Hoa Kỳ ngày 4/9 truy tố tội rửa tiền đối với hai nhân viên của kênh truyền thông nhà nước Nga RT vì những gì các quan chức nói là một kế hoạch thuê một công ty Hoa Kỳ sản xuất nội dung trực tuyến để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
Các quan chức Bộ Tư pháp cho biết hai nhân viên này đã sử dụng các công ty vỏ bọc và danh tính giả để trả 10 triệu đô la cho một công ty ở Tennessee để sản xuất các video trực tuyến nhằm khuếch đại các chia rẽ chính trị tại Hoa Kỳ.
Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã loan báo các hành động nhắm vào RT, bao gồm cả biên tập viên hàng đầu của kênh là bà Margarita Simonovna Simonyan.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết mục tiêu của Nga là làm trầm trọng thêm các chia rẽ chính trị của Hoa Kỳ và làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
“Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối và phá vỡ các nỗ lực của Nga và Iran, cũng như Trung Quốc hoặc bất kỳ thế lực thù địch nước ngoài nào khác can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi và phá hoại nền dân chủ của chúng tôi”, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland phát biểu trước cuộc họp về các mối đe dọa bầu cử Mỹ.
FBI riêng rẻ đã xin phép tòa án để tịch thu 32 tên miền internet mà họ cho là một phần trong nỗ lực gây ảnh hưởng của Nga.
RT đã trả lời một cách chế giễu. “Có ba điều chắc chắn trong cuộc sống: cái chết, thuế và sự can thiệp của RT vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ”, hãng truyền thông này nói với Reuters.
Hãng truyền thông RT đã ngừng hoạt động tại Hoa Kỳ sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Một nhà lập pháp Nga gọi những cáo buộc được đưa ra là “hoàn toàn vô lý” và cho biết Moscow không nghĩ rằng việc ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump hay ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 là quan trọng.
“Người chiến thắng duy nhất của cuộc bầu cử Hoa Kỳ là tổ hợp công nghiệp quân sự tư nhân của Hoa Kỳ”, phó chủ tịch Hạ viện Nga Maria Butina nói với Reuters.
Tòa đại sứ Nga tại Washington không trả lời các yêu cầu bình luận. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không can thiệp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.
Bản cáo trạng hình sự buộc tội hai nhân viên của RT là Konstantin Kalashnikov và Elena Afanasyeva. Cả hai đều có trụ sở tại Nga và vẫn đang lẩn trốn.
Theo Bộ Tư pháp, công ty ở Tennessee đã sản xuất gần 2.000 video về các chủ đề như di trú và lạm phát và các nội dung này đã được xem 16 triệu lần trên YouTube kể từ tháng 11 năm ngoái.
Trong một trường hợp, bà Afanasyeva đã yêu cầu công ty cung cấp một video đổ lỗi cho Ukraine và Hoa Kỳ về vụ tấn công khủng bố vào một địa điểm âm nhạc ở Moscow, Bộ Tư pháp cho biết.
Bản cáo trạng không nêu tên công ty Tennessee hoặc buộc tội bất kỳ giám đốc điều hành nào của công ty này về hành vi sai trái.
Bộ Tư pháp trước đây đã cảnh báo rằng Nga vẫn là mối đe dọa trong cuộc bầu cử và dường như đang ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump hơn ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris.
Đánh giá tình báo Hoa Kỳ phát hiện ra rằng Moscow đã cố gắng giúp ông Trump vào năm 2016, khi ông đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, và vào năm 2020 khi ông thua ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Moscow đã phủ nhận các cáo buộc.
Trên mạng xã hội, ông Trump lặp lại lời cáo buộc rằng Bộ Tư pháp đang tìm cách đánh bại ông trong cuộc bầu cử.
Các quan chức Bộ Tư pháp cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người đại diện của ông đã áp dụng các kỹ thuật ngày càng tinh vi, nhắm vào các nhóm cử tri cụ thể và những người ở các tiểu bang chiến trường, và hiện đang sử dụng các trang web robot và trí tuệ nhân tạo.
Tháng trước, FBI đã khám xét nhà của hai người Mỹ có quan hệ với truyền thông nhà nước Nga, bao gồm cựu thanh tra vũ khí của Liên hiệp quốc Scott Ritter và Dimitri Simes, cố vấn cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng cáo buộc Iran cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới thông qua các hoạt động mạng chống lại cả chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Harris. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết Iran đứng sau vụ rò rỉ tài liệu chiến dịch nội bộ cho các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ.