Đường dẫn truy cập

Quan hệ Mỹ-Việt nâng cấp ảnh hưởng gì đến Biển Đông?


Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Mỹ sẽ lên tiếng ủng hộ Việt Nam trước sự o ép của Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Hà Nội không lợi dụng điều này để thách thức Trung Quốc trong khi Bắc Kinh cũng sẽ không chùn bước trong các hành động trên Biển Đông, các nhà phân tích nói với VOA.

Tuyên bố chung giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 10/9 về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt có vài dòng đề cập đến Biển Đông, trong đó khẳng định lập trường của hai nước là tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật quốc tế.

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, mà họ gọi là ‘chủ quyền lịch sử’, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và yêu sách này đã bị Tòa thường trực Quốc tế (PCA) bác bỏ hồi năm 2016 vì ‘không có cơ sở pháp lý’.

“Hai nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ nhất quán việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông,” tuyên bố chung nêu.

Gần đây Bắc Kinh đã có những hành động quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trên Biển Đông nhưng hành động của Bắc Kinh cản trở hải quân Philippines tiếp tế cho tàu chiến của họ mắc cạn trên bãi Cỏ Mây đã bị Washington lên án.

Mỹ sẽ ủng hộ gì?

Ông Bill Hayton, chuyên viên của Viện Nghiên cứu Chatham House ở London, Anh, người theo dõi tình hình Biển Đông trong nhiều năm, nói với VOA rằng ‘khó có khả năng Bắc Kinh thay đổi cách hành xử của họ trên Biển Đông’.

“Lý do thứ nhất là Bắc Kinh cho rằng họ nắm lẽ phải. Giới chức Bắc Kinh tin vào những lời tuyên truyền của họ về chủ quyền trên Biển Đông và điều này khiến họ hành xử như là chân lý là của họ,” ông giải thích.

“Thứ hai là Bắc Kinh không tin rằng Việt Nam sẽ thật sự có hành động gì đó để thách thức họ. Trung Quốc có sức mạnh kinh tế và quân sự để làm những gì họ muốn và họ biết rằng Việt Nam sẽ không liên minh với Mỹ để chống lại họ,” ông nói thêm.

Trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ được xác định là ‘vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững’ và không hề nhắc đến Trung Quốc trong tuyên bố chung.

Dựa trên những cam kết của Mỹ đối với Việt Nam như ‘tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’ và ‘ủng hộ Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng, độc lập và tự cường’, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải, vốn giảng dạy về chính trị và quan hệ quốc tế ở Đại học VinUni ở Hà Nội, cho rằng Washington ‘sẽ có tiếng nói trong việc bảo vệ Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ có những hỗ trợ cụ thể’.

Trong khuôn khổ quan hệ mới này, ông Hải dự đoán hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước ‘sẽ đi vào chiều sâu hơn’, từ mua sắm vũ khí, hợp tác công nghiệp quốc phòng, đến chia sẻ thông tin tình báo. Tuy nhiên, ông cho rằng việc hợp tác này ‘trên hết và trước hết là phục vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam’ trên Biển Đông chứ không phải là nhằm vào Trung Quốc.

Chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước, Reuters mới đây đưa tin, trong đó có thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam.

Tiến sỹ Hải lưu ý chính sách ngoại giao của Hà Nội ngoài ‘bốn không’ còn có ‘một tùy’, tức là ‘tùy theo diễn biễn của tình hình và trong điều kiện cụ thể để tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm bảo vệ lợi ích của mình’.

“Việt Nam sẽ luôn hoan nghênh sự hiện diện cũng như những đóng góp của Mỹ vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển này,” ông nói với VOA.

Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Zachary Abuza, chuyên gia về chính trị Việt Nam tại Trường Chiến tranh Quốc gia ở thủ đô Washington D.C., nhận định rằng Bắc Kinh nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nhường nhịn họ trên Biển Đông bất chấp quan hệ mới với Mỹ.

“Bắc Kinh có đủ cách gây sức ép với Việt Nam nếu họ nghĩ rằng giới lãnh đạo Việt Nam hành xử có hại cho lợi ích của họ,” ông Abuza nói và chỉ ra cách hành động mà Bắc Kinh có thể làm như đơn phương cấm đánh bắt, khảo sát địa chất, thăm dò dầu khí, sử dụng lực lượng dân quân biển, chặn Việt Nam đặt cáp quang ở đáy biển, đóng cửa khẩu đối với hàng hóa Việt Nam…

Trong bối cảnh đó, Mỹ vẫn sẽ tiếp làm những gì mà họ vẫn đang làm lâu nay là tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông (FONOP) để thách thức yêu sách chủ quyền quá mức của Trung Quốc cũng như của các nước tranh chấp khác và Việt Nam cũng sẽ tiếp tục củng cố các thực thể mà họ đang nắm giữ, cũng theo Giáo sư Abuza.

“Nhưng sẽ không có tập trận chung, tuần tra chung,” ông dự đoán và giải thích rằng ưu tiên cao nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam là ‘bảo vệ đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa’.

Cũng như ông Nguyễn Hồng Hải, ông Abuza chỉ một lĩnh vực mà Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ trên Biển Đông là ‘mua vũ khí’ để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí ngoài Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng Hà Nội vẫn sẽ không ngưng mua vũ khí từ Nga, nhất là tàu chiến và máy bay chiến đấu.

“Mỹ sẽ bắt đầu bán vũ khí cho Việt Nam, nhưng hiện nay chủ yếu là cho lực lượng cảnh sát biển,” ông nhận định.

Trả lời phỏng vấn của VOA bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Washington D.C. hôm 19/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói rằng trong khuôn khổ mối quan hệ mới, Mỹ sẽ đảm bảo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ‘có đầy đủ phương tiện để bảo vệ lợi ích của họ trên biển, cho dù đó là lợi ích tài nguyên thiên nhiên hay lợi ích trong vùng đặc quyền kinh tế’.

Đại sứ Knapper chỉ rằng hội chợ quốc phòng Hà Nội hồi cuối năm ngoài đã có một số công ty Mỹ tham dự. “Chúng tôi trông đợi có cơ hội trong tương lai cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ làm việc với chính quyền Việt Nam để giúp họ đa dạng hóa nguồn cung và hiện đại hóa quân đội.”

“Tôi cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc đảm bảo Biển Đông vẫn tự do và mở, cho dù đó là tự do hàng hải, tự do giao thương, tự do bay, và cũng để đảm bảo rằng không một quốc gia nào có thể tùy ý đơn phương thay đổi hiện trạng, rằng luật pháp quốc tế phải được tôn trọng, nhất là Công ước Quốc tế về Luật Biển để bất cứ nước nào cũng không bị o ép và có thể đưa ra những quyết định phù hợp với lợi ích quốc gia của họ,” ông Knapper nói với VOA.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi Việt Nam sẽ có những hợp tác gì với Mỹ trên Biển Đông trong khuôn khổ mối quan hệ mới nhưng không nhận được phản hồi.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG