Trong phiên tòa mới nhất về một vụ tham nhũng ở Việt Nam hôm 24/10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị mức án lên đến 11 năm tù đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vì vai trò của bà trong việc đấu thầu các thiết bị y tế tại một bệnh viện tỉnh. Bà Nhàn từng là chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và đang bị Việt Nam truy nã vì bỏ trốn.
Bà Nhàn, cùng 15 bị cáo khác, bị đưa ra xét xử trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh năm 2012, theo truyền thông trong nước.
Bà Nhàn, được cho là một “nhân vật quan trọng” trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua, bị cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã vào tháng 5/2022 sau khi bà đã bỏ trốn kể từ ngày 19/6/2021.
Tờ báo Đức Taz gần đây tiết lộ rằng bà Nhàn đã đến sinh sống ở Đức trong nhiều tháng qua.
Trong số 16 bị cáo bị đưa ra xét xử ở Quảng Ninh hôm 24/10, có 4 bị cáo đang bỏ trốn và bị truy nã, gồm cả bà Nhàn.
Cáo trạng được Tuổi Trẻ trích dẫn cho biết bà Nhàn là “người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc” với các cá nhân tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình y tế do Sở Y tế Quảng Ninh làm chủ đầu tư, và tại Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, cũng như tổ chức cho các “quân xanh”, “quân đỏ” đấu thầu để trúng 6 dự án.
Cũng trích dẫn cáo trạng, VTC News nói hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của bà Nhàn và các đồng phạm gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền trên 50 tỷ đồng.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị điều tra.
Trước đó vào cuối năm ngoái, bà Nhàn bị Tòa án Nhân dân Tp. Hà Nội xét xử vắng mặt và bị kết án tổng cộng 30 năm tù cho các tội danh liên quan đến vụ bê bối gói thầu trang thiết bị y tế của công ty AIC tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong vụ án có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử, bà Nhàn bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu và dự thầu cũng như hối lộ các lãnh đạo 43,8 tỷ đồng để “bôi trơn” các gói thầu, gây hại cho nhà nước 152 tỷ đồng.
Giữa tháng 4 năm nay, bà Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học Tp.HCM.
Phiên tòa tại Quảng Ninh thu hút sự chú ý vào Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từ năm 2011 đến năm 2015, và trong thời gian này vụ án đã xảy ra.
Tờ Nikkei Asia cho rằng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, một nhân vật nặng ký của Đảng Cộng sản, đang được xem là đối thủ của ông Chính, làm dấy lên suy đoán rằng vụ án có thể có liên quan đến một cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản.
Trong khi đó tờ Intelligence Online nói rằng mối quan hệ thân thiết giữa bí thư tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ, tức ông Chính, và bà Nhàn dẫn đến việc nhiều hợp đồng cho AIC được ký kết với tỉnh này.
Nhật báo Taz hồi đầu tháng 8 đưa ra một bài điều tra, trong đó nói rằng các mật vụ Việt Nam đang tìm cách bắt cóc “một phụ nữ Việt Nam” khi viết về việc bà Nhàn đã đến Đức sinh sống. Theo tờ báo này, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn nhưng bị chính phủ Đức từ chối. Vào giữa tháng 8, các lãnh đạo chống tham nhũng của Việt Nam nói rằng họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước.
Cuộc trấn áp tham nhũng, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động khi giành được nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng Cộng sản lần thứ 2 liên tiếp năm 2016, đã được tăng cường trong những năm gần đây, với hơn 3.500 người bị truy tố trong hơn 1.300 vụ tham nhũng kể từ năm 2021.
Chiến dịch tham chống tham nhũng, còn được gọi là “đốt lò” của ông Trọng, đã khiến ông Nguyễn Xuân Phúc phải từ chức chủ tịch nước và hai phó thủ tướng, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, phải rời ghế khi chưa hết nhiệm kỳ.