Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt cho rằng báo cáo của các cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các bên liên quan về Việt Nam có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin “chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam.
Ông Việt phát biểu như trên tại cuộc họp báo ngày 15/4 khi ông công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ông Việt viện nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng thể chế chính trị của nhau, nhấn mạnh: “Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này”, theo Báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngoài ra, ông Việt còn cho rằng Việt Nam “hoàn toàn” không được tham gia tham vấn gì về nội dung các báo cáo đó.
Trước đó, hôm 11/4, ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng có phát biểu tương tự. Tuy nhiên, bộ này không cho biết các chi tiết nào trong báo cáo của LHQ là “thiếu khách quan” hay “không chính xác”.
VOA đã liên lạc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á ở Thái Lan và đại diện các cơ quan LHQ tại Hà Nội, đề nghị họ cho ý kiến về phát biểu trên của các nhà ngoại giao Việt Nam, nhưng chưa được trả lời.
Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cần chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.
“Nhiều người bị giam cầm và kết án tù dài hạn theo những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự”, báo cáo viết, đồng thời đề nghị Việt Nam bãi bỏ các điều luật đó, bao gồm Điều 113 về tội danh “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Báo cáo của LHQ cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin còn hạn chế, với việc nhiều hành vi phạm tội liên quan đến phát ngôn phải chịu mức án tù dài hạn theo Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nhóm làm việc LHQ cho rằng có các trường hợp đe dọa và trả thù đối với các thành viên xã hội dân sự vì họ đã báo cáo cho LHQ và báo cáo với các cơ chế nhân quyền, bao gồm các cơ quan công ước, các thủ tục đặc biệt và cơ chế rà soát định kỳ phổ quát.
Các chuyên gia nhân quyền viết rằng chính quyền Việt Nam chưa chấp nhận cho các nhóm đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền đến làm việc tại đất nước này và một số yêu cầu đến thăm Việt Nam vẫn đang chờ xử lý. Riêng vừa qua chỉ có Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển đến làm việc tại Việt Nam từ ngày 6-15/11/2023.
Đáng lưu ý, nhóm công tác LHQ cho biết chính quyền Việt Nam chỉ phản hồi 23 trong tổng số 34 văn thư mà nhóm này gửi đi.
Ngoài ra, nhóm công tác LHQ cũng tổng hợp gần 70 khuyến nghị từ 45 tổ chức liên quan (stakeholders), trong đó nổi bật có khuyến nghị của nhóm Văn Bút Quốc tế, Văn Bút Mỹ và Văn Bút Người Việt Hải ngoại (được gọi là nhóm JS1) về việc khuyến nghị Việt Nam sửa đổi Hiến pháp, theo đó nên loại bỏ Đảng Cộng sản, “lực lượng chính trị lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam”, ra khỏi Hiến pháp, để bảo đảm các quyền tự do cơ bản, dân chủ cho mọi công dân.
Ngoài việc lên tiếng mạnh mẽ về các báo cáo này, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng lặp lại điều mà ông cho là “các chủ trương và chính sách xuyên suốt” của đảng và nhà nước về việc Hà Nội “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, với việc xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển và tạo cơ sở vững chắc hơn nữa để bảo đảm quyền con người thông qua các khuôn khổ luật pháp “ngày càng hoàn thiện”.
Báo cáo nhân quyền dài 24 trang của chính phủ Việt Nam nhấn mạnh “chính sách nhất quán thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền” của nước này, nói rằng họ “rất coi trọng” cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ, và đã thực hiện “nghiêm túc” các khuyến nghị ba chu kỳ trước, cũng như đã tiến hành đánh “giá toàn diện” cho chu kỳ hiện tại.
Đại diện một số tổ chức phi chính phủ cho VOA biết rằng các nội dung, đề xuất trong các báo cáo của LHQ được thực hiện dựa trên một quy trình chặt chẽ, do nhóm công tác LHQ soạn thảo, tổng hợp và được kiểm chứng, xác minh từ nhiều tổ chức khác nhau.
Từ Đài Loan, bà Trần Quỳnh Vi, đồng sáng lập Luật khoa Tạp chí và giám đốc điều hành của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), phản bác các phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam. LIV là một trong các tổ chức vào tháng 2/2024 đã trình bày đề xuất và cung cấp các thông tin cần thiết để nhóm công tác của LHQ chuẩn bị cho tiến trình UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam vào tháng 5 tới.
“Việt Nam phải làm thế nào để mình là một người bạn mà có người khác chơi chung với mình. Việt Nam ký 7 trong số 9 công ước về nhân quyền, rồi ký Hiệp định Thương mại Tự do với châu Âu (EVFTA) trong đó cũng có điều khoản về nhân quyền giống như của LHQ...Như vậy, Việt Nam không thể nào nói rằng LHQ hay các nước phương tây thiếu khách quan được!”, bà Vi chia sẻ. “Thế giới này chỉ có một định nghĩa về nhân quyền. Và tôi hy vọng Việt Nam nên dùng chung một định nghĩa về nhân quyền với thế giới”.
Hai tổ chức nhân quyền LIV và Trung tâm Quyền Dân sự và Chính trị (CCPR Centre) cùng đưa ra đề xuất rằng Việt Nam nên hạn chế sử dụng hình phạt tử hình đối với các tội phạm ở ngưỡng của tội phạm nghiêm trọng nhất theo luật pháp quốc tế, theo bảng tổng kết các khuyến nghị của LHQ.
Nhóm này đồng thời kêu gọi Việt Nam đảm bảo đối xử nhân đạo với người bị giam giữ và cải thiện điều kiện của các cơ sở giam giữ, đặc biệt là các trung tâm tạm giam và đảm bảo đối xử nhân đạo với tử tù.
Diễn đàn