Về ý niệm ‘lai căng’ trong văn học

Bản Đoạn trường tân thanh in năm 1902 và Kim Vân Kiều tân tập khắc in năm 1906

Trong ngôn ngữ phê bình văn học, chữ "lai căng" còn nặng hơn cả chữ "dở". "Lai căng", trước hết, có nghĩa là "dở"; nhưng "lai căng" còn tệ hại hơn "dở" ở chỗ nó là một cái dở do bắt chước một cách nhẹ dạ và mù quáng, một thái độ phản bội đối với truyền thống và văn hoá của dân tộc. Bởi vậy, nếu "dở" chỉ là biểu hiện của sự bất tài thì "lai căng" không những là biểu hiện của sự bất tài mà còn là biểu hiện của sự kém cỏi về trí tuệ, hơn nữa, của việc thiếu đạo đức.

Nhưng trong lãnh vực văn học, thực chất của "lai căng" là gì?

Trong phong trào Thơ Mới thời 1932-45, theo Hoài Thanh và Hoài Chân, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, có hai nhóm chính: một nhóm chịu ảnh hưởng của thơ Pháp và một nhóm chịu ảnh hưởng của thơ Đường. Điều đặc biệt là không có ai trong nhóm sau bị buộc tội là "lai căng" cả, cho dù trong đó có kẻ bắt chước thơ Đường rất dữ, như Quách Tấn, J.Leiba, Thái Can hay Nguyễn Giang, chẳng hạn. Tất cả những người bị chê bai là "lai căng" đều thuộc nhóm thứ nhất, như Xuân Diệu, Nguyễn Vỹ và Nguyễn Xuân Sanh. Như vậy, trong cách nhìn của mọi người, "lai căng" không phải là bắt chước nước ngoài mà là bắt chước phương Tây.

Chưa hết. Một hiện tượng khác cũng thú vị không kém: trong ba người bị chê là "lai căng" vừa kể, Xuân Diệu là người được xoá tội sớm nhất dù ông là người chịu ảnh hưởng của thơ Pháp nặng nhất và vay mượn những cách diễn đạt trong tiếng Pháp nhiều nhất. Tại sao?

Lý do của sự "phân biệt đối xử" này chủ yếu là vì thơ Xuân Diệu... hay. Những câu thơ Xuân Diệu mô phỏng cách nói của Pháp, như "Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm" hay "Yêu là chết ở trong lòng một ít" hay "Hơn một loài hoa đã rụng cành" đã được độc giả, đặc biệt giới thanh niên, đón nhận như những sự học tập đầy sáng tạo!

Nguyễn Xuân Sanh và nhóm Xuân Thu Nhã Tập gần đây cũng được "xoá tội" vì người ta bất ngờ khám phá ra hình như sau những bài thơ một thời bị coi là "tắc tị", là "bí hiểm" và là "nhảm nhí" của ông thấp thoáng có cái gì như... hay và mới so với nền thơ đương thời.

Chỉ có Nguyễn Vỹ, cho đến bây giờ, vẫn tiếp tục mang tiếng là... "lai căng", có lẽ chủ yếu là chưa ai chứng minh được là những bài thơ 12 âm tiết của ông là... hay, dù hiện nay nó đã được dùng tương đối khá phổ biến (1). Như vậy, "lai căng" không phải là bắt chước Tây phương: "lai căng" chỉ là một hiện tượng bắt chước vụng mà thôi.

Như vậy cũng có nghĩa là nếu người ta bắt chước mà thành công thì không còn bị gọi là "lai căng". Nó sẽ trở thành một sự học tập đầy sáng tạo như chữ người ta thường dùng. Nhưng nói như thế cũng có nghĩa là nói "lai căng" là một hiện tượng không có thật. Chỉ có thơ hay và thơ dở; văn hay và văn dở, chứ không có vấn đề lai căng hay không lai căng. Có thể nói là thế giới văn học là thế giới miễn nhiễm vi trùng ngoại lai.

Lai căng là một khái niệm giả. Thế nhưng người ta vẫn sợ. Như là sợ ma. Nỗi sợ vu vơ ấy khiến tâm hồn người Việt Nam lúc nào cũng bị giằng co giữa hai cực: chúng ta vừa thèm thuồng sức mạnh về kỹ thuật của Tây phương lại vừa lo bị biến thành những đứa con lai; vừa muốn duy tân lại vừa bảo thủ. Cứ một bước tiến lại một bước lùi. Mới rục rịch tiếp xúc với Tây phương là đã ồn ào tổ chức bao nhiêu hội nghị về "hiện đại và truyền thống", trong đó, quan điểm chính bao giờ cũng ít nhiều đồng nhất khái niệm hiện đại với Tây phương và khái niệm truyền thống với Đông phương, chủ yếu là Trung Hoa, hơn nữa, Trung Hoa thời cổ đại và trung đại.

Với cách nhận vơ như thế, chúng ta dễ có ảo tưởng là truyền thống giàu có vô cùng: trong lãnh vực văn học, chẳng hạn, chúng ta vừa có lục bát vừa có thơ Đường luật; vừa có Truyện Kiều lại vừa có cả Tam quốc chí; vừa có ca dao vừa có những tư tưởng mỹ học của Trung Hoa, từ thi ngôn chí đến văn dĩ tải đạo. Tuy nhiên, với cách nhận vơ như thế, chúng ta chỉ thụt lùi lại cái thời Bắc thuộc về văn hoá mà thôi.

Nói cách khác, trong quan hệ với Trung Hoa, chúng ta chưa thoát khỏi tâm lý thuộc địa: tự xem mình như một phần của Trung Hoa văn hiến; trong quan hệ với Tây phương, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tâm lý hậu thuộc địa: nhìn nền văn minh kỹ thuật như nhìn một cái gì của "chủ", vừa thèm thuồng vừa đố kỵ và nghi kỵ. Chưa bao giờ chúng ta thực sự thanh thản và đủ tự tin để dám là mình, dù là một cái "mình" nghèo nàn, lạc hậu và yếu đuối, từ đó, thoát khỏi hai phản ứng quen thuộc: hoặc là bắt chước hoặc là kháng cự, để, cũng từ đó, có một thái độ học tập chủ động và sáng tạo. Và, cuối cùng, để thoát khỏi cảnh cứ thậm thụt mãi trước ngưỡng cửa của văn minh và tiến bộ.

Thậm thụt: có lẽ không có từ nào mô tả chính xác hơn hình ảnh của một nền văn học thuộc địa và hậu thuộc địa như là nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua cũng như trong những năm đầu tiên của thế kỷ 21 này.

Buồn.

Chú thích:

  1. Ngoài tai tiếng về "lai căng", Nguyễn Vỹ còn mang tiếng là "loè bịp". Tôi cho đó chỉ là hậu quả của cách phê bình đầy ác ý của Hoài Thanh. Trong Thi nhân Việt Nam (nxb Thiều Quang, Sài Gòn, 1967, tr. 105-110), Hoài Thanh mở đầu bài viết về Nguyễn Vỹ như sau: "Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì." Dùng chữ "lúc đầu" là hàm ý cho đó chỉ là một ấn tượng sai lầm, là công nhận Nguyễn Vỹ thực sự có tài. Nhưng không phải. Sau đó, Hoài Thanh lại tiếp tục tô đậm tính chất "loè bịp" của Nguyễn Vỹ bằng đoạn: "Nguyễn Vỹ quả đã muốn loè những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra, chúng ta cũng dễ bị loè. Nhưng ở chỗ nào khác kia. Chứ trong văn chương thì hơi khó." Những nhận định kiểu như vậy đã làm nhiều người (trong đó có cả tôi, khi mới bắt đầu cầm bút) xem Nguyễn Vỹ như một điển hình của sự ồn ào và lố bịch. Thực ra, đó chỉ là một sự oan ức cho Nguyễn Vỹ. Thứ nhất, những cố gắng thử nghiệm của ông không phải hoàn toàn vô ích: những câu thơ 12 âm tiết hay nhiều hơn nữa sau này được sử dụng khá nhiều, và dưới ngòi bút của một số nhà thơ tài hoa, khá hay. Thứ hai, dù bản thân ông không thành công ở thể thơ 12 chân, nhưng ít nhất Nguyễn Vỹ cũng để lại hai bài thơ thuộc loại kiệt tác trong thời 1932-45: bài "Sương rơi" và "Gửi Trương Tửu". Với Vũ Đình Liên, chỉ được mỗi bài "Ông đồ"; với Đoàn Phú Tứ, chỉ được mỗi bài "Màu thời gian"; với Thâm Tâm, cũng chỉ có mỗi một bài "Tống biệt", chúng ta đã mừng rỡ và trân trọng hết sức. Với Đông Hồ, Bàng Bá Lân, Trần Huyền Trân, Phạm Huy Thông... có lẽ không có bài thơ nào ngang tầm với hai bài thơ của Nguyễn Vỹ, chúng ta cũng vô cùng thương mến. Chỉ riêng với Nguyễn Vỹ, với hai đóng góp lớn như vậy, vẫn bị Hoài Thanh, và sau đó, chúng ta thay phiên nhau... chửi.

  2. * Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.