Việt Nam: Án oan đã giết chết công dân Lương Hữu Phước (Kỳ 1)

(Hình: Trích xuất từ website VnExpress.net)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ


"Chết cũng đáng lắm chứ!"

Mới chớm hè, tháng 5 này đã vô cùng oi bức với nền tư pháp Việt Nam. Ngày 8/5, 17 cánh tay của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao dưới sự điều khiển của một người chưa bao giờ là thẩm phán - Chánh án Nguyễn Hòa Bình - đồng loạt thủ tiêu “Pháp chế xã hội chủ nghĩa” khi bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải (1). Phán quyết vô pháp 100% này ngay lập tức dấy lên sóng thần phản đối không chỉ từ công luận trong và ngoài nước mà còn từ chính giới bởi nó trực tiếp đe dọa sinh mạng của cả Nhà nước lẫn quốc gia Việt Nam. Vỏn vẹn hai chục ngày sau, vào đầu giờ chiều ngày 29/5, trụ sở Tòa án tỉnh Bình Phước bỗng náo loạn bởi có người vừa nhảy lầu tự sát, chết rồi mắt vẫn trừng trừng. Đó là ông Lương Hữu Phước, 55 tuổi, người trước đó để lại trên facebook của mình dòng trạng thái: "Nếu cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chứ!"

Vì đâu nên nỗi?

Khoảng 11h ngày 15/01/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn tại phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ông Phước đi về nhà. Đến khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý, cũng ở phường Tân Xuân, gọi điện thoại cho ông Phước kêu quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép do trước đó ông Phước đi nhầm dép của người khác. Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ ông Phước đi hát karaoke. Ông Phước thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở ông Quý về nhà để lấy mũ bảo hiểm. Khi đi đến gần trước nhà ông Quý bên kia đường thì ông Phước dừng xe lại để ông Quý xuống. Do ông Quý không chịu nên ông Phước lái xe rẽ trái sang bên kia đường. Đúng lúc đó thì xe máy do ông Lâm Tươi, 20 tuổi, điều khiển chở anh rể Trị Tiếp đi ngược chiều tông vào, khiến ông Phước và ông Quý bị thương và xe ông Phước bị hư hỏng nặng. Đến ngày 17/01/2017 ông Quý tử vong. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, ông Tươi không có giấy phép lái xe và có nồng độ cồn 0,57mg/l khí thở, ông Phước có nồng độ cồn 0,69mg/l khí thở.

Xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân (gọi tắt là TAND) thị xã Đồng Xoài tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điểm b Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ xung 2009 (gọi tắt là BLHS). Điều luật này ghi: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định​ hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”. Sau phán quyết, ông Phước kháng cáo kêu oan.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước nhận định “trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong việc điều tra thu thập chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và do đó “Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo là chưa đủ căn cứ vững chắc”. Trên cơ sở này, Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu Viện kiểm sát thị xã Đồng Soài điều tra lại vụ án

Xử sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Đồng Xoài vẫn tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ông Phước tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Ngày 26/5 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xử phúc thẩm lần 2. Hội đồng xét xử phúc thẩm (gọi tắt là HĐXXPT gồm thẩm phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa), thẩm phán Lê Viết Hòa (Phó Chánh án TAND tỉnh) và thẩm phán Phạm Tiến Hiệp (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh). Tại tòa, ông Phước vẫn khẳng định ông vô tội vì ông không phải là người gây ra vụ tai nạn giao thông.

Sáng ngày 29/5, không chấp nhận lời kêu oan của ông Phước cũng như yêu cầu làm rõ một số tình tiết, chứng cứ của vụ án của Luật sư Dương Vĩnh Tuyến, người bào chữa cho ông Phước, HĐXXPT đã tuyên bác kháng cáo của ông Phước, y án 3 năm tù đối với ông. Và sự việc kinh hoàng và bi thảm đã diễn ra.

Ngay sáng hôm sau, ngày 30/5, cho dù bản án phúc thẩm chưa được công bố, Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về vụ án đã dẫn tới vụ tự sát của ông Phước với sự tham gia của Chánh án TAND tỉnh Phạm Thị Bích Thủy và HĐXXPT(2).

Thẩm phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa HĐXXPT, nói: "Trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì lỗi quan trọng nhất là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát, vi phạm khoản 2 điều 15 Luật Giao thông đường bộ (Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác). Ở phiên tòa bị cáo cho rằng có quan sát. Nhưng lời trình bày của anh Lâm Tươi và những người có mặt ở hiện trường thì đây là đoạn đường thẳng, tầm nhìn không bị che khuất”. Thẩm phán này nhấn mạnh: “Nếu bị cáo quan sát kỹ thì không thể có chuyện anh Lâm Tươi ở đâu nhảy ra để mà va chạm giao thông này được!”.

Trả lời câu hỏi liệu HĐXXPT có bỏ lọt hành vi phạm tôi của ông Lâm Tươi, thẩm phán này nói: “Ông Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, (cơ quan điều tra) không xác định được vận tốc, không lấn đường nên không khởi tố chứ không phải là bỏ lọt đối tượng vi phạm”. Vẫn theo thẩm phán này, “lỗi hành chính khác với lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự” và ông Lâm Tươi đã bị xử phạt hành chính vào ngày 22/8/2017 về lái xe mà không có giấy phép lái xe.

Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định việc xét xử vụ án của ông Lương Hữu Phước là “công tâm, đúng quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, ngày 5/6, đúng một tuần sau cái chết tức tưởi của ông Phước, kết luận “chắc như đinh đóng cột” này của cơ quan tuyên truyền của ĐCSVN tỉnh Binh Phước đã bị Chánh án TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đặt thành vấn đề với quyết định kháng nghị bản án phúc thẩmtrên cơ sở đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nêu lý do “Trện cơ sở kết luận điều tra vụ án chưa đầy đủ, Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử và quyết định về toàn bộ nội dung vụ án là chưa đủ căn cứ”, quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao này xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án sơ, phúc thẩm và giao Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại vụ án (3).

Trước khi xem xét liệu công dân Lương Hữu Phước có thực sự bị oan khuất, tôi không thể không nhận xét về trình độ pháp luật của thẩm phán Lê Hồng Hạnh, người cầm chịch phiên tòa phúc thẩm.

Thẩm phán này nói: "Trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm​ thì lỗi quan trọng nhất là lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân. Lỗi của bị cáo ở đây là qua đường mà không quan sát”.

Về nguyên tắc, khi nêu ra trước công luận những phạm trù học thuật thì người trình bày phải làm rõ nội hàm của những phạm trù đó. Do đó, việc thẩm phán Hạnh nêu “4 yếu tố cấu thành tội phạm” mà không một lời giải thích các yếu tố đó là gì rõ ràng là đánh đố, là coi thường công luận! Tuy nhiên, với tư cách là người phân tích án, tôi sẽ “lấp chỗ trống” mà thẩm phán Hạnh đã lập lờ để lại.

Trong khoa học hình sự, tội phạm được cấu thành bởi 4 yếu tố: 1/ Khách thể (quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ); 2/ Mặt khách quan (hành vi gây thiệt hại cho xã hội hay lỗi (4), hậu quả, quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, phương pháp, phương tiện, công cụ, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện hành vi …); 3/ Chủ thể (người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại) và 4/ Mặt chủ quan (ý thức, động cơ và mục đích khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ý thức bao gồm: cố ý (trực tiếp, gián tiếp), vô ý (quá tự tin, cẩu thả).

Như vậy, thiếu một trong 4 yếu tố kể trên thì không có tội phạm, đồng nghĩa lỗi hay mặt khách quan của tội phạm không hơn cũng không kém các yếu tố còn lại về tầm quan trọng trong việc xác định tội phạm. Thành thử so sánh của thẩm phán Hạnh là hoàn toàn khập khiễng, là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” như cổ nhân đã nói.

Chưa hết, thẩm phán Hạnh còn nói: “lỗi hành chính khác với lỗi để truy cứu trách nhiệm hình sự”. Thực ra, hai lỗi hay hành vi này đều có cùng bản chất là gây thiệt hại cho xã hội. Chỉ có điều nếu hậu quả là nghiêm trọng theo quy định của luật pháp hình sự thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn không, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo thủ tục hành chính.

Những phát biểu trên của thẩm phán Hạnh bộc lộ thảm họa kiến thức pháp luật hay “kiến thức giả” ở người được gọi là “cầm cân này mực” ở chốn công đường này. Thế nên, HĐXXPT do thẩm phán này làm chủ tọa không kết án oan ông Lương Hữu Phước mới là lạ!

(Còn tiếp)

Chú thích

  1. Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa - Kỳ 1 (13/05/2020), Kỳ 2 (18/05/2020), Kỳ 3 (26/05/2020), Kỳ 4 – Kỳ cuối (28/05/2020), Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt.
  2. Bình Phước họp báo vụ bị cáo nhảy lầu tự tử, VNexpress, 30/5/2020.
  3. 5 căn cứ tòa đề nghị hủy án vụ ông Lương Hữu Phước, VNexpress, 6/6/2020.
  4. Các giáo trình luật hình sự của Việt Nam đều sử dụng thuật ngữ “lỗi” với nghĩa “trạng thái tâm lý”, “thái độ” để chỉ mặt chủ quan của tội phạm. Thế nhưng theo tôi, đây là một sai lầm nghiêm trọng trong sử dụng từ ngữ. Thực vậy, “lỗi” theo nghĩa thông thường là điều, hành vi sai trái, không hợp chuẩn. Như vậy, “lỗi” trong lĩnh vực luật pháp là “hành vi gây thiệt hại cho xã hội”. Với cách hiểu như vậy thì cụm từ “lỗi cố ý”, “lỗi vô ý” mới có nghĩa. Cụ thể, “lỗi cố ý” có nghĩa “hành vi gây thiệt hại cho xã hội được thực hiện một cách cố ý”; “lỗi vô ý” có nghĩa “hành vi gây thiệt hại cho xã hội được thực hiện một cách vô ý”. Do đó, cần sớm hiệu chỉnh “lỗi” theo nghĩa “hành vi gây thiệt hại cho xã hội” trong các giáo trình luật cũng như trong các văn bản pháp luật Việt Nam có liên quan.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.