Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” mà họ một lần nữa đưa vào phiên bản mới của bản đồ quốc gia vào đầu năm nay.
Bản đồ này đã gây khó chịu cho các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Philippines và Việt Nam, những quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền ở vùng biển gần bờ biển của họ nhất.
Một tòa án quốc tế đã ra phán quyết từ năm 2016 rằng bản đồ của Trung Quốc không cung cấp cơ sở pháp lý cho yêu sách của Bắc Kinh nhưng Bắc Kinh đã phớt lờ quyết định đó và tiếp tục khẳng định tính hợp pháp của đường chín đoạn.
Theo Viện Lowy có trụ sở tại Sydney, các cường quốc thế giới như Trung Quốc sử dụng các phương tiện mang tính đại diện như bản đồ quốc gia để “biện minh cho chủ nghĩa ngoại lệ của họ”.
Viện nghiên cứu cho biết bản đồ này cho phép Bắc Kinh thể hiện việc “lãnh thổ hoá về đường biển”.
Vùng biển lịch sử
Theo quan điểm của Trung Quốc, yêu sách của nước này đối với Biển Đông có thể đã có từ nhiều thế kỷ trước và được thể hiện trong đường chín đoạn.
Các chuyến hành trình qua Biển Đông có thể bắt đầu từ thế kỷ thứ hai, vào thời nhà Hán, khi các hoàng đế cử các nhà thám hiểm và quan chức chính phủ đi khảo sát các khu vực khác của châu Á.
Đến thời nhà Tống, Trung Quốc nhất mực khẳng định rằng họ đặt tên và nhận chủ quyền lãnh thổ ở các chuỗi đảo mà họ gọi là Nam Sa (Quần đảo Trường Sa) và Tây Sa (Quần đảo Hoàng Sa).
Thương mại cũng đưa các nhà thám hiểm Trung Quốc đi sâu hơn vào vùng biển Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Borneo và bán đảo Mã Lai, hầu hết đều nổi tiếng dưới thời Đô đốc Trịnh Hòa vào thời nhà Minh.
Bắc Kinh khẳng định rằng các ghi chép lịch sử của họ cho thấy các triều đại Trung Quốc hùng mạnh lúc bấy giờ gần như có quyền kiểm soát hoàn toàn vùng biển này trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các nhà thám hiểm phương Tây và sự trỗi dậy của triều Nguyễn ở Việt Nam vào thế kỷ 19 đã thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển Đông Nam Á.
Đường ‘mười một’ đoạn
Thoạt đầu bị thôi thúc bởi việc buôn bán gia vị sinh lợi, người châu Âu bắt đầu khẳng định vị thế của mình ở Đông Nam Á từ thế kỷ 16.
Sau khi người Bồ Đào Nha thành lập thuộc địa ở Malacca trên bán đảo Mã Lai, người Anh, người Hà Lan và người Pháp cũng bắt đầu mở rộng sang khu vực, thiết lập các thuộc địa kéo dài cho đến Thế chiến Thứ hai, và trong một số trường hợp, còn xa hơn nữa.
Nhiều thành phố ở Trung Quốc cũng do Nhật Bản kiểm soát, một quốc gia quân sự hóa lúc bấy giờ cũng nắm quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20.
Đến năm 1942, người Nhật đã đẩy lùi người châu Âu và mở rộng sự thống trị của họ vào đất liền và vùng biển Đông Nam Á, chiếm đóng nhiều nước xung quanh Biển Đông.
Khi Nhật Bản đầu hàng ba năm sau đó, chính phủ Quốc dân đảng lúc bấy giờ của Trung Quốc (được gọi là Trung Hoa Dân Quốc) đã nắm lấy cơ hội để đưa ra yêu sách đối với vùng biển này và xuất bản bản đồ quốc gia của Trung Quốc vào năm 1947, bao gồm cả yêu sách đường 11 đoạn đối với Biển Đông.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc đang trong cuộc nội chiến với đảng cộng sản vốn đang phát triển nhanh chóng, nhưng các chuyên gia địa chất đã bắt đầu lập danh mục những gì chính phủ Quốc Dân Đảng coi là kho báu hàng hải của Trung Quốc.
Hai đoạn gạch thêm trên bản đồ bao gồm Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Khi những người cộng sản giành chiến thắng trong cuộc nội chiến, Bắc Kinh đã sửa lại bản đồ quốc gia, dường như từ bỏ yêu sách về vịnh (và hai đường đánh dấu vùng biển) do có chung “tình đồng chí” với Bắc Việt, cũng là cộng sản.
Đài Loan, nơi chính phủ dân tộc chủ nghĩa thành lập chính quyền sau thất bại trước phe cộng sản, đã từ bỏ yêu sách đối với vùng biển lịch sử này vào năm 2005.
Xung đột hiện đại
Đường lưỡi bò hình chữ U trên bản đồ quốc gia Trung Quốc đã vươn sâu vào Biển Đông; một sự thể hiện trực quan về quyền được tuyên bố của Trung Quốc đối với các vùng biển cách bờ biển Trung Quốc đôi khi hàng trăm km.
Các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền một phần biển và bác bỏ đường chín đoạn cho rằng yêu sách của Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của họ theo quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo luật đó, mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển của mình và có quyền chủ quyền.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ lâu đã cố gắng hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng về các yêu sách trên biển, nhưng hiệp hội này đã đạt được rất ít tiến bộ kể từ năm 2002 khi một bộ quy tắc sơ bộ được thống nhất.
Trong 20 năm kể từ đó, Trung Quốc đã củng cố bản đồ bằng những dấu hiệu cụ thể hơn về yêu sách của mình – xây dựng trên các bãi đá và đảo nhỏ và mở rộng các cơ sở quân sự trên các tiền đồn nhân tạo này. Họ cũng ủng hộ các tuyên bố của mình bằng các tàu tuần duyên, dân quân hàng hải và đội tàu đánh cá.
Biển Đông có gì hấp dẫn đến vậy?
Vào cuối những năm 1970, Biển Đông đã trở thành một trong những tuyến đường thương mại nổi bật nhất thế giới và các quốc gia Đông Nam Á phát hiện các mỏ dầu khí có tiềm năng sinh lời.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, “ước tính khoảng 11 tỷ thùng dầu chưa được khai thác và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên của vùng biển này – đã gây ra sự kèn cựa giữa các bên tranh chấp là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam”.
UNCLOS được đồng ý vào năm 1982 và được ký kết không chỉ bởi các quốc gia ven Biển Đông mà còn cả Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù đã ký luật nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình.
Ví dụ, trong phần ghi chú lưu trữ cuối cùng của Liên hiệp quốc: “Vào ngày 12 tháng 6 năm 1985, Tổng thư ký nhận được từ Chính phủ Trung Quốc thông báo sau: ‘Cái gọi là Quần đảo Kalayaan là một phần của Quần đảo Nam Sa [Trường Sa], luôn luôn là lãnh thổ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Quần đảo Nam Sa cũng như các vùng biển và tài nguyên lân cận’.”
Thường thì Trung Quốc làm nhiều việc hơn là chỉ gửi công hàm ngoại giao.
“Trong những năm 1970 và 1980, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát phần lớn Quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông và Đá Gạc Ma ở Quần đảo Trường Sa ở góc phần tư phía đông nam của Biển Đông, cả hai đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,” Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ viết.
Tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác vẫn tiếp tục kể từ đó, với nhiều cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Năm 2012, Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng liên quan đến các tàu bán quân sự.
Vào tháng 10, cả hai lại đối đầu nhau về vấn đề rạn san hô – với việc Philippines gỡ bỏ một chuỗi phao của Trung Quốc ngăn cản ngư dân của Philippines.
Ngay cả trước sự cố hôm 22/10, đã có nhiều cuộc chạm trán giữa Bắc Kinh và Manila ngoài khơi Bãi Cỏ Mây, nơi Philippines đã neo đậu chiếc Sierra Madre vào năm 1999 và nằm cách đảo Hải Nam, vùng đất lớn gần nhất của Trung Quốc hơn 1.000 km.
Vào tháng 8 năm nay, Philippines cáo buộc Trung Quốc có “hành động nguy hiểm” sau khi lực lượng tuần duyên của nước này phun vòi rồng vào các tàu Philippines đang cố gắng tiếp tế cho những người lính đóng trên tàu Sierra Madre. Đầu năm nay, họ cáo buộc Trung Quốc chiếu “tia laser cấp quân sự” vào các tàu.
Trung Quốc tuyên bố rằng việc cải tạo đất của họ trên các bãi đá và rạn san hô ở vùng biển này tạo ra các quyền lợi hàng hải.
UNCLOS nói rằng mặc dù các quốc gia được phép xây dựng đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng những đảo nhân tạo này “không có quy chế về đảo. Không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của các đảo nhân tạo không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”.
Phán quyết trọng tài
Sau cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough, Philippines bắt đầu tiến hành tố tụng trọng tài chống lại Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague.
Tòa án ra phán quyết có lợi cho Philippines, kết luận rằng UNCLOS “thay thế mọi quyền lịch sử hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn được áp đặt trong đó”.
Nói cách khác, đường chín đoạn không cung cấp cơ sở cho các yêu sách mở rộng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, phán quyết này hầu như không có tác dụng gì trong việc kiềm chế Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp tục xây dựng đảo và triển khai lực lượng tuần duyên, tàu đánh cá và dân quân biển ở vùng biển tranh chấp.
Sau tranh cãi mới nhất về hàng rào phao ở bãi cạn Scarborough, không có dấu hiệu lùi bước nào ở Bắc Kinh.
Sau khi gọi bãi cạn này bằng tên tiếng Trung – đảo Hoàng Nham –phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân đưa ra cảnh báo: “Chúng tôi khuyên Philippines không nên khiêu khích hay gây rắc rối”.
Với sự quyết đoán ngày càng tăng và thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, khó có thể thấy nước này sớm từ bỏ đường chín đoạn.
Con tàu rỉ sét thời Thế chiến Thứ hai, chiếc BRP Sierra Madre của Philippines hiện neo đậu tại Bãi Cỏ Mây, được xem là một điểm nóng hiện nay tại Biển Đông.
Trong hơn hai thập niên, chiếc BRP Sierra Madre, đã cố tình neo đậu ở vùng nước nông, xa xôi của Biển Đông đang tranh chấp khốc liệt, mang theo cờ Philippines và đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc.
Sierra Madre, nằm trên Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, kể từ năm 1999, thực sự là một con tàu đắm. Rỉ sét đã tàn phá các mặt tàu và các lỗ thủng hằn trên lớp vỏ con tàu. Các chuyên gia quốc phòng đặt câu hỏi rằng nó có thể tồn tại bao lâu – và Philippines phải đối mặt với một quyết định khó khăn về những việc cần làm tiếp theo. Mỹ cũng vậy, nước có hiệp ước phòng thủ chung với Manila và coi Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, có tầm quan trọng chiến lược.
Những nỗ lực của Philippines trong việc cung cấp hàng tiếp tế cho một số thuỷ quân lục chiến đóng trên con tàu rỉ sét này đã nhiều lần bị Trung Quốc ngăn chặn và yêu cầu phải rời tàu. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang chờ đợi con tàu vỡ vụn, khiến bãi cạn không có người ở. Hôm 29/10, các tàu của Philippines và Trung Quốc đã va chạm hai lần khi Manila cố gắng thực hiện nhiệm vụ tiếp tế, vụ mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu căng thẳng trên biển.
Việc bỏ tàu sẽ đánh dấu một bước rút lui khó khăn đối với Philippines. Ông Jaime Naval, trợ lý giáo sư tại Đại học Philippines, cho biết Sierra Madre là “biểu tượng cho thấy chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta trải dài đến mức nào”.
Việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thậm chí để sửa chữa một phần Sierra Madre, rất phức tạp về mặt hậu cần – dù bằng đường hàng không hay đường thủy.
Ông Raymond Powell, giáo sư tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, nói: “Việc đưa một thứ gì đó qua đường biển mà không bị cản trở là điều gần như không thể trừ khi bạn làm điều gì đó khó có thể quan sát được nhưng không có thứ gì trong kho của Philippines có tốc độ hoặc khả năng tàng hình để vượt qua tất cả những điều đó”.
Bãi Cỏ Mây chỉ có một lối vào rất hẹp, có thể dễ dàng bị chặn và các tàu Trung Quốc có thể nhanh chóng được triển khai từ Đá Vành Khăn gần đó, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1995.
Ông nói thêm: “Đá Vành khăn về mặt nào đó thực sự là vũ khí hoàn hảo để phong tỏa”.
Chính việc Trung Quốc chiếm giữ Đá Vành Khăn vào năm 1995 đã khiến Manila cho mắc cạn tàu Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Cả hai địa điểm đều cách bờ biển đảo Palawan của Philippines chưa đầy 200 hải lý và do đó là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Philippines - nghĩa là Philippines có quyền khai thác tài nguyên và xây dựng trong khu vực.
Sau những vụ va chạm gần đây mà Philippines đổ lỗi cho hành vi “nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” của Trung Quốc khi chặn tàu của họ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã ngăn chặn “một cách hợp pháp” nỗ lực của Philippines trong việc gửi vật liệu xây dựng” tới con tàu mà Trung Quốc nói là Philippines đã cho mắc cạn bất hợp pháp.
Các vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines tuần trước chỉ là vụ đối đầu mới nhất trong một nhiệm vụ tiếp tế. Vào tháng 8, các tàu tuần duyên Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng chống lại một tàu tiếp tế tương tự của Philippines. Vào tháng 2, Manila cáo buộc Trung Quốc chiếu tia laser cấp quân sự vào một tàu Philippines.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng các cuộc đối đầu đang trở nên căng thẳng và thường xuyên hơn, đồng thời ngày càng có nguy cơ tính toán sai lầm trong một cuộc tranh chấp kéo dài và tế nhị.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiệp ước phòng thủ chung giữa Manila và Washington mở rộng tới các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào lực lượng vũ trang, tàu công cộng và máy bay của Philippines - bao gồm cả lực lượng Tuần duyên của nước này - ở bất cứ đâu trên Biển Đông. Nếu tình hình leo thang, điều này có thể khiến Mỹ rơi vào tình thế đối đầu với Bắc Kinh.
Căng thẳng đã tăng lên đến mức chưa từng thấy kể từ năm 2014, khi Philippines thả thực phẩm và nước uống xuống Bãi Cỏ Mây để vượt qua lệnh phong tỏa do Trung Quốc áp đặt, ông Harrison Prétat, phó giám đốc và cộng tác viên của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington nói.
Một số người đặt câu hỏi liệu thả dù có thể được sử dụng lại để cung cấp vật tư hay không, nhưng các nhà phân tích cho rằng đó không phải là một lựa chọn bền vững. Viện nghiên cứu Stratbase ADR có trụ sở tại Manila trong tuần này đã kêu gọi Manila xem xét các cuộc tuần tra chung với Mỹ và các đối tác khác. Chủ tịch Dindo Manhit nói: “Chỉ khi hợp tác cùng nhau, Philippines mới có thể khẳng định thành công quyền của mình”.
Ông Prétat cho biết, các cuộc tuần tra chung cũng sẽ đặt ra những câu hỏi khó.
Hiện cũng chưa rõ cuộc tuần tra chung sẽ như thế nào trên thực tế và điều này có thể khiến căng thẳng gia tăng thêm.
Ông Naval cho biết, các cuộc tuần tra với các quốc gia đối tác khác ngoài Mỹ có thể giúp giải quyết câu chuyện của Bắc Kinh rằng Washington đang sử dụng Philippines để khuấy động rắc rối trong khu vực. “Người Trung Quốc đang cố gắng đơn giản hóa câu chuyện [cho rằng] đây chỉ là trận chiến giữa hai con voi lớn. Thật sự là không phải vậy.”
Dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Philippines đã khôi phục liên minh với Mỹ, vốn đã trở nên tồi tệ dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, nhưng nước này cũng đã tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Australia.
Tuần trước, Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines, cho biết Manila đã bắt đầu sửa chữa sơ bộ trên con tàu.
Ông nói, thật buồn khi thấy tình trạng điều kiện sống nơi một đội quân nhỏ đang ở. Brawner nói: “Chúng tôi đang cố gắng cải thiện điều đó bằng cách đảm bảo rằng ít nhất họ có chỗ ngủ đàng hoàng, phòng ăn đàng hoàng và internet”.
Trước đây, ông Naval đã phỏng vấn những người lính được điều động lên tàu. “Nói một cách đơn giản, nó khiến bạn phát điên,” ông nói.
Ông nói thêm, những người lính ở trong những khu nhỏ, “mắt đối mắt với mọi người” trong nhiều tháng. Bão rất dữ dội và chẳng có chút thoải mái nào ngoài việc chiếc TV chạy bằng pin phát đi phát lại những bộ phim giống nhau.
Ông Powell cho biết, với tình trạng đổ nát của Sierra Madre, không rõ nó có thể được trục vớt ở mức độ nào. Ông nói thêm rằng việc bỏ rơi con tàu và gây bất ngờ cho Bắc Kinh bằng cách cho một tàu khác mắc cạn ở bãi cạn gần đó có thể là một lựa chọn thay thế. Ông cho biết thêm, quân đội có thể được chuyển đến một con tàu mới tại một đảo san hô gần bờ biển Palawan, chẳng hạn như Bãi cạn Sabina.
Ông nói: “Đó có thể là một thất bại, nhưng đồng thời cũng là một chiến thắng vì họ sẽ bắt đầu lại từ đầu,” ông nói và cho biết thêm rằng các vật liệu để bảo trì lâu dài có thể được đưa lên tàu.
Ông Prétat cho biết, nếu đảo san hô không có người ở, không rõ liệu Trung Quốc có tìm cách xây dựng trên đó hay không, vì Đá Vành Khăn cách đó khoảng 30 km.
Không ai biết Sierra Madre đã tồn tại được bao lâu trước khi bị thời tiết khắc nghiệt phá huỷ, nhưng ông Powell nói rằng có những lo ngại rằng sự sụp đổ của nó có thể xảy ra trong vòng vài tháng chứ không phải vài năm tới. “Chúng ta phải sẵn sàng cho ý tưởng rằng nó có thể bắt đầu vào ngày mai.”
(Nguồn Al Jazeera/The Guardian)