Cần phải thú thật một điều: tôi không quan tâm mấy đến các giải thưởng văn học, ngay cả giải Nobel. Bởi vậy, mấy tuần vừa rồi, mặc dù biết giải thưởng sắp được công bố, tôi cũng không có chút tò mò hay nôn nao nào cả. Cũng không có ý định viết. Nhưng sáng nay, vào mạng, đọc báo nào cũng nhắc đến Mario Vargas Llosa và cái giải thưởng Nobel văn chương mà ông vừa nhận được, tự nhiên thấy ngứa ngáy.
Thôi thì viết.
Cũng xin nói ngay, không quan tâm, không phải tôi nghĩ Vargas Llosa không xứng đáng. Không phải. Từ lâu tên tuổi ông đã vang dội khắp thế giới và được xem là một trong vài cây bút viết văn xuôi bằng tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất trong nửa thế kỷ vừa qua. Tôi chưa đọc cuốn tiểu thuyết nào của ông, nhưng lại đọc khá nhiều tiểu luận và các bài ông trả lời phỏng vấn. Thích. Thấy, ở ông, cả sự uyên bác lẫn sự lịch lãm; cả sự sâu sắc lẫn sự tinh tế, vừa rất sách vở vừa rất đời thường. Nói chung, tôi phục ông. Hơn nữa, mến ông.
Cũng không phải tôi cho giải Nobel là không có giá trị. Có chứ. Giá trị ở phần thưởng: khoảng một triệu rưỡi Mỹ kim, cao hơn hẳn hàng chục, hàng trăm, thậm chí, hàng ngàn lần, bất cứ giải thưởng văn chương lớn nào khác. Giá trị ở dư luận: hầu như không có cơ quan ngôn luận nào không theo dõi và đưa tin. Giá trị ở ảnh hưởng: bao giờ tác phẩm của người được giải cũng được săn lùng ở mọi hiệu sách. Ở nơi nào người ta chưa dịch thì vội vã dịch; chưa đọc thì vội vã đọc; chưa giới thiệu thì vội vã giới thiệu. Trong rất nhiều trường hợp, từ một nhà văn cấp quốc gia, có khi chưa được lên đẳng cấp quốc gia (ví dụ Cao Hành Kiện, ở cả Pháp lẫn Trung Quốc), trong vòng một hai ngày, người ta bỗng nổi danh cả thế giới. Cuối cùng, giá trị ở uy tín: Có thể nói, trong các loại giải thưởng, không có giải thưởng nào được người ta tin cậy như là giải Nobel. Việc công bố các giải thưởng Nobel hàng năm bao giờ cũng là một trong những sự kiện quan trọng nhất không những đối với lãnh vực văn học mà còn đối với các lãnh vực khác, từ vật lý đến hoá học, y khoa và kinh tế (không kể giải thưởng hoà bình vốn nặng về chính trị).
Giá trị của giải Nobel văn chương là điều không ai có thể phủ nhận được. Tuy vậy, không nên tuyệt đối hoá giải Nobel. Không nên xem đó như một thước đo duy nhất hay ngay cả quan trọng nhất, trong việc đánh giá một tài năng hoặc một nền văn học. Không nên nghĩ văn học Việt Nam chỉ có thể có tầm vóc lớn khi, và chỉ khi, có ai đó đoạt được giải Nobel.
Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, bất cứ giải thưởng nào, dù nổi tiếng và có uy tín đến mấy, cũng có tính chất tương đối và đầy những hạn chế. Có những hạn chế mà ngay cả khi muốn, người ta cũng không thể vượt qua được.
Trước hết, hạn chế về quan điểm. Tiêu chí lựa chọn của giải Nobel về văn chương khá rõ ràng: xuất sắc (outstanding) và lý tưởng (idealistic tendency). Chuyện xuất sắc trong lãnh vực văn học, nhất là giữa các thể loại và đặc biệt, giữa các ngôn ngữ khác nhau, là chuyện đầy chủ quan. Nhưng quan trọng không kém là tiêu chí thứ hai: tính chất lý tưởng. Nhiều người cho tiêu chí này vốn gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn vốn còn khá thịnh hành vào cuối thế kỷ 19, lúc Alfred Nobel lập tờ di chúc. Với tiêu chí ấy, không có gì lạ khi nhiều tài năng thuộc loại kiệt xuất nhất và giàu tính sáng tạo nhất, có nhiều cống hiến nhất trong việc mở rộng tầm nhìn mỹ học của từng thể loại bị bỏ quên. Ví dụ những tài năng như Charles Baudelaire (1821-1867) hay Arthur Rimbaud (1854-1891), cho dù ra đời muộn hơn, cũng không có chút hy vọng gì được giải với lý do tư tưởng của họ không theo “xu hướng lý tưởng”. Ngay chính Leo Tolstoi không được trao giải cũng chỉ vì một lý do tương tự: Thời ấy, không ai hoài nghi tài năng của ông, nhưng các giám khảo vẫn cứ loại ông ra chỉ vì họ cho là ông có chủ trương vô chính phủ. Nhấn mạnh vào tính “lý tưởng”, nhiều lúc ban giám khảo đi lệch ra ngoài phạm vi văn học. Đó là lý do tại sao có một số người không thực sự là nhà văn mà vẫn đoạt giải Nobel văn chương, chẳng hạn, sử gia Christian Matthais Mommsen và chính khách viết hồi ký Winston Churchill; hay các triết gia Rudolf Eucken, Henri Bergson và Bertrand Russell. Đó cũng là lý do tại sao nhiều tên tuổi kiệt hiệt như Marcel Proust, Rainer Maria Rilke, James Joyce, Jorge Luis Borges, Vladimir Nabokov, v.v... không được tặng giải (Chúng ta không tính Franz Kafka, người chỉ thực sự nổi tiếng sau khi đã qua đời).
Sau nữa là hạn chế liên quan đến con người. Ban giám khảo giải Nobel văn chương thường bao gồm từ 4 đến 5 người trong số 18 viện sĩ thường trực thuộc Hàn lâm viện Thụy Điển. Vào cuối tháng giêng, người ta có danh sách những tác giả được đề cử từ khắp nơi gửi tới. Danh sách này có thể lên đến hàng trăm người. Trong vòng hai tháng, ban giám khảo sẽ bàn bạc để rút danh sách này xuống còn khoảng từ 15 đến 20 người. Một tháng sau, họ lại rút xuống còn 5 người. Sau đó người ta bỏ ra hai tháng để đọc các tác phẩm của 5 người này. Cuối cùng, người ta có khoảng một tháng nữa để thảo luận về tài năng, phong cách và cống hiến của từng người, cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác nữa, để vào đầu tháng 10, người ta sẽ bỏ phiếu chọn người mà họ cho là xứng đáng nhất.
Nhìn vào quá trình tuyển chọn như trên, chúng ta thấy ngay một số điều:
Thứ nhất là quy chế: Ban giám khảo chỉ làm việc trên danh sách các tác giả được đề cử. Nhưng ai có quyền đề cử? Có bốn loại. Một, thành viên của các hàn lâm viện hay viện nghiên cứu; hai, các giáo sư văn học và ngôn ngữ học ở các đại học; ba, những người đoạt giải Nobel về văn chương những năm trước; và bốn, chủ tịch của các hội nhà văn hay nghiệp đoàn các tác giả. Trên nguyên tắc, các nhà văn không được tự mình đề cử mình. Nhưng trên thực tế, không hiếm người vận động để người khác đề cử mình. Cuộc chạy đua vào giải Nobel văn chương, do đó, ít nhất ở giai đoạn đầu, đã mang rất nhiều màu sắc chính trị.
Thứ hai là về thời gian: Người ta thực sự chỉ có khoảng vài ba tháng để đọc tác phẩm của những người được đề cử. Các tác giả được đề cử đều là những người thành danh trong văn giới, số lượng tác phẩm của họ không phải ít. Năm tác giả: con số tác phẩm có thể lên đến hàng trăm. Xin lưu ý là phần lớn giải Nobel là dành cho cả sự nghiệp của một người cầm bút nào đó. Trong số trên 100 cây bút đoạt giải Nobel, chỉ có 9 người nhận giải chủ yếu từ một tác phẩm nổi bật nào đó trong sự nghiệp của họ, trong số đó, nổi bật nhất là Mikhail Scholokhov với tác phẩm Sông Đông êm đềm, Ernest Hemingway với Ngư ông và biển cả, v.v... Tuy nhiên, để nhận ra những tác phẩm nổi bật ấy, người ta cũng phải đọc nếu không hết thì cũng hầu hết các tác phẩm còn lại. Đọc, như thế, là rất nhiều. Dù giởi giỏi và cần cù đến mấy, sai sót vẫn là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba là về ngôn ngữ. Tất cả các thành viên trong Ban giám khảo đều thông thạo nhiều ngôn ngữ. Nhưng chắc chắn phần lớn các ngôn ngữ mà họ biết đều là các ngôn ngữ Âu châu. Với hàng trăm ngôn ngữ khác, người ta chỉ có thể đọc được qua các bản dịch. Nhưng như vậy lại nảy ra vấn đề: yếu tố quyết định đầu tiên ở đây không phải nằm ở tài năng của tác giả mà, trước hết, nằm ở khả năng của người dịch. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi đại đa số các tác giả được giải từ trước đến nay đều thuộc các ngôn ngữ châu Âu châu, đứng đầu là tiếng Anh (26 người đoạt giải), tiếng Pháp và tiếng Đức (mỗi thứ tiếng được 13 người), sau đó là các thứ tiếng: Tây Ban Nha (11 người ), Ý (6 người), Thụy Điển (6 người), Nga (5 người), Ba Lan (4 người), Na Uy (3 người) và Đan Mạch (3 người). Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác chỉ được... một lần. Và còn vô số các quốc gia khác không hề được nhắc nhở gì đến cả (trong số đó có Việt Nam!).
Liên quan đến ngôn ngữ là vấn đề thể loại. Nếu với tiểu thuyết, người ta có thể dịch; với thơ, dịch hầu như là điều bất khả. Đọc tiểu thuyết dịch, người ta có thể cảm nhận được rất nhiều cái hay trong nguyên tác. Đọc thơ dịch rất hiếm khi người ta quên đó là thơ dịch. Nhưng biết một bài thơ dịch nào đó là thơ dịch cũng có nghĩa là nhận ra tính chất bất toàn của nó. Hậu quả là, cho đến nay, trong số các cây bút đoạt giải, giới viết tiểu thuyết vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất, kế đó là thơ, sau nữa mới đến kịch.
Thứ tư là về phái tính. Trong số 18 thành viên Viện Hàn Lâm Thụy Điển, chỉ có bốn là nữ. Hậu quả là số tác giả nữ đoạt được giải Nobel rất hiếm hoi. Tổng cộng, trong số 107 người đoạt giải, chỉ có 12 người là phụ nữ. Trong số 12 người này, có một nửa đoạt giải trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Điều chắc chắn là do ảnh hưởng của nữ quyền luận vốn càng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Dĩ nhiên còn nhiều hạn chế khác. Nhưng kể ra như vậy có lẽ cũng đủ. Ít nhất để chứng minh điều này: Giải Nobel văn chương chủ yếu là giải thưởng dành cho các cây bút nam giới người da trắng. Chủ yếu. Thời gian gần đây, dưới ảnh hưởng của nữ quyền luận và hậu thực dân luận, người ta bắt đầu nhìn sang các cây bút nữ cũng như các cây bút ngoài châu Âu châu và châu Mỹ châu. Nhưng dù sao thì cũng chỉ mới là khởi đầu. Và cũng mang rất nhiều hơi hướm chính trị.
Biết vậy, giới cầm bút Việt Nam khỏi cần sốt ruột.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.