Các tổ chức xã hội dân sự của người Việt trong và ngoài nước phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan, quê nhà của công ty Formosa, vừa khởi sự cuộc vận động “Vì Môi Trường Biển Miền Trung”, thúc giục chính phủ Đài Loan điều tra vụ Formosa gây thảm họa môi trường tại Việt Nam.
Cuộc vận động mở màn bằng buổi họp báo hôm 10/8 ngay trước trụ sở chính của tập đoàn Formosa Plastics tại Đài Bắc.
Các tổ chức từ Việt Nam gồm Hội Anh Em Dân Chủ, Hội Bầu Bí Tương Thân, Dân Trí Việt, Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền và đảng Việt Tân từ hải ngoại. Phía Đài Loan có Hội Luật Sư Môi Trường EJA, tổ chức Giám Sát Các Quy Ước, Hội Nhân Quyền Đài Loan, và Văn phòng Pháp lý về Người lao động và Cô dâu Việt tại Đài Loan.
Cuộc vận động diễn ra trong lúc chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 500 triệu đôla bồi thường của Formosa để dàn xếp sự việc trong khi dân Việt vẫn phẫn nộ, yêu cầu khởi tố những quan chức liên quan và đóng cửa vĩnh viễn Formosa, tập toàn công nghệ lớn nhất Đài Loan với rất nhiều tai tiếng vi phạm môi trường trên thế giới.
Cuộc vận động sẽ kéo dài trong bao lâu, tác động đến những ai, và sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào? Tạp chí Thanh Niên VOA mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi với Echo Lin, Tổng thư ký Hội Luật Sư Môi Trường (EJA) tại Đài Loan, một trong những tổ chức tham gia cuộc vận động.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
Your browser doesn’t support HTML5
Trà Mi: Xin bà cho biết những bước sẽ được thực hiện trong cuộc vận động này?
Bà Lin: Chúng tôi yêu cầu tinh thần trách nhiệm và sự minh bạch, minh bạch về bản báo cáo điều tra đã được kết luận hồi cuối tháng Sáu vừa qua để xem thật sự đã xảy ra chuyện gì, hóa chất nào đã được xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. Dù Formosa đã thú nhận nguyên nhân là do chất thải của công ty đổ ra biển, nhưng các chi tiết cụ thể về các loại hóa chất không được tiết lộ thì làm thế nào có thể tính tới chuyện dọn sạch, làm sao biết được sẽ ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người dân về lâu về dài. Chẳng có thông tin nào rõ ràng cụ thể cả, cần phải minh bạch hóa mọi chuyện.
Trà Mi: Ban vận động sẽ làm gì để có được lời giải đáp cho những thắc mắc ấy?
Bà Lin: Chúng tôi hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự của người Việt trong và ngoài nước để mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam phải công bố báo cáo điều tra. Tại Đài Loan, chúng tôi thúc đẩy chính phủ chất vấn tập đoàn Formosa về những gì đã gây ra và hy vọng rằng chính phủ sẽ tiến hành một cuộc điều tra riêng, độc lập, về các hoạt động của Formosa. Bốn, năm năm trước từng xảy ra vi phạm nhân quyền tại một công ty Đài Loan đầu tư ở Campuchia. Qua cuộc vận động của các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan, chính quyền Đài Loan đã yêu cầu công ty đó phải trình báo cáo điều tra. Lần này cũng vậy, chúng tôi yêu cầu Bộ Kinh tế phải buộc Formosa nộp báo cáo điều tra. Chính phủ Thái Anh Văn có thể làm được điều đó nếu có ý chí chính trị.
Trà Mi: Formosa gặp áp lực ở nước ngoài vì hồ sơ gây ô nhiễm môi trường, thế còn ngay ở quê nhà Đài Loan thì sao?
Bà Lin: Tập đoàn Formosa Plastics chưa bao giờ thân thiện với môi trường cả, ngay cả với cộng đồng Đài Loan trong nước. Cộng đồng cư dân lân cận công ty này ở Đài Loan hơn 20 năm nay đã gánh chịu tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước do Formosa gây ra kéo theo những vấn đề sức khỏe của người dân. Điều tích cực là Đài Loan là một nước dân chủ, chúng tôi có những chuyên gia, khoa học gia đứng ra nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu cho dân chúng biết, bất chấp những áp lực từ Formosa. Chúng tôi có những luật sư sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho các khoa học gia phơi bày sự thật. Hiện tại, Hội Luật sư Môi trường chúng tôi có một số luật sư đang tham gia các vụ kiện chống lại Formosa tại Đài Loan để bảo vệ những người dân bị ảnh hưởng.
Trà Mi: Trong thảm họa môi trường miền Trung Việt Nam, tại sao chính người dân Đài Loan, chính các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan như tổ chức của bà lại chống lại một công ty Đài Loan dù hoạt động của Formosa trong vụ này hoàn toàn ở bên ngoài lãnh thổ Đài Loan, không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Đài Loan?
Bà Lin: Bởi vì ô nhiễm là vấn đề xuyên biên giới. Công lý môi trường không chỉ dành cho người dân xứ tôi mà cho tất cả mọi người. Chúng tôi quan tâm vụ này là vì công lý môi trường trong trường hợp này lại bị chính một công ty nước tôi vi phạm.
Trà Mi: Bà có e làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới việc đầu tư và thanh danh của Đài Loan ở nước ngoài chăng?
Bà Lin: Không, cuộc vận động này thật ra đang làm điều ngược lại, nhằm bảo vệ thanh danh và lợi ích quốc gia của Đài Loan. Formosa có hồ sơ vi phạm môi trường rất tai tiếng tại nhiều nơi trên thế giới, từ Đài Loan tới Mỹ, Campuchia, và giờ đây là Việt Nam. Các công ty Đài Loan làm ăn ở nước ngoài mà vi phạm môi trường hay vi phạm nhân quyền chính là đang phá hủy thanh danh của đất nước, gây ấn tượng rất tiêu cực về hình ảnh của Đài Loan trong ánh mắt bạn bè quốc tế. Cho nên người dân Đài Loan chúng tôi vận động để nói lên rằng đã đến lúc phải đảo ngược tình trạng này.
Trà Mi: Đó là thông điệp cuộc vận động này muốn gửi tới chính phủ Đài Loan. Còn với thế giới và với chính phủ Việt Nam, bà muốn nói gì từ chiến dịch vận động này?
Bà Lin: Với chính phủ Việt Nam, chúng tôi muốn nói rằng họ phải quan tâm đến người dân của họ và môi trường dân sinh. Họ phải có trách nhiệm cung cấp một môi trường sống lành mạnh cho người dân. Bất chấp là nhà đầu tư nào tại Việt Nam tuyên bố rằng giúp phát triển kinh tế cho đất nước, khi họ gây ô nhiễm cho môi trường sống của người dân Việt Nam tức là họ đang phá hủy lợi ích của người dân. Nhà nước Việt Nam phải quan sát hoạt động của giới đầu tư và khi xảy ra sự cố như Formosa thì phải công bố minh bạch kết quả điều tra. Dân phải được biết. Chính phủ Việt Nam phải chứng tỏ có trách nhiệm và minh bạch. Còn đối với chính phủ Đài Loan, chúng tôi muốn chính phủ Đài Loan được quốc tế ủng hộ từ những hành xử đúng đắn. Họ phải ngăn các nhà đầu tư Đài Loan vi phạm môi trường hay vi phạm nhân quyền hoặc hướng dẫn các công ty phải tuân thủ các quy chuẩn của quốc tế.
Trà Mi: Người Đài Loan phản đối công ty Đài Loan vi phạm ở nước ngoài, bà muốn chia sẻ thông điệp gì với người dân Việt Nam, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng từ thảm họa của Formosa?
Bà Lin: Bà Lin: Môi trường hay vấn đề ô nhiễm không có biên giới địa lý. Thảm họa môi trường đang ảnh hưởng tới vùng duyên hải Việt Nam, láng giềng của Đài Loan. Hơn thế nữa, thảm họa này lại do một công ty Đài Loan gây ra. Đó là lý do vì sao các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi quan tâm đến việc này. Người Đài Loan chống giới đầu tư Đài Loan vì công ty đầu tư này làm không đúng. Đó là lý do chúng tôi chống, chúng tôi chống hành vi của họ vì hành vi đó gây hại cho người dân Việt Nam và làm tổn hại thanh danh đất nước Đài Loan. Chúng tôi muốn nói với người dân Việt Nam rằng Formosa không đại diện cho người dân Đài Loan, rằng người dân Đài Loan chúng tôi cũng cố gắng bằng mọi cách có thể để bảo vệ môi trường, rằng chúng tôi đoàn kết đứng bên cạnh những nạn nhân Việt Nam để bảo vệ môi trường, theo đuổi công lý môi trường. Nếu người dân Việt cần sự hỗ trợ của chúng tôi, cần chúng tôi tiếp tục áp lực lên Formosa, chúng tôi sẽ làm điều đó, mà thậm chí họ không yêu cầu thì chúng tôi vẫn cảm thấy có trách nhiệm phải làm điều đó.
Trà Mi: Nếu những lời kêu gọi không được hồi đáp, các thành viên cuộc vận động này có tính tới một hành động pháp lý?
Bà Lin: Không giống như Mỹ có đạo luật quy định rằng nếu các nhà đầu tư Mỹ ở nước ngoài vi phạm môi trường thì có thể bị người dân Mỹ đưa ra tòa. Tại Đài Loan chúng tôi không có một đạo luật như thế. Dù chúng tôi không thể kiện Formosa ra tòa trong trường hợp này, nhưng chúng tôi đang nhắm tới việc vận động chỉnh sửa luật lệ để bảo vệ con người tốt hơn, để quy định những hành xử và hành vi thích hợp khi đầu tư trong và ngoài nước. Việc này cần có hành động lập pháp.
Tôi không nghĩ là chính quyền Việt Nam sẽ lắng nghe những yêu cầu chúng tôi đưa ra. Để họ lắng nghe, người dân Việt Nam cần có hành động. Kể từ khi sự cố Formosa xảy ra hồi tháng tư tới nay đã bùng phát nhiều cuộc biểu tình của người dân Việt chống Formosa và điều này một phần nào đã khiến cho chính phủ phải chuyển đổi động thái, không kể tiếp tục bao biện cho Formosa như từ bước đầu. Các cuộc biểu tình, những tiếng nói của người dân, nếu tiếp tục, sẽ đạt thêm động lực để áp lực chính phủ Việt Nam. Cho nên, việc chính phủ có công bố điều tra rõ ràng và giải quyết thấu tình đạt lý thảm họa môi trường do Formosa gây ra hay không hoàn toàn tùy thuộc vào những nỗ lực của chính những người dân Việt Nam.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn Tổng thư ký Echo Lin thuộc Hội Luật Sư Môi Trường Đài Loan đã dành cho Tạp chí Thanh Niên VOA cuộc trao đổi này.