Hôm 9 tháng Bảy, Trưởng Đặc khu Hồng Kông bà Carrie Lam tuyên bố rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi dữ dội trong đó cho phép đưa nghi can về Hoa lục đã “chết”. Bà Lam chính thức ghi nhận: “Nguyên nhân của những bất bình này là do chính phủ gây ra. Vẫn còn những nghi ngờ kéo dài về việc chính phủ sẽ khởi động lại dự luật hay không. Không hề có kế hoạch như vậy. Dự luật (này) đã chết”.
Tuy chính thức công nhận lỗi lầm của mình, những người biểu tình tại Hồng Kông không tin tưởng bà Lam, những gì bà nói hay đại diện, và nhất là thế lực đứng sau lưng bà.
Trước hết, người biểu tình tại Hồng Kông hiểu rằng mặc dầu tuyên bố như thế, quan điểm của bà Lam về vấn đề dẫn độ về Hoa lục vẫn không thay đổi. Bà Lam không sử dụng đúng ngôn ngữ pháp lý, không dám tuyên bố chính thức rút lại dự luật (formally withdraw). Người Hồng Kông quan ngại rằng nếu không rút lại dự luật này toàn diện và lập tức thì các nhà làm luật có thể khởi đầu tranh luận lại nó, và có thể đưa nó ra biểu quyết vào thời điểm thích hợp trong tương lai. Như thế thì nguy cơ dự luật dẫn độ được thông qua vẫn còn đó.
Theo Nhóm Luật sư Cấp tiến thì luật dẫn độ là phương tiện thích hợp nhất để Bắc Kinh xử lý mọi nghi can, bất kể họ thuộc quốc tịch nào, cư ngụ tại Hồng Kông hay đã mới đặt chân lên đây, đưa họ đến Hoa lục để tòa án tại đó xét xử.
Vì người dân Hồng Kông đã sống và hưởng một nền chính trị pháp quyền hơn một trăm năm qua nên họ càng trân quý những gì họ đã và đang được hưởng, nhất là khi các quyền tự do căn bản của họ bị đe dọa. Tuy Hồng Kông được Anh trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong 22 năm qua, những người như Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) chỉ chưa đầy một tuổi lúc đó, lại là những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bảo vệ văn hóa chính trị mà Hồng Kông có được dưới thời thuộc địa Anh. Hiểu được sâu sắc mối đe dọa của Bắc Kinh đối với quyền tự do và tự trị của người Hồng Kông, Wong đã tham gia vào các hoạt động đấu tranh này rất sớm, từ những lúc chỉ mới 14, 15 tuổi. Và Wong cũng phải trả giá đắc cho nhiều năm tháng tù đầy và bị sách nhiễu vì các hoạt động của mình. Hiểu được thủ tục và tiến trình làm luật tại Hồng Kông, Wong tuyên bố rằng để giết chết một dự luật đúng cách thì cần phải sử dụng điều 64 của Quy định và Tiến trình (của Hội đồng Lập pháp), chính thức rút lại dự luật. Còn nếu nó vẫn chưa được rút lại chính thức, tiến trình làm luật này có thể cho phép dự luật được đọc qua tại Hội đồng Lập pháp lần thứ hai, rồi thứ ba, là điều có thể xảy ra cùng ngày, và có thể được thực hiện cấp tốc, nếu cần, và như thế thì người dân Hồng Kông không có thời gian để vận động, bày tỏ ý kiến hay phản đối.
Đối với Bắc Kinh, cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm ngàn người trong suốt tháng qua, có lúc lên đến cả triệu người, là một mối đe dọa lớn lao cho lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cũng vì thế nên họ tìm mọi cách để biện minh rằng các cuộc biểu tình trong suốt tháng qua là do các thế lực thù nghịch trong nước cấu kết với các thế lực thù nghịch nước ngoài, một chiêu bài họ bao lần sử dụng, đặc biệt đối với biến cố Thiên An Môn, và sau đó. Trong trường hợp Hồng Kông, các nhà hoạt động dân chủ tại đây đã đi vận động khắp nơi, từ Hoa Kỳ đến Âu châu, gặp từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cho đến Ngoại Trưởng Mike Pompeo, cho đến người Phát ngôn Hạ viện Nancy Pelosi. Tuy đây là tiến trình vận động bình thường trong một xã hội dân chủ, Bắc Kinh chỉ nhìn thấy nó là mối đe dọa và can thiệp bởi thế lực nước ngoài. Đối với cách nhìn này, họ vẫn cho rằng người dân Hồng Kông nói riêng, người Trung Quốc ở khắp nơi nói chung, phần lớn biểu tình vì bị sách động. Vẫn là “Suy bụng ta ra bụng người”. Nói chung họ vẫn phủ nhận rằng người dân của mình đã đủ lớn, đủ trưởng thành, để tự lấy các quyết định quan trọng. Đây chỉ là cách diễn giải tùy tiện để họ biện minh cho các biện pháp khắt khe, kể cả bạo lực, để dập tắt biểu tình, từ trước đến nay.
Các cuộc biểu tình đông đảo của người Hồng Kông hơn một tháng qua trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ. Là “Chủ tịch mọi thứ”, Tập Cận Bình (Xi Jinping) cũng là người chịu áp lực nặng nề nhất từ các cuộc biểu tình này. Họ Tập không thể nào làm ngơ trước biến cố tác động không những lên Hồng Kông, Đài Loan, mà còn các khu tự trị khác. Dù quyền lực đầy mình hiện nay, những gì ông Tập muốn cũng không thật sự dễ làm, bởi vì Trung Quốc đã cam kết tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế” với Anh khi Hồng Kông được trả lại. Ít nhất là cho đến năm 2047, 50 năm kể từ năm 1997, tức vẫn còn 28 năm nữa.
Ông Tập hiện nay đang đứng trước nhiều áp lực và thử thách lớn lao: một nền kinh tế đang suy thoái, và đang bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ; một Sáng kiến Vàng đai Con Đường trị giá một ngàn tỷ đô la Mỹ, nhưng các kế hoạch hiện nay đều bấp bênh chẳng đi đến đâu; các công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, từ ZTE, Huawei, tàu cao tốc v.v… hoặc bị tẩy chay hoặc chưa được các quốc gia phát triển chấp nhận. Nhưng trên hết, cuộc xuống đường của người Hồng Kông, và thêm vào đó là sự ủng hộ công khai và trực tiếp của phần lớn người dân Đài Loan, cho thấy người dân Trung Quốc từ chối Bắc Kinh. Nói cách khác, nếu có cơ hội để bày tỏ hay lựa chọn, rất có thể phần lớn người dân sẽ không ủng hộ con đường hay thể chế chính trị mà Bắc Kinh đã chọn.
Đây là mối đe dọa lớn, nếu không phải là lớn nhất, đối với chế độ, nhất là vị thế cầm quyền của Tập Cận Bình, trong thời gian tới. Ông Tập sẽ làm gì, hay không làm gì cả, đều sẽ được quan sát kỹ lưỡng trong thời gian tới. Thay thế bà Lam, chẳng hạn, dù thỏa mãn người biểu tình Hồng Kông, nhưng sẽ làm cho chính họ quan ngại hơn với quyền lực từ Bắc Kinh. Không làm gì cả thì chứng tỏ ông Tập yếu ớt, tuy có quyền lực trong tay nhưng không có khả năng giải quyết tình hình. Thật không dễ dàng qua mặt người dân Hồng Kông hiện nay chút nào. Mọi lời nói hay hành động của bà Lam hay ông Tập dễ dàng đưa họ xuống đường bất cứ lúc nào để bày tỏ quan điểm của mình.
Nhưng đây chỉ là các bước khởi đầu, chưa phải kết thúc, của cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ luôn tìm mọi cách để xiết chặt quyền tự do tại đây, nếu không bây giờ thì cũng tương lai. Nhưng người dân Hồng Kông sẽ bảo vệ được các quyền tự do của mình, và một thể chế pháp quyền (rule of law), nếu họ không tự mãn với các thành tựu qua, và luôn sẵn sàng hành động, như họ đã từng làm khi Bắc Kinh tìm cách đưa sợi dây thòng lọng vào cổ người dân Hồng Kông.