Các giới chức Liên Hiệp Quốc kêu gọi tiếp tục thực hiện những hoạt động tìm kiếm tại các vùng biển ở Đông Nam Á để cứu giúp những thuyền nhân bị bọn buôn người bỏ rơi. Thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok.
Ông Tom Vargas, một viên chức cấp cao của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc, cho biết khoảng 2.000 người di dân có lẽ vẫn còn lênh đênh trên biển.
"Phần lớn những người này hiện giờ đang ở trong Vịnh Bengal và khoảng phân nửa có lẽ ở gần Malaysia và Indonesia, nhưng chúng tôi không có vị trí chính xác."
Ông Vargas cho biết như thế trong cuộc họp báo ở Jakarta ngày hôm nay, trong lúc Myanmar nói rằng họ đã chuẩn bị xong xuôi để bắt đầu làm thủ tục cho hơn 800 thuyền nhân mà họ cứu ở duyên hải nước họ hồi đầu tuần này.
Các giới chức gần thị trấn biên giới Maungdaw ở miền tây cho đài VOA biết rằng những người tị nạn, trong đó có hơn 70 phụ nữ và 40 trẻ em, đã được đưa tới một trung tâm di trú gần thị trấn Taung Pyo.
Giới hữu trách cho biết phải mất 3 ngày để làm thủ tục trước khi các giới chức có thể xác định qui chế của những người này và quyết định sẽ xử lý như thế nào.
Myanmar không công nhận người Rohingya là người sắc tộc thiểu số. Họ gọi những người này là người Bangladesh.
Bà Anne Richard, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân số, Tị nạn và Di trú, tuyên bố trong chuyến viếng thăm Indonesia mới đây rằng “người Rohingya cần được đối xử như công dân của Myanmar.”
Bà cho biết tiểu bang Rakhine ở miền bắc Myanmar là “một trong những nơi có bầu không khí áp bức nhất” mà bà từng tới thăm.
"Thật là kỳ lạ khi tôi được vây quanh bởi những người cứ nhìn chăm chăm vào tôi nhưng không nói chuyện với tôi vì sợ hãi. Nhất là khi những người đó là những em bé. Điều đó thật là không bình thường."
Từ khi phát giác những ngôi mộ tập thể dọc theo biên giới Thái Lan-Malaysia cách nay một tháng, chính quyền Thái Lan, do hội đồng tướng lãnh nắm quyền cai trị, đã bắt giữ hơn 50 người.
Các nhân vật tranh đấu nhân quyền cho rằng những tuyến đường đưa người vượt biên không thể nào có thể hoạt động trong nhiều năm như vậy mà không có sự cấu kết giữa những kẻ đưa lậu người với các giới chức chính quyền địa phương, nhất là ở Thái Lan và Malaysia. Cả hai nước này đều cho biết họ đang tiến hành những cuộc điều tra cặn kẽ về vấn đề này.