Nga sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân ở ngoại quốc, ngoại trừ ở nước đồng minh Belarus, nhưng sẽ tìm cách chống lại bất kỳ việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật nào của Mỹ ở Anh, Thứ trưởng phụ trách kiểm soát vũ khí Nga tuyên bố hôm 1/2.
Tổng thống Vladimir Putin năm ngoái nói Moscow đã chuyển một số vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus, đổ lỗi cho những gì ông gọi là phương Tây thù địch và hung hăng đã gây ra quyết định này.
Các nhà nghiên cứu hạt nhân hàng đầu tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vũ khí được đặt ở đâu tại Belarus, hoặc thậm chí chúng có ở đó hay không.
Khi được các phóng viên hỏi liệu Nga có triển khai vũ khí hạt nhân ngoài Belarus hay không, chẳng hạn như ở Nam Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói: “Không, điều đó không có trong kế hoạch”.
“Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus được thực hiện nhằm chống lại các hoạt động ngày càng hung hăng và đe dọa của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo.”
Ngoài ra, ông Ryabkov nói với Russia Today trong một cuộc phỏng vấn rằng kế hoạch của Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Anh sẽ không ngăn cản được Moscow.
Ông Ryabkov nói: “Nếu họ tin rằng việc tái đưa vũ khí hạt nhân vào Anh là một biện pháp ngăn chặn Nga thì họ đã nhầm.” “Chúng tôi kêu gọi họ dừng... leo thang vòng tròn vô tận này.”
Cả Anh và Mỹ đều chưa xác nhận các báo cáo về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các nhà nghiên cứu cho biết RAF Lakenheath, một căn cứ không quân ở Suffolk, miền đông nước Anh, đang được tân trang lại để lưu trữ vũ khí của Mỹ.
Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, hiện tại, năm quốc gia NATO - Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ - có tổng cộng khoảng 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại sáu căn cứ.
‘Sẵn sàng đối thoại’
Ông Putin, người đã gửi hàng chục ngàn quân vào Ukraine hai năm trước, thường nhắc nhở phương Tây về quy mô và khả năng của kho vũ khí hạt nhân của Nga, kho vũ khí lớn nhất thế giới.
Ông Ryabkov ca ngợi những gì ông nói là những ý tưởng về cách chấm dứt xung đột Ukraine do các thành viên của nhóm BRICS đề xuất.
“...Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với tất cả những ai quyết tâm thúc đẩy một giải pháp mang tính xây dựng. Và tất nhiên, trong bối cảnh này, chúng tôi tiếp tục thảo luận về chủ đề này với các đối tác BRICS của mình”, ông nói.
Nhóm BRICS bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi và dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa.
Kyiv đang thúc đẩy “công thức hòa bình” của riêng mình, trong đó có việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chỉ thị rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga đều là bất hợp pháp.
Nga, quốc gia kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, nói kế hoạch hòa bình của ông Zelenskyy là vô lý vì phớt lờ lợi ích an ninh của chính Moscow. Lập trường này được ông Ryabkov tái khẳng định hôm 1/2.