn, cô gái đó mới có thai. Lúc đó virút Zika trong người cô ấy còn không, có hoạt động không để gây ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Tương tự, một anh thanh niên cũng bị muỗi truyền Zika như vậy, vài năm sau anh đó có con, thì Zika từ anh đó có ảnh hưởng gì đến thai bên người vợ không?
Xin cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Zika và quyết định dự thế vận hội
Trước hết chúng ta nên nhớ là kiến thức của chúng ta về siêu vi Zika chỉ mới sơ sài thôi, và những khuyến cáo căn cứ trên các kiến thức này chưa có gì gọi là vĩnh viễn. Ví dụ siêu vi viêm gan B được nghiên cứu cả nửa thế kỷ nay mà còn có nhiều điều còn tranh luận, huống chi siêu vi Zika chỉ mới được chú ý gần đây thôi, qua dịch các em bé bị đầu nhỏ (microcephaly) sinh ra tại Brazil năm 2015, và làm cho tổ chức Y Tế Quốc Tế (WHO) tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về y tế quốc tế” vào tháng 2 năm 2016. Người ta đã biết đến siêu vi Zika từ năm 1947 (Zika Forest, Uganda, Africa), Sau đó virus lan dần qua Đông Nam Á, qua các đảo Thái Bình Dương và đến Brazil, Nam Mỹ Châu.
Siêu vi Zika được truyền qua đường muỗi (loài Aedes aegypti) cắn/chích, hoặc hiếm hơn, do tiêp xúc tính dục (sex), do từ mẹ đang có bầu truyền qua thai nhi, và có lẽ lúc truyền máu nếu máu bị nhiễm virus. Muỗi Aedes aegypti ở những nơi có người ở, thích chích người hơn là chích các động vật khác, và chích ban ngày cũng như ban đêm; điểm này quan trọng vì ở những vùng người ta ngủ có giăng mùng ban đêm, Zika vẫn lan truyền như thường vì bị muỗi cắn ban ngày.
Đa số người mắc bịnh không có triệu chứng (asymptomatic). Nếu có: nóng sốt, nhức đầu, đau nhức khớp xương, mắt đỏ (kết mạc đỏ do mạch máu cương lên), da lên "ban" (mẩn) lấm tấm đỏ và có thể cộm lên (maculopapular rash). Nói chung, triệu chứng tương tự như siêu vi gây ra bịnh dengue và bịnh sốt xuất huyết do dengue (dengue hemorrhagic fever) ở những xứ như Việt Nam, Thái Lan, Philippines mấy chục năm nay. Virus Zika , cũng giống như virus dengue, thuộc gia đình flavivirus, và cũng có thể được muỗi Aedes aegypti truyền qua người.
Hiện nay, giới y tế thế giới xác định là virus Zika gây ra 2 bệnh quan trọng:
1) Microcephaly ở trẻ sơ sinh: bệnh đầu quá nhỏ, có thể, nhưng không phải luôn luôn, kèm theo các khuyết tật khác do não bộ ngừng phát triển trước hoặc sau khi ra đời, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau ngoài virus Zika: như mẹ nghiện rượu, bị nhiễm độc, mẹ bị virus rubella (ban người Đức, German measles), hoặc do các xương đầu kết dính với nhau sớm quá làm thể tích sọ không tăng kịp với sự tăng trưởng của bộ óc.
Nghiên cứu gồm 42 phụ nữ có bầu, bị mẩn đỏ (rash) và thử nghiệm có siêu vi Zika, cho thấy 29% thai nhi bất bình thường lúc khám bằng siêu âm, kể cả 2 thai nhi chết trong bụng, microcephaly, chậm lớn, máu lưu thông trong động mạch rốn và động mạch não thai nhi bất bình thường.
2) Hội chứng Guillain Barré: bệnh tự miễn nhiễm (autoimmune), hệ phòng thủ của cơ thể tấn công các dây thần kinh của chính cơ thể người bệnh. Tuổi nào cũng có thể bị bịnh này, tuy nhiên những bịnh nhân nam người lớn bị nhiều hơn nữ. 20-25% bị ảnh hưởng đến các cơ hô hấp của lồng ngực và thở khó khăn. Đa số bịnh nhân sẽ phục hồi, nếu được chữa trị thích đáng. Trong các đảo Polynesie thuộc Pháp, trong dịch Zika (2013-2014), GBS tăng gấp 20 lần mức trung bình.
Thời gian tiềm ẩn virus Zika (incubation period) có lẽ từ vài ngày đến một tuần, tuy nhiên chưa có số liệu chắc chắn. Người ta ước tính sau khi vào máu bệnh nhân virus Zika ở chừng 7 ngày, mặc dù ở một số bộ phận khác như trong dịch hoàn (testis) đàn ông, có thể virus tồn tại lâu hơn. Có lẽ do dịch hoàn được che chở không bị các tế bào bạch cầu của hệ miễn nhiễm (immune system) tấn công. Người ta định bệnh trong thời cấp tính bằng các phát hiện RNA của siêu vi trong máu, nước tiểu và nước miếng của bệnh nhân. Nồng độ virus Zika trong tinh dich (semen) có thể cao gấp 100.000 lần trong máu hay nước tiểu 2 tuần sau khi nhiễm trùng. CDC khuyên nam bệnh nhân nên đợi 6 tháng sau khi bệnh mới được tìm cách có con (cho phụ nữ mang bầu). Chưa có trường hợp nào phụ nữ truyền Zika qua đàn ông bằng đường tính dục.
Sau thời cấp tính, có thể phát hiện các kháng thể (antibodies) chống Zika trong máu người từng bệnh Zika trước đó; đồng thời người bệnh được miễn nhiễm (immune) với virus Zika. Chưa thấy nói đến trường hợp Zika hiện diện dai dẳng trong máu người bệnh. (chronic latent infection, tình huống tương tự như những người mắc viêm gan B mãn tính [kinh niên] mà virus có mặt trong máu họ gần như suốt đời nếu không chữa trị).
Các biện pháp phòng ngừa:
- Phụ nữ có thai tránh đến những vùng bị dịch Zika. Những vùng dịch (epidemic) là những vùng có nhiều người bệnh như Brazil và một số nước lân cận, muỗi Aedes vùng này trong 1000 con bắt được thì có 3 con mang virus.
- Việt Nam, Thái Lan, Cambodia, Philippines, India hiện nay được xếp loại trong các vùng "endemic" thỉnh thoảng mới có một ca nhiễm Zika; không bị xếp vào danh sách có "travel notice" (cảnh báo về việc giới hạn đi lại đến các xứ epidemic có cơ nguy cao hơn nhiều). Tuy nhiên, vì nhiễm Zika có thật gây tật bẩm sinh, phụ nữ có thai được khuyên nên tham khảo với bác sĩ của mình trước khi quyết định đi đến các xứ này, và nếu đi chặt chẽ tuân theo các biện pháp tránh muỗi cắn. (Xem danh sách các nước "epidemic" [active transmission of Zika virus, travel notice] và "endemic" theo phân loại của CDC [4])
- Ở Mỹ , hiện có chừng 250 người bị nhiễm Zika, nhưng đem từ nước ngoài về, trong đó 6 người phụ nữ nhiễm qua tính dục và 18 người mang thai (3/16/2016). Chưa có trường hợp nào nhiễm Zika do muỗi cắn.
- Những ranh giới địa lý virus Zika có thể thay đổi trong những tháng sắp tới lúc bắc bán cầu khí hậu mùa hè (thích hợp cho muỗi) và các nước Nam bán cầu như Brazil qua mùa đông, lạnh hơn, muỗi sẽ ít hoạt động hơn.
- Người đàn ông từng ở vùng có dịch Zika (epidemic Zika) được khuyên nên tránh sex (kể cả bằng miệng, hay qua ngã hậu môn/ oral and anal sex) với phụ nữ có thể có thai hoặc đang cố gắng để có thai. Nếu cần thì phải dùng condom (áo mưa) trong mọi trường hợp.
- Nếu trong lúc ở vùng dịch, không có triệu chứng gì của bịnh, đàn ông cũng như phụ nữ cần đợi 8 tuần mới nên tính chuyện có bầu; nếu có triệu chứng nhiễm Zika trong lúc ở vùng dịch cần đợi 6 tháng trước khi tính chuyện có con.
- Hiện nay, người ta cho rằng đối với phụ nữ không có thai, nhiễm Zika bây giờ không gây ra nguy cơ nào cho những thai nghén sau này.
- Đối với nam giới, trường hợp Zika phát hiện trong tinh dịch lâu nhất là 62 ngày, nhưng thực tế có thể lâu hơn, lâu bao nhiêu chúng ta không biết.
- Tổ chức Y tế Quốc (WHO) khuyến cáo người chồng hay bạn tình (“partners”) của phụ nữ có thai dùng condom (“safe sex”) hay kiêng không làm tình cho đến khi sanh.
- Ngoài ra cần tránh muỗi: mặc áo quần kín ít hở da, dùng thuốc thoa chống muỗi (insect repellents containing DEET, picaridin, and IR3535), ở phòng điều hoà không khí hay có lưới ở cửa. Treo mùng có tẩm thuốc giết muỗi lúc ngủ trưa (insecticide -treated mosquito net). Dùng một số áo quần, nón có tẩm thuốc chống muỗi (permethrin -treated clothing and gears). Dọn dẹp nhưng vùng chung quanh nhà và trong nhà những vũng nước, chai lọ, thùng , hồ bơi nhỏ ứ đọng nước có thể là nơi muỗi sinh sàn. 2/3 người Mỹ sống trong vùng có muỗi Aedes aegypti hay albopictus là giống có thể truyền bịnh . Biện pháp này cũng giúp ngừa các bịnh khác do muỗi truyền như West Nile virus,St Louis encephalitis virus, Dengue virus.
- Đối với người từ vùng có dịch Zika, FDA khuyên nên tránh hiến máu trong 4 tuần sau khi ra khỏi vùng đó.
- Những mốc thời gian giới hạn hoạt động tính dục nêu trên có thể thay đổi, nhờ kết quả của những hiểu biết mới và các khảo cứu sắp tới. Những vùng, những nước bị dịch virus Zika (epidemic Zika) cũng có thể thay đổi theo mùa nóng sắp tới và muỗi Aedes lan rộng ra những vùng trước đây chưa bị vì mùa đông trời lạnh.
- Cho nên cần tham khảo với bác sĩ của mình và cập nhật liên tục. Hiện nay có những khuyến cáo khác nhau về việc nên tiếp tục hay không tổ chức thế vận hội ở Brazil (The 2016 Summer Olympics, Rio de Janeiro, Brazil, from August 5 to August 21, 2016). Một nhóm chuyên gia y tế công cộng của hơn 20 quốc gia khuyên nên hoãn hoặc dời Thế Vận Hội Rio, tuy nhiên các tổ chức như CDC, WHO vẫn không đồng ý và cho rằng các yếu tố cơ nguy do dịch Zika trên 500.000 người đến tham dự thật sự có nhưng đã “bị thổi phồng” (Bs Tom Frieden, CDC) và vẫn ở mức chấp nhận được. Ngược lại, đây là một cuộc họp mặt thể thao quốc tế mà thay đổi sẽ gây ra nhiều tác dụng kinh tế và chính trị to lớn, cho nên chuyện từng cá nhân quyết định có nên tham gia hay không lại là một quyết định riêng của mỗi người tự tìm hiểu và kết luận cho mình.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.