Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nói ngay cả trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân được thông qua, Iran sẽ không mở cửa cho ảnh hưởng của nước ngoài. Ông Khamenei đã đọc bài diễn văn với lời lẽ cứng rắn hôm thứ hai giữa lúc trưởng đoàn thương thuyết Iran làm việc để củng cố một thỏa thuận, theo đó Iran sẽ được gỡ bỏ những chế tài làm tê liệt nền kinh tế nước này khi Tehran chấp nhận ngưng hoạt động hạt nhân và cho phép quốc tế theo dõi để ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Thông tín viên Zlatica Hoke tường thuật.
Hôm thứ hai, lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei phát biểu trước một đám đông tại Tehran, trong đó có giới truyền thông.
“Họ nghĩ rằng thỏa thuận sẽ mở cửa Iran cho ảnh hưởng của họ này – tuy hiện chưa rõ thoả thuận có được thông qua tại Iran hoặc tại Mỹ hay không. Chúng ta đã ngăn chặn con đường này và chắc chắn sẽ ngăn chặn nó trong tương lai.”
Bài diễn văn của ông Khamenei bị ngắt quãng bằng những tiếng hô “đả đảo” của đám đông nhắm vào Mỹ, Israel và Anh. Chính phủ Israel và nhiều nhà lập pháp Mỹ cực lực chống lại thỏa thuận với Tehran vì nước này hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố tấn công Israel. Nhận định thách thức của giáo sĩ này vào ngày hôm qua đã làm suy yếu lập luận của những người cho rằng việc nới lỏng các chế tài kinh tế đối với Iran có thể giúp mở rộng những ảnh hưởng như thế. Nhà lãnh đạo tối cao Khamenei nói:
“Nước Cộng hòa Hồi Giáo sẽ hoàn toàn hậu thuẫn cho bất cứ ai đứng lên chống lại chế độ Israel và ủng hộ kháng chiến.”
Trong khi đó tại Moscow, hai vị bộ trưởng ngoại giao của Nga và Iran đồng ý với nhau là thỏa thuận hạt nhân đạt được vào ngày 14 tháng 7 tại Vienna sẽ giúp đẩy mạnh các mối quan hệ song phương. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif nói:
“Chúng ta đã có những mối quan hệ tốt đẹp và thỏa thuận hạt nhân sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển các mối liên hệ ở mọi lãnh vực, trong đó có kinh tế, quốc phòng…”
Một phát ngôn viên chính phủ Mỹ ngày hôm qua nhắc lại là thỏa thuận với Iran chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông John Kirby nói:
“Có những vấn đề khác với Iran, những vấn đề nghiêm trọng, mà chúng ta không đồng ý, đặc biệt là những hành động gây bất ổn trong vùng. Và không có gì thay đổi đối với thực tế là chúng ta vẫn còn giữ nguyên những công cụ cần thiết, bất kể là ngoại giao, kinh tế hay quân sự, để đối phó với những hành động này.”
Ngay cả khi vấn đề hạt nhân được giải quyết thành công, Iran và Hoa Kỳ vẫn khác biệt trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Israel. Hai nước cũng đang ủng hộ hai bên đối nghịch trong cuộc nội chiến ở Syria và cuộc xung đột tại Yemen.