Dự thảo Pháp lệnh mới về xử phạt ‘hành vi cản trở hoạt động tố tụng’ của nhà báo qua ghi âm ghi hình phiên tòa được cho là sẽ bóp nghẹt thêm tự do báo chí vốn đã bị thắt chặt ở Việt Nam
Một dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quy định rằng các nhà báo có thể bị phạt đến 30 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và phát trực triếp trên không gian mạng.
Theo truyền thông trong nước, dự thảo, được Ủy ban TVQH đưa ra hôm 15/8 để lấy ý kiến, còn quy định việc các nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật.
Mức phạt là từ 7 đến 30 triệu đồng tùy vào mức độ “cản trở hoạt động tố tụng” trong hành vi được xem là vi phạm của nhà báo khi tham gia ghi nhận về phiên tòa. Ngoài ra, theo Tuổi Trẻ, các tang vật, phương tiện bị cho là vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu và nhà báo “vi phạm luật” sẽ phải nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh được ghi lại mà không có sự đồng ý của chủ tọa theo quy định của Pháp lệnh.
Giải thích về lý do đưa ra dự thảo Pháp lệnh, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ được VTC trích lời nói rằng thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng của vụ việc cũng như tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Vẫn theo VTC, ông Tuệ cho rằng việc ban hành một văn bản pháp luật như vậy sẽ “tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.”
Gây tranh cãi
Tuy nhiên, dự thảo Pháp lệnh này đang gây ra tranh cãi trong công chúng, chuyên gia, giới báo chí và luật sư, và ngay cả các nhà lập pháp, khi họ cho rằng việc “xử phạt nhà báo ghi âm, ghi hình… phiên tòa khi không được chủ tọa đồng ý” còn mâu thuẫn với nhiều luật và cản trở quyền tác nghiệp của các nhà báo.
Theo VnExpress, ông Nguyễn Công Phú, nguyên phó chánh tòa Kinh tế TAND TPHCM, cho rằng quy định mới còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ và hành vi “phát trực tiếp trên không gian mạng” không có quy định trong tất cả các luật hay bộ luật cũng như không gây cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa.
Đồng tình với ý kiến này, Luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA rằng việc ghi âm ghi hình của giới báo chí không gây ảnh hưởng gì tới các phiên tòa chừng nào việc xét xử được công khai.
“Quy định này không được hợp lý vì ngay đến các phiên họp của Quốc hội mà phóng viên báo chí không còn bị hạn chế thì chẳng có lý do gì mà một phiên tòa lại hạn chế việc ghi âm ghi hình,” LS Sơn, người thường bào chữa cho các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến, cho biết.
Theo LS Sơn, quy định này sẽ cản trở việc thực hiện quyền tác nghiệp của các nhà báo.
“Họ phải ghi âm ghi hình để phản ánh đúng sai sau này khi có khiếu nại kiện tụng liên quan đến hoạt động của nhà báo thì họ còn có phương tiện để tự bảo vệ mình nên quy định này (gây) khó khăn cho họ,” LS Sơn nói.
Cùng nhận định, ông Phú cho biết rằng không phải lúc nào nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa cũng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng mà nó còn để lưu giữ chứng cứ về diễn biến thực tế. Từ đó nhà báo chứng minh đã đưa tin đúng sự thật, để bảo vệ mình khi cần thiết.
Nhà báo Võ Văn Tạo, người có 15 năm tác nghiệp cho báo của Nhà nước, nói với VOA rằng ông cũng thấy sự bất cập trong quy định phạt nhà báo khi ghi âm ghi hình các phiên tòa mà không được sự cho phép của chủ tọa.
“Trong tất cả các luật báo chí, người ta quy định quyền hạn và trách nhiệm của nhà báo và giới báo chí nói chung là phải có việc điều tra, phải làm rõ những vấn đề mà xã hội quan tâm,” nhà báo Tạo nói. “Nếu quy nhà báo (ghi âm ghi hình phiên tòa) là vi phạm pháp luật thì tôi thấy có gì đó bất cập.”
Quy định của dự thảo còn được cho là để bảo vệ quyền nhân thân của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, nhưng theo y kiến của ông Phú được VnExpress trích dẫn, điều này không thuyết phục.
Cựu phó chánh tòa nói rằng việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự về “quyền của cá nhân đối với hình ảnh.” Theo đó việc sử dụng hình ảnh của cá nhân cũng có trường hợp ngoại lệ, không buộc phải có sự đồng ý của họ như “vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng” hoặc hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín.
‘Bóp nghẹt báo chí’
Việc ghi âm ghi hình tại phiên tòa là quyền của nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được quy định tại Điều 9 và Điều 25 của Luật Báo chí, mà Luật này có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh vấn đề hoạt động báo chí, theo ông Phú.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng được VnExpress trích lời nói rằng đối với những phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hay án xâm hại tình dục… thì mới cần hạn chế ghi âm, ghi hình. Còn với những phiên tòa công khai, theo ông, thì nhà báo được quyền tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí. Ông Nhưỡng, cũng là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng qua đó tuyên tuyền pháp luật, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tội phạm hay những phiên tòa mà HĐXX công tâm, khách quan, tìm ra được sự thật của vụ án, xử đúng người, đúng tội, không gây oan sai… được nhân rộng. Còn đối với những vụ án tòa làm chưa tốt cũng cần phản ánh để tòa cấp trên xem xét.
“Ngay cả giai đoạn điều tra, vẫn để xảy ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình nhưng đâu phải lúc nào bị can, bị cáo cũng có chứng cứ chứng minh,” ông Nhưỡng nói. “Khi đưa ra tòa xét xử công khai mà nhà báo cũng không được HĐXX cho ghi âm, ghi hình thì lấy đâu ra chứng cứ để chứng minh viết bài đưa ra công luận đúng sự thật.”
Dự thảo Pháp lệnh được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam tăng cường kiểm soát gắt gao truyền thông và mạng xã hội, với việc bắt giữ và bỏ tù nhiều nhà báo từng làm cho các tờ báo Nhà nước và cả những nhà báo độc lập cũng như các blogger và người dùng mạng xã hội vì những đăng tải bị cho là “sai sự thật” hay “xuyên tạc đường lối của Đảng” hoặc “chống phá nhà nước” trong những năm qua.
Một loạt các nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, trong đó có Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng, các thành viên Nhóm Báo Sạch, nhà báo bất đồng chính kiến được quốc tế công nhận Phạm Đoan Trang, đã bị đưa ra xét xử và nhận các bản án nhiều năm tù. Bên cạnh đó, chính quyền cũng tuyên án tù cho các nhà báo công dân như Lê Văn Dũng và Nguyễn Đức Hùng.
“Họ ngày càng thắt chặt và bóp chặt (truyền thông và dư luận),” Nhà báo Tạo nói và cho rằng nhiều phiên tòa xử công khai các nhà hoạt động nhân quyền hay nhà báo bất đồng chính kiến đều không cho người nhà của họ tham dự trong khi các luật sư bị kiểm soát khi vào tòa. “Họ rất sợ những tiếng nói sự thật được đưa lên hoặc những tiếng nói là họ không thích. Livestream (truyền trực tiếp) là phản ánh đúng sự thật. Nếu việc xử án mà đàng hoàng, nghiêm minh, đúng pháp luật thì cần phải cảm ơn các nhà báo và người dân khi họ livestream bởi họ đã làm việc tuyên truyền về phiên tòa nhằm giáo dục pháp luật cho nhân dân.”
Ủy ban Bảo vệ Ký giả xếp Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á bỏ tù nhiều nhà báo nhất, sau Trung Quốc, trong khi tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam trong nhóm 3 quốc gia được xem là những “nhà tù” lớn nhất đối với các nhà báo.
Theo nhà báo Tạo dự thảo Pháp lệnh này nếu được thông qua sẽ “bóp nghẹt thêm quyền của báo chí” vốn đã bị kiểm soát nặng nề bởi nhà nước Việt Nam, nơi bị cộng đồng quốc tế đánh giá là không có tự do báo chí.
“Những quy định gây cản trở cho nhà báo tác nghiệp sẽ làm cho xã hội nhiễm phải những thông tin không đúng sự thật và điều đó chỉ bất lợi cho xã hội mà thôi,” nhà báo Tạo nói.
Trong khi đó ông Nhưỡng đề nghị cần phải xem xét, điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tránh tình trạng “luật không cấm nhưng pháp lệnh lại đè ra xử phạt.”