Chỉ vài giờ sau khi danh sách tân nội các Thổ Nhĩ Kỳ được loan báo hôm 25/5, một vụ tranh chấp lớn về vấn đề visa đã bùng ra giữa Ankara với Liên hiệp Châu Âu, đe dọa tới một trong những thành quả chính về ngoại giao của cựu Thủ tướng Ahmed Davutoglu. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Brussels áp dụng tiêu chuẩn đôi và cảnh báo rằng ông sẵn sàng ngưng thực thi một thoả thuận chính với Liên hiệp Châu Âu về việc nhận lại người di dân.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết nhận lại tất cả những di dân nhập cảnh bất hợp pháp vào Hy Lạp, để đổi lấy hàng tỉ euro viện trợ và công dân của họ được phép du hành miễn thị thực tại phần lớn các nước Châu Âu. Thoả thuận này được điều đình bởi cựu Thủ tướng Ahmed Davutoglu, người bị Tổng thống Erdogan cách chức hồi gần đây.
Ông Atilla Yesilada, một nhà phân tích chính trị của công ty tư vấn Global Source Partners, cho biết vụ tranh chấp với Brussels làm nổi bật những quyền hạn mới của ông Erdogan.
Ông Yesilada nói: "Toàn bộ mục tiêu của việc loại trừ ông Davutoglu và bổ nhiệm một vị thủ tướng mới là tất cả các chính sách sẽ được làm ra tại dinh thự của ông Erdogan. Tôi nghĩ rằng ngay cả ông bộ trưởng ngoại giao cũng không thể nói cho quí vị biết chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Liên hiệp Châu Âu là gì hoặc sẽ như thế nào. Ông ấy sẽ phải tham khảo ý kiến của ông Erdogan hoặc của những người cố vấn cho ông Erdogan."
Vụ tranh chấp mới nhất xoay quanh đòi hỏi của Liên hiệp Châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ phải thu hẹp định nghĩa về khủng bố trong bộ luật chống khủng bố của mình, như một trong 72 tiêu chí mà Ankara phải thỏa mãn để được hưởng quyền du hành miễn thị thực.
Ông Erdogan không hề che đậy sự ngờ vực của ông đối với Liên hiệp Châu Âu. Các nhà quan sát nói rằng thái độ đó làm hài lòng những người Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, những người mà ông Erdogan muốn chiêu dụ trước cuộc trưng cầu dân ý mà nếu được chấp thuận sẽ làm gia tăng quyền hạn của tổng thống.
Ông Sinan Ulgen, một học giả của Viện Carnegie, nói thoả thuận về di dân với Liên hiệp Châu Âu có thể bị đổ vỡ.
Ông Ulgen cho biết: "Vị tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rõ là ông không hề có ý định sửa đổi luật lệ chống khủng bố vào một thời điểm nước ông đối mặt với mối đe dọa cấp bách của chủ nghĩa khủng bố. Do đó, chúng ta đang có một sự bế tắc. Nếu không nên nào nhượng bộ, thì không rõ làm thế nào mà thoả thuận này sẽ được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Cho nên, vào lúc này thoả thuận di dân thật sự gặp rủi ro."
Từ khi thoả thuận được ký kết tới nay, số người di dân đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống chỉ còn năm, ba người mỗi ngày, thay vì hàng ngàn người mỗi ngày như trước.
Nhà bình luận chính trị Kadri Gursel của nhật báo Cumhuriyet cảnh báo rằng thoả thuận di dân có thể là sợi dây duy nhất giữ cho quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên hiệp Châu Âu không bị đổ vỡ.
Ông Gursel nói: "Trong cái nhìn của dư luận phương Tây, ông Erdogan đã trở thành một nhân vật có thể so sánh với bất kỳ một nhà độc tài nào ở Trung Đông. Cho nên quan hệ đôi bên rất dễ bị tan vỡ, với việc Thổ Nhĩ Kỳ nằm dưới sự cai trị của một nhà lãnh đạo như vậy. Tuy nhiên, sự chia tay với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực khó lường cho an ninh và ổn định của Châu Âu, nhất là trong vùng Balkan. Và đây là một vấn đề vô cùng nan giải."
Ankara đã đầu tư nhiều triệu đô la vào vùng Balkan để chiêu dụ những người Hồi giáo thuộc khối thiểu số. Những chương trình do nhà nước bảo trợ là một phần của kế hoạch của ông Erdogan để bành trướng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi những nước đồng minh truyền thống.
Đó là một việc đã được nêu lên bởi ông Omer Celik, một đồng minh thân cận của ông Erdogan, vừa được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Liên hiệp Châu Âu Sự vụ. Hôm 25/5, ông Celik cảnh báo rằng Liên hiệp Châu Âu không phải là lựa chọn duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.