Máy bay không người lái mới của Trung Quốc gây tranh cãi về tiềm năng sử dụng

Máy bay không người lái, Lanying R6000 của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc mới công bố nguyên mẫu máy bay không người lái 6 tấn, có thể cất cánh thẳng đứng, đang gây tranh cãi về tiềm năng sử dụng trong chiến đấu.

Máy bay không người lái, Lanying R6000, được cho là dùng cho mục đích phi quân sự, nhưng các bản vẽ ý tưởng hiển thị logo quân sự Trung Quốc trên cánh và thân máy bay đã làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể được sử dụng cho mục đích vận tải, giám sát, trinh sát hoặc tấn công quân sự.

Máy bay cất cánh thẳng đứng như Lanying R6000 kết hợp tốc độ bay của máy bay với khả năng cơ động cất và hạ cánh của trực thăng, mang lại cho chúng những lợi thế của cả hai hệ thống.

Chiếc máy bay không người lái mới, được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng 11, có tốc độ bay ổn định là 550 km/giờ, tầm bay lên tới 4.000 km, trọng lượng cất cánh tối đa là 6.100 kg và tải trọng tối đa là 2.000 kg theo trang web của United Aircraft, một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến.

Doanh nghiệp này ra đời vào năm 2014 sau khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu nỗ lực tích hợp các công ty dân sự vào phát triển công nghệ quốc phòng. Năm 2023, United Aircraft đã nhận được khoản tài trợ từ các công ty đầu tư do nhà nước hậu thuẫn với tổng số tiền gần 276 triệu đô la.

Trang web của công ty mô tả máy bay không người lái R6000 là “chiếc ô tô trên bầu trời”, có thể chở tối đa 12 người với các ứng dụng bổ sung bao gồm “giao thông hàng không đô thị, vận tải hậu cần, cứu hộ khẩn cấp” và các ứng dụng khác. Nhưng một số nhà quan sát cho biết các thiết kế máy bay không người lái được in với các dấu hiệu quân sự cho thấy công ty đang hướng tới các ứng dụng quân sự của hệ thống Lanying.

Máy bay không người lái này có thể giúp tăng hiệu quả hậu cần và vận tải quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, với khả năng triển khai nhanh và tầm bay xa, các nhà phân tích quân sự nói với VOA.

Máy bay này không cần đường băng “do đó, nó đặc biệt phù hợp với các địa hình đặc biệt như vùng núi và đảo”, theo mô tả sản phẩm trên trang web của United Aircraft.

Tờ Asia Times có trụ sở tại Hong Kong đưa tin vào tháng 10 rằng “UR6000 của Trung Quốc có thể thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế nhanh chóng để hỗ trợ các hoạt động chiếm giữ sân bay trong trường hợp có khả năng xảy ra cuộc xâm lược Đài Loan”.

Yao Cheng, cựu trung tá sĩ quan tham mưu của Bộ tư lệnh Hải quân Trung Quốc hiện đang làm việc tại Los Angeles, nói với VOA rằng ưu điểm của Lanying R6000 nằm ở tốc độ nhanh, hoạt động không người lái và khả năng ứng phó khẩn cấp mạnh mẽ.

Ông xác nhận những ưu điểm này sẽ hữu ích nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan.

Ông Yao nói: “Nếu có giao tranh ở eo biển Đài Loan, vì tốc độ của nó là 550 [km/giờ], nó có thể vận chuyển vật liệu đến chiến trường trong khoảng nửa giờ”.

Đài Loan cách Trung Quốc 180 km. Với tầm bay 4.000 km, Lanying R6000 có thể thực hiện hơn 10 chuyến khứ hồi từ Trung Quốc đến Đài Loan trước khi tiếp nhiên liệu.

Ông Yao cho biết phạm vi hoạt động rộng của máy bay không người lái này bao phủ Tây Thái Bình Dương, giúp nó có khả năng tiếp cận các địa điểm trên khắp Biển Đông và các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với xu hướng chiến tranh hướng đến chiến tranh không người lái và chiến tranh thông minh, ông Yao hy vọng Lanying R6000 sẽ trở thành một lực lượng quan trọng trong vận tải quân sự.

Tuy nhiên, ông Su Tzu-yun, giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng có trụ sở tại Đài Bắc, nói với VOA rằng Lanying R6000 có giá trị hơn trong vận tải thương mại so với trong quân sự.

Máy bay không người lái này có khả năng tàng hình thấp vì trực thăng và các loại máy bay tương tự khác sử dụng cánh quạt lên thẳng thường gây ồn và tạo ra tín hiệu radar, ông Su cho biết, khiến máy bay không người lái trở thành mục tiêu dễ dàng cho phi đạn phòng không.

Quy mô lực lượng trực thăng của quân đội Trung Quốc, cùng với những hạn chế về khả năng tàng hình của hệ thống Lanying, khiến cho việc coi máy bay không người lái là lựa chọn lý tưởng trong các hoạt động quân sự rủi ro cao là không thực tế, ông Su cho biết.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc sở hữu gần 1.000 máy bay trực thăng, bao gồm Z-20, phiên bản trực thăng Black Hawk của Mỹ do Trung Quốc sản xuất. Con số này vẫn còn kém xa so với Hoa Kỳ, nơi có khoảng 5.500 đơn vị trực thăng.

Ông Su cho biết máy bay không người lái vẫn có thể đóng một vai trò hạn chế trong Hải quân Trung Quốc. Với kích thước nhỏ gọn và tốc độ cao, nó phù hợp cho các nhiệm vụ trên tàu sân bay, chẳng hạn như tuần tra chống tàu ngầm nhanh hoặc nhiệm vụ tiếp tế.

Ông Su nói thêm rằng mô hình Luying R6000 cũng có thể phát triển thành công nghệ phù hợp và có giá trị hơn cho mục đích sử dụng quân sự trong tương lai.