Chính phủ Hoa Kỳ, Anh bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 117, 331 của Bộ Luật Hình sự.
Phát biểu tại kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, phó đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối những người bày tỏ quan điểm ôn hòa.
“Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người LGBTQI+ [Đồng tính nữ, Đồng tính nam, Song tính, Chuyển giới, Queer + Liên giới tính]. Nhưng chúng tôi vẫn quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội”, bà nói tại phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp.
Đồng thời vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ đưa các khuyến nghị cho Việt Nam, bao gồm việc sửa đổi các Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự “để bảo vệ quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và tôn giáo, tín ngưỡng”, cũng như tăng cường bảo vệ quyền tự do lập hội bằng cách cho phép các tổ chức phi chính phủ hoạt động mà không phải chịu gánh nặng pháp lý quá mức.
“Hãy chấm dứt ngay việc cưỡng ép từ bỏ đạo đối với thành viên các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo để phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”, bà Billingsley ra khuyến nghị.
Cuối cùng nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi nhân quyền; điều tra việc quan chức có hành vi lạm dụng bạo lực; đảm bảo quyền được xét xử công bằng và đưa ra biện pháp khắc phục cho bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào.
Tương tự, chính phủ Anh cũng bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Việt Nam “nhắm mục tiêu vào các chuyên gia chính sách công và môi trường cũng như các tổ chức phi chính phủ”.
Ông Simon Manley, đại diện thường trú của Vương Quốc Anh tại LHQ, đưa ra đề xuất trong phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp:
“Làm rõ nghĩa vụ pháp lý và tài chính của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế khi nhận tài trợ dưới mọi hình thức; cho biết thời gian ân hạn để tuân thủ; bảo đảm xử lý công bằng trước pháp luật đối với mọi hành vi vi phạm”.
Nhà ngoại giao Anh đồng thời khuyến nghị chính phủ Việt Nam giảm số án tử hình.
Cũng giống như chính phủ Mỹ, chính phủ Anh khuyến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo” thông qua việc sửa đổi Điều 117 và Điều 331 Bộ luật Hình sự.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về những phát biểu và khuyến nghị trên của chính phủ Mỹ, Anh, nhưng chưa được trả lời.
Ý kiến của giới hoạt động
Từ Geneva, ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân tại châu Âu, người đang tham dự các phiên hội thảo vận động bên lề UPR đối với Việt Nam, cho VOA biết rằng Điều 117 “tuyên truyền chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” trong thời gian qua được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói phản biện trong nước.
“Chúng tôi lên án Việt Nam về việc vi phạm nhân quyền trắng trợn bằng những điều luật mơ hồ như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay kết án các thành viên họ coi là thuộc tổ chức “khủng bố” trong khi thật sự họ chỉ hoạt động chính trị, tôn giáo một cách ôn hòa”.
Tại phiên rà soát UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam hôm 7/5, có các đại diện của hơn 130 nước tham gia đối thoại và phát biểu trong điều mà truyền thông Việt Nam gọi là “không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất”.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam phản bác những lời kêu gọi sửa đổi các điều luật 117, 331, cho rằng việc kêu gọi “là một đòi hỏi phi lý, đi ngược lại với lợi ích chung của toàn xã hội”, nói thêm rằng đó là những điều luật “hoàn toàn hợp hiến”.
Phát biểu của phái đoàn Việt Nam
Trình bày báo cáo của chính phủ Việt Nam tại phiên đối thoại trong kỳ UPR hôm 7/5, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định “chính sách nhất quán” của Việt Nam “về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.
Ông Việt viện dẫn các thành tựu tăng trưởng kinh tế là minh chứng cho thành tích nhân quyền của Việt Nam. Ông nói: “Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã vươn lên từ một nước nghèo để trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Ông Việt nói thêm rằng những ưu tiên của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong thời gian tới bao gồm “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, thúc đẩy đối thoại tích cực và hợp tác về quyền con người, tăng cường giáo dục về quyền con người…”.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam hôm 8/5 tường thuật về kỳ UPR: “Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng”.
Hồi tháng trước, ông Việt cho biết tại một cuộc họp báo rằng tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại UPR chu kỳ III năm 2019, nước này đã “hoàn thành thực hiện có kết quả” 209 khuyến nghị, chiếm 86,7%; thực hiện một phần có 30 khuyến nghị, chiếm 12,4%. Ngoài ra, ông nói còn 2 khuyến nghị đang được xem xét thực hiện “vào thời điểm phù hợp”.