Tuần trước, các chỉ huy của các quân chủng khác nhau trong quân đội Mỹ nói Mỹ có thể phải tái cơ cấu lại các tàu chiến và lực lượng được triển khai ở Thái Bình Dương trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường quân sự ở Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, trong tuần trước nói các hoạt động ở Thái Bình Dương đang thay đổi vì Trung Quốc đang quân sự hóa một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Đô đốc John Richardson, Trưởng phòng Tác chiến Hải quân, và Tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, hôm 26/2 nói họ muốn rằng đến năm 2020 họ có trong tay 154 chiến hạm được triển khai ở Thái Bình Dương trong hạm đội gồm tổng số 308 chiến hạm đã được hoạch định.
Trung Quốc đang ráo riết củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác, cho dù Mỹ đã kêu gọi các bên theo đuổi biện pháp ngoại giao. Gần đây, có tin Trung Quốc đã đưa chiến đấu cơ, oanh tạc, radar và hỏa tiễn địa đối không ra các đảo ở Biển Đông.
Trong một bài viết đăng trên tờ Huffington Post ngày 28/2, Giáo sư sử học Tom Mockaitis thuộc trường ĐH DePaul, cho rằng Mỹ có ít lựa chọn để chống lại các động thái của Trung Quốc trong khu vực. Chuyên gia phân tích an ninh quốc tế kiêm sử gia quân sự này nhận định nếu Mỹ tăng cường phát triển quân sự sẽ chỉ “khuyến khích” Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối trọng và “có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và vô ích”.
Giáo sư Mockaitis nói chiến lược “tái cân bằng”của Mỹ sang châu Á đã bị hạn chế bởi cuộc xung đột ở Trung Đông và sự trỗi dậy trở lại của Nga. Triển khai thêm vũ khí, khí tài của hải quân và không quân tới khu vực sẽ có tác dụng hạn chế. “Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh vì Biển Đông, và Trung Quốc biết điều đó. Nhận thức đó làm giảm mức độ đáng tin cậy của bất cứ động thái quân sự nào của Mỹ”, Giáo sư Mockaitis nhận định.
Ông nói thêm việc Mỹ cố gắng vượt trội Trung Quốc ngay trong “sân sau” của nước này sẽ không có hiệu quả. Cố gắng làm như vậy chỉ làm gia tăng ngân sách quốc phòng.
Ông cho rằng tuy Mỹ cần trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ trước các hành động xâm lăng trực tiếp, và điều đó cần Mỹ phần nào củng cố quân sự ở khu vực, song Mỹ cần có bước đi thận trọng. Ông Mockaitis đưa ra quan điểm “Xuống thang cùng với các nỗ lực ngoại giao của các nước ven Biển Đông với sự hậu thuẫn của Mỹ có thể là cách hành động khôn ngoan nhất”.
Theo Huffingtonpost, Ibtimes.
Your browser doesn’t support HTML5