Iran sẽ trả đũa thế nào nếu các mục tiêu hạt nhân bị Israel tấn công?

Dân chúng thành phố Tel Aviv, Israel biểu tình phản đối việc Israel có thế tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, 24/3/12

Với việc Tây phương gần mất hết kiên nhẫn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo là thời gian cho các hoạt động ngoại giao không “vô hạn” và vẫn giữ lập trường “không loại bỏ bất cứ giải pháp nào”. Israel cho biết sẽ không không khoanh tay đứng im trong lúc có những lo ngại tăng cao là Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân - lời tố cáo mà Iran phủ nhận.

Mới đây Trung Quốc cho biết là một cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ gây nên những hành động trả đũa quân sự với những hậu quả nghiêm trọng.

Các nhà phân tách được Đài VOA phỏng vấn nói một cuộc tấn công vào Iran sẽ tạo nên một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel do Iran và các đồng minh thực hiện.

Những nhà phân tách này nói khủng bố do Iran bảo trợ sẽ có thể bùng nổ, nhắm vào những mục tiêu Do Thái trên toàn thế giới, tấn công vào những quyền lợi của Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ như Ả Rập Saudi, vì bị Iran xem như là những nước ủng hộ cuộc tấn công của Israel.

Các giới chức Hoa Kỳ và Israel hiện tại chức hay đã làm việc trước đây và các chuyên gia về Iran nói là có phần chắc Iran sẽ không thực hiện lời đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, một thủy lộ quan trọng dùng chuyên chở 35% dầu thô trên thế giới.

Những người này cũng nói Iran sẽ không sử dụng lực lượng bộ binh hay không quân đã lỗi thời trong các hoạt động quân sự trực tiếp nhắm vào Israel, Hoa Kỳ và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Kịch bản những giới chức này mô tả được hỗ trợ bởi một bài phân tích về kho võ khí Iran của đài VOA. Bài phân tích này cho thấy có sự yếu kém rõ ràng về hỏa lực qui ước của Iran nhưng chương trình tên lửa liên lục địa của nước này lại phát triển mạnh với nhiều giàn phóng được xây dựng tại Trung Đông. Sau đây là những giả thuyết được đặt ra:

Israel có nhiều khả năng sẽ tấn công

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta vào tháng Hai vừa qua nói với nhật báo Washington Post là ông tin có nhiều khả năng Israel sẽ tấn công Iran vào một lúc nào đó trước tháng Sáu năm nay và trước khi Iran tiến vào giai đoạn mà các nhà lãnh đạo Israel gọi là một “vùng miễn nhiễm,” nếu Iran đạt đến điểm này thì không còn có thể chặn đứng sự tiến triển của Iran trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Iran Mamouh Ahmadinejad nói Iran sẽ không từ bỏ quyền có năng lượng hạt nhân “ngay cả dưới áp lực mạnh mẽ nhất.”

Chính phủ Iran đã cảnh báo sẽ trả đũa trong trường hợp các cơ sở hạt nhân của nước này bị tấn công. Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố trong một bài diễn văn hồi tháng qua là Tehran “sẽ tấn công cùng một mức độ như những kẻ thù tấn công chúng ta.”

Tuy nhiên dù có thể gây nhiều tử vong, khả năng của Iran bắn trúng các mục tiêu quân sự của Israel vẫn còn giới hạn.

Ông Mark Fitzpatrick thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại London nói không có những tên lửa đạn đạo trong kho vũ khí của Iran có khả năng bắn tới Israel - Tên lửa Shahab 3, sử dụng nhiên liệu lỏng và tên lửa Ghadr 1 có tầm bắn xa nhất, rất chính xác và sẽ được sử dụng đầu tiên để “gieo rắc kinh hoàng.”

Ông Fitzpatrick nói: “Iran có thể cảm thấy cần phải phóng một hay hai tên lửa, nhưng không gây thiệt hại nhiều và sẽ làm cho Israel trả đũa thêm.”

Ông Uzi Rubin, cựu giám đốc tổ chức phòng thủ tên lửa Israel nói tên lửa tầm trung của Iran có thể gây nên những thiệt hại đáng kể.

Ông Rubin cảnh báo là đầu đạn 750 kilô chất nổ của Iran có thể “gây nên những thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng nếu không bị bắn chặn và sẽ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế Israel vì phải đóng cửa các phi cảng và hải cảng.”

Theo sự tính toán của ông, Iran có khả năng sản xuất đến 50 tên lửa Shahab 3 mỗi năm và hiện nay có khoảng 400 vũ khí loại này trong kho.

Iran sẽ kêu gọi sự tiếp tay từ các đồng minh


Giới phân tách cho rằng Iran sẽ yêu cầu đồng minh tại Syria, Libăng và các lãnh thổ Palestine trả thù Israel.

Ông Fitzpatrick nói “Iran sẽ sử dụng những lực lượng ủy nhiệm, những tổ nằm trong bóng tối và các cảm tình viên gần gũi.”

Ông Rubin nói “Syria là một trung tâm đe dọa thực sự về tên lửa và rốckết đối với Israel vì gần những lãnh thổ của chúng tôi.”

Ông Rubin nói thêm là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh của Iran có thể xem một cuộc tấn công vào Israel như “một lối thoát trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy và một cách để thu phục những phần tử Hồi Giáo Sunni trong phe đối lập.”

Tuy nhiên giới phân tích nói là những áp lực nội tại gây phức tạp cho ý chí của các đồng minh của Iran muốn tham dự vào cuộc chiến.

Thiếu tướng hồi hưu Shlomo Brom, trước đây đứng đầu bộ phận kế hoạch chiến lược của bộ tổng tham mưu quân đội Israel nói hơn một năm nổi dậy của đối lập tại Syria đã trói tay Tổng thống Assad.

Với áp lực ngày càng tăng lên chính phủ Syria để chấm dứt sự đàn áp trong nước, tướng Brom cho rằng “có khả năng rất cao là Syria sẽ không tham dự vào việc Iran trả đũa Israel.”

Về phía tây nam của Israel, tại dải Gaza, phong trào Hamas từ nhiều năm nay được xem như là con bài của Iran. Những phần tử chủ chiến Palestine thường xuyên bắn rốckết vào miền nam Israel trong khi lực lượng Israel đáp ứng lại bằng các cuộc không kích Gaza.

Tuy nhiên Hamas gần đây đã bắt đầu lánh xa chính phủ do phe Shia điều hành tại Iran và Syria, làm cho việc tham dự của tổ chức này vào cuộc chiến do Iran dẫn đạo khó xảy ra.

Hezbollah có thể sẽ giúp Iran


Tất cả diễn biến này khiến cho chỉ còn lại Hezbollah, được xem là có khả năng thay thế hữu hiệu nhất của Iran, được vũ trang với khoảng 40.000 rốckết và có khả năng phóng 1.000 rốc kết mỗi ngày - dù rằng khả năng này bị giới hạn hơn là Iran.

Dân quân tại Libăng có loại tên lửa Fatah 110 do Iran chế tạo. Ông Rubin nói đây là một loại tên lửa được hướng dẫn có sức công phá lớn “có thể tập trung hỏa lực vào các mục tiêu quân sự và những hạ tầng cơ sở chính.”

Hezbollah cũng có một số lớn các loại tên lửa hạng nhẹ, không hướng dẫn, tầm ngắn, loại Grad và Fajr mà ông Rubin gọi đó là “những vũ khí khủng bố” vì khả năng gây tàn phá kinh hoàng cho những trung tâm đông dân cư.”

Ông Fitzpatrick nói Hezbollah cũng có tên lửa Scud-D do Syria cung cấp và Zeilzal 1 do Iran chế tạo. Các tên lửa này đều mang chất nổ mạnh và “có thể bắn trúng Jerusalem và Tel Aviv.”

Tuy nhiên Hezbollah cũng có thể lưỡng lự trong việc thực hiện những mục tiêu của Iran.

Theo quan điểm của tướng Brom, có “khả năng có thể hiểu được” là tổ chức này sẽ từ chối tham dự vào việc trả đũa của Iran vì tổ chức này sẽ chịu đựng “thiệt hại về chính trị to lớn do những quan điểm cho rằng tổ chức này sẵn sàng hy sinh Libăng cho quyền lợi của nước ngoài.”

Israel chuẩn bị phòng vệ

Trong trường hợp Hezbollah tham gia, Vòm Sắt của Israel, hệ thống phòng thủ tên lửa, nhằm vào các tên lửa tầm ngắn sẽ được mang ra thử nghiệm.

Các giới chức Israel nói hệ thống này bắn rơi 77% các rốckết được phóng đến và đạn súng cối được bắn từ Gaza vào tháng qua trong 4 ngày xung đột với các phần tử chủ chiến Palestine. Một lá chắn tên lửa thứ hai, Arrow II, được thiết kế để ngăn chặn tên lửa Shahab 3 của Iran chỉ mới được thử nghiệm nhưng Israel cho rằng tỉ lệ bắn hạ tên lửa là 90%.

Hầu hết những dự đoán của Israel là Iran chỉ đáp trả có giới hạn

Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak nói bất cứ sự trả đũa nào của Iran cũng có thể “chịu đựng được” có lẽ sẽ có chưa đến 500 người Israel thiệt mạng.
Ngoài việc trả đũa trực tiếp Israel, Iran cũng có thể tìm cách giới hạn số lượng dầu buôn bán trên thế giới.

Nhà phân tách Fitzpatrick nói Iran có thể áp đặt những hạn chế pháp lý nửa chừng tại vùng biển Iran kiểm soát ở phía tây eo biển Hormuz.

Ông Fiztpatric nói thêm các tàu dầu và những tàu thuyền khác “sẽ được yêu cầu cung cấp những chi tiết về hàng hóa và phải chịu những sự kiểm tra phiền hà gây trở ngại lưu thông”

Tổ chức nghiên cứu của ông Fitzpatrick tại London cũng tiên đoán một chiến lược “ngăn chận trên biển” nơi Iran tấn công “vào những tàu thuyền đơn độc hay ít được bảo vệ, sử dụng mìn, thủy lôi, rốckết và tên lửa chống tàu.”

Một vụ ngăn chặt trên biển theo kiểu cổ điển sẽ không thể thực hiện được vì Iran chỉ có hạm đội cỡ nhỏ.

Hầu hết các chuyên viên cho rằng Iran sẽ không cố đóng cửa hoàn toàn các thủy lộ vì Tehran trông cậy phần lớn vào việc xuất khẩu dầu, tất cả hiện đều được chuyên chở qua eo biển và chiếm khoảng 70% lợi tức của chính phủ.

Và cũng có phần chắc là sự đáp ứng của hải quân quốc tế sẽ giúp cho các tàu dầu di chuyển qua eo biển, giới hạn những phương cách tấn công của Iran ngoài biển khơi.

Xung đột có thể sẽ không kiểm soát được

Các nhà phân tích nói, điều đáng quan ngại hơn là cuộc tranh chấp trong vùng có thể gia tăng theo tốc độ vòng xoáy, vuột ra ngoài tầm kiểm soát, đưa đến những hậu quả không lường trước được.

Ông Ray Takeyh, một cựu viên chức An ninh quốc gia Hoa Kỳ phát biểu tại một diễn đàn của Viện Brookings vào năm ngoái là “Khi đã vào một vụ leo thang thuộc loại này, thì cũng giống như ở vào thế cưỡi cọp, rất khó leo xuống.”

Mới đây báo New York Times cho biết một cuộc diễn tập bí mật của Hoa Kỳ được tổ chức trong tháng qua cảnh báo về một cuộc xung đột vùng kéo dài “có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào và làm cho hàng trăm người Mỹ thiệt mạng.”

Ông Trita Parsi, chủ tịch Hội đồng Quốc gia những người Mỹ gốc Iran có trụ sở tại Washington DC nói kinh nghiệm của Iran trong cuộc chiến 1980-1988 với Iraq sẽ khiến cho Tehran đảm bảo là bất cứ cuộc chiến nào có thể xảy ra sẽ “không giới hạn trên đất nước Iran.”

Ông Parsi cảnh báo hậu quả của một cuộc tấn công đánh phủ đầu thành công của Israel hay Hoa Kỳ sẽ “làm chiến tranh lan rộng với những hậu quả không thể nào tiên đoán được.”

Tướng Brom, hiện là một nhà phân tích tại Tel Aviv lo ngại là những tính toán của Tehran về việc tiến xa như thế nào để không làm cuộc tranh chấp lan rộng có thể có những hậu quả ngược lại.

Ông Brom nói: “Các chính phủ dễ tính toán sai lầm, do đó việc trả đủa leo thang có thể xảy ra, đặc biệt dưới tâm trạng căng thẳng khi bị tấn công.

Quân số và võ khí của Iran