Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) cáo buộc Việt Nam bắt cóc blogger Đường Văn Thái, người thường chỉ trích chính phủ và được Liên Hợp Quốc cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan sau khi đến đây vào năm 2019 để tìm kiếm sự an toàn.
Công an Việt Nam tuần trước xác nhận việc bắt giữ blogger sử dụng YouTube với tên Thái Văn Đường vài ngày sau khi ông Thái được cho là bị bắt cóc ở Bangkok hôm 13/4.
“Các đặc vụ của Nhà nước Việt Nam đã bắt cóc ông Thái Văn Đường, người được UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan, trên đường phố gần nơi cư trú của ông ở tỉnh Pathum Thani, ngay bên ngoài Bangkok,” Phó Giám đốc ban Á châu của HRW Phil Robertson nói tại một buổi họp báo ra mắt báo cáo mới của tổ chức cổ vũ cho quyền tự do biểu đạt The 88 Project ở Bangkok vào tuần trước.
Ông Robertson yêu cầu giới chức Thái Lan phải điều tra vụ việc.
Theo bà Grace Bui, một người hoạt động nhân quyền trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan và có mặt tại buổi họp báo hôm 21/4, ông Thái “sẽ không bao giờ tự nguyện quay trở lại Việt Nam”.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng ông Thái tìm cách “xâm nhập trái phép” vào đất nước mà ông có quốc tịch qua một cửa khẩu biên giới với Lào ở Hà Tĩnh và bị công an bắt giữ.
Các bạn của ông nói với VOA và các cơ quan báo chí khác cũng như các tổ chức xã hội dân sự rằng ông Thái “biến mất” sau khi có cuộc phỏng vấn tái định cư tại văn phòng của UNHCR ở Bangkok.
Bà Grace Bui nói rằng các nhân chứng kể lại với bà rằng hai chiếc xe ô tô 4 chỗ màu trắng, một chiếc đằng trước và một chiếc đằng sau, đã chặn xe máy của ông Thái trên đường.
“(Những đặc vụ Việt Nam) tới đây vào dịp Songkran (Tết cổ truyền của người Thái), khi mọi người đang đi nghỉ, và các cửa hàng đều đóng cửa,” bà Grace Bui nói tại buổi họp báo, được truyền trực tiếp qua mạng cho các phóng viên tham dự từ xa, và cho biết thêm rằng ông Thái nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về việc bị đe dọa kể từ năm 2021.
Bà Grace Bui nói với VOA rằng bà đã báo cáo vụ việc lên văn phòng UNHCR ở Bangkok. Cơ quan này không hồi âm các đề nghị bình luận của VOA.
Ông Thái, người bị báo chí Nhà nước Việt Nam gọi là một “đối tượng phản động”, đến Thái Lan năm 2019 và được UNHCR cấp quy chế tị nạn từ năm 2020. Trước khi bị bắt, ông Thái đang xin tị nạn ở một nước thứ 3, theo bạn bè của ông cho biết.
Ông Thái, từng là một phóng viên báo nhà nước, thường đăng tải các video bình luận chỉ trích lãnh đạo Việt Nam cho hơn 119.000 độc giả theo dõi trên YouTube.
Báo Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, gọi ông Thái là “kẻ chống phá đất nước” và cho rằng ông “lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội để phát tán những bài viết, hình ảnh chứa đựng những thông tin không đúng sự thật trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam, tập trung bóp méo, thổi phồng, bôi đen hiện tình đất nước và kích động người dân tham gia vào các hoạt động gây rối.”
Các tổ chức quốc tế gồm Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã lên án việc mà họ gọi là “bắt cóc” và giam giữ ông Thái cũng như kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức.
Truyền thông của nhà nước Viêt Nam nói rằng việc cáo buộc ông Thái bị “bắt cóc” là sự “võ đoán nực cười”.
Cảnh sát Thái Lan nói rằng họ đã liên lạc với cơ quan chức năng của Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi, theo AFP.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Thái Lan và Cơ quan Cảnh sát Nhập cư Thái Lan không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc Việt Nam “bắt cóc” ông Thái và yêu cầu nhà chức trách Thái Lan điều tra vụ việc.
Theo báo cáo từ các tổ chức như Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và HRW đưa ra trước đây, đã có trường hợp các cá nhân bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu và ngược đãi, thậm chí khiến họ “mất tích”, vì những hoạt động chính trị hoặc xã hội của họ.
Vào năm 2019, nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất cũng được cho là đã “đột ngột mất tích ở Thái Lan” khiến ba dân biểu Quốc hội Mỹ phải yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mở một cuộc điều tra vụ việc bị nghi là do các đặc vụ Việt Nam thực hiện. Chính quyền Việt Nam sau đó kết án ông Nhất 10 năm tù với cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn”.
Trước đó hai năm, chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đưa các đặc vụ đến bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, nơi mà ông này khi đó đang xin bảo hộ tị nạn. Việt Nam sau đó nói ông Thanh “tự về nước đầu thú” và kết án ông tù chung thân với cáo buộc tham nhũng.