Hầu như tất cả những người phản đối Điện Kremlin đều bị bỏ tù hoặc sống lưu vong, các cơ quan báo chí tự do và các nhóm nhân quyền buộc phải đóng cửa, có vẻ như nhiều năm đàn áp ở Nga đã đạt được mục tiêu.
Chỉ trong vòng ba tuần, các cơ quan an ninh và tòa án của Nga đã vượt qua một số ngưỡng cửa mới trong chiến dịch tiêu diệt kẻ thù, gián điệp và kẻ phản bội.
Vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal ngày 29/3 đã gửi một lời cảnh báo ớn lạnh tới một số nhà báo phương Tây còn lại ở Nga về những rủi ro khi di chuyển, nói chuyện với các nguồn tin và chỉ đơn giản là làm công việc của họ.
Lần cuối cùng Moscow bắt giữ một nhà báo Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp - một cáo buộc mà ông Gershkovich, tờ báo của ông và chính phủ Hoa Kỳ đều cực lực bác bỏ - là vào năm 1986, khi đất nước này vẫn còn nằm dưới sự cai trị của cộng sản Liên Xô.
Rồi vào ngày 17/4, chính trị gia đối lập Vladimir Kara-Murza bị bỏ tù vì tội phản quốc và phát tán “thông tin sai lệch” về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Bản án 25 năm của ông dài gấp ba lần so với bất kỳ bản án nào trước đây vì đã lên tiếng chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Ngày hôm sau, những người ủng hộ ông Alexei Navalny, nhà phê bình Tổng thống Vladimir Putin được nhiều người biết tiếng, người đang thụ án 11 năm rưỡi vì cáo buộc gian lận và coi thường tòa án, cho biết lần đầu tiên ông bị cai ngục đánh đập và phải đối mặt với các cáo buộc mới, mang thêm 5 năm tù vì tội cản trở giới hữu trách trại giam.
Điện Kremlin cho biết họ không có quyền lên tiếng đối với các quyết định của tòa án và việc đối xử với ông Navalny là vấn đề của cơ quan quản lý nhà tù. Ông Putin đã nói với người Nga rằng phương Tây đang tìm cách sử dụng những kẻ phản bội như một “đạo quân thứ năm” để gieo rắc bất hòa và cuối cùng là hủy diệt nước Nga.
Kể từ giữa tháng 3 năm nay, quốc hội Nga cũng đã mở rộng luật kiểm duyệt đối với những gì mọi người có thể nói về lực lượng vũ trang của họ và bỏ phiếu mở rộng hình phạt đối với tội phản quốc lên án tù chung thân thay vì 20 năm.
Cha của một bé gái Nga vẽ một bức tranh phản chiến đã bị kết án hai năm tù và bị giam giữ ở nước láng giềng Belarus khi ông định bỏ trốn. Tuần này, một chính trị gia đối lập khác, Ilya Yashin, đã thua khi kháng cáo bản án 8 năm rưỡi vì phát tán “thông tin sai lệch” về lực lượng vũ trang.
Ông Nicolas Tenzer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu và là bạn của ông Kara-Murza, nói “Đang có động thái tiến đến một loại chế độ độc tài thực sự. Việc này được xem như đã xảy ra cách đây một năm rưỡi như hiện đang trở thành toàn diện.”
Trát bắt
Xu hướng này đã tăng tốc kể từ ngày 17/3, khi ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC truy tố về tội ác chiến tranh. Mặc dù bị Nga bác bỏ là vô hiệu về mặt pháp lý do nước này không phải là thành viên của ICC, nhưng trát bắt đã nêu bật thực tế rằng ông Putin không còn đường lui - và do đó không có gì để mất - khi nói đến quan hệ với phương Tây.
“Có vẻ như ông Putin thực sự không quan tâm đến những gì phương Tây đang nghĩ... Ông ấy chỉ muốn dốc toàn lực trong cuộc đàn áp và trong cuộc chiến của mình,” ông Tenzer nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Bà Maria Alyokhina, một thành viên của nhóm nhạc ủng hộ nữ quyền Pussy Riot, người đã ở gần hai năm trong một khu nhà tù Nga vì phản đối Điện Kremlin, đã mô tả việc đối xử với ông Navalny và ông Kara-Murza là “sự bạo dâm thuần túy” từ phía ông Putin và chính quyền.
“Họ đang trong một cuộc chiến và họ đang thua trong cuộc chiến. Và họ phát điên vì điều đó. Họ đang trả thù, vì bất lực, vì sợ hãi, vì giận dữ, sự kết hợp của tất cả những điều này. Tôi không nghĩ theo nghĩa đó họ sẽ dừng lại,” bà nói với Reuters.
“Bạn có thể nghĩ rằng nó không thể tồi tệ hơn, nhưng nó có thể.”
‘Họ đang giết ông ấy’
Nỗi lo sợ của những người ủng hộ ông Navalny và ông Kara-Murza - cả hai đều có sức khỏe yếu sau khi sống sót sau các vụ đầu độc trong quá khứ mà họ đổ lỗi cho các cơ quan an ninh nhưng Điện Kremlin phủ nhận - là họ có thể không sống sót sau án tù dài.
Các đồng minh của ông Navalny tuần trước cho biết ông bị giảm cân đột ngột và đau dạ dày cấp tính khiến họ nghi ngờ về một âm mưu đầu độc chậm khác.
“Họ đang giết ông Navalny trong tù,” cộng sự của ông, bà Maria Pevchikh, nói. Cơ quan phụ trách nhà tù của Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Tenzer nói cái chết của ông Kara-Murza hoặc ông Navalny sẽ gây ra những biểu hiện phẫn nộ nhưng ông Putin có thể tính toán rằng phương Tây không thể làm gì hơn để đáp trả, vì họ đã áp đặt các làn sóng chế tài đối với Moscow và đang vũ trang cho kẻ thù của Moscow là Ukraine.
Điện Kremlin có thể thu được những lợi ích ngắn hạn từ việc đối xử với cả ông Gershkovich và những người Nga bị bỏ tù. Kinh nghiệm gần đây cho thấy ông Gershkovich có thể được mang ra đổi chác trong một cuộc trao đổi tù nhân, một khi vụ án của ông được đưa ra tòa án, trong khi các vụ án của ông Navalny và ông Kara-Murza giúp vô hiệu hóa những kẻ thù nổi tiếng nhất của ông Putin và ngăn cản những người khác lên tiếng.
Nhưng có thể có những rủi ro dài hạn hơn khi tạo ra các biểu tượng mạnh mẽ hoặc thậm chí là những kẻ tử vì đạo cho phe đối lập.
Vị thế của ông Putin hiện không bị đe dọa nhưng lịch sử không thiếu những ví dụ về những cựu tù nhân chính trị - từ Vaclav Havel ở Tiệp Khắc và Nelson Mandela ở Nam Phi đến Michelle Bachelet của Chile - những người từ tù nhân trở thành tổng thống. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã tràn ngập Iran sau cái chết của một phụ nữ 22 tuổi, Mahsa Amini, khi bị cảnh sát nước này giam giữ vào tháng 9 năm ngoái.
“Mọi chế độ độc tài đều tin rằng mình là bất khả chiến bại, nhưng cuối cùng mọi chế độ độc tài đều sụp đổ,” bà Evgenia, vợ của ông Kara-Murza, nói sau bản án hôm 17/4.