Việc nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh cho công chúng tránh xa một hố đại dương hiếm có ở quần đảo Hoàng Sa là chỉ dấu cho thấy một nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm thắt chặt kiểm soát ở vùng biển có tranh chấp với Việt Nam và được Mỹ để mắt theo dõi.
Thành phố Tam Sa của Trung Quốc trong tháng này đã đăng một chỉ thị trên website của mình nói rằng hoạt động du lịch, đánh cá và những nhóm nghiên cứu không được cấp phép phải tránh xa hố xanh khổng lồ sâu 301 mét ở một hòn đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông đang có tranh chấp. Trung Quốc dự kiến sẽ bảo vệ hố xanh hiếm có này trong hệ sinh thái, là hố sâu nhất thuộc loại này trên thế giới, thay vì phát triển nó.
Việc bảo vệ hố này có thể giúp ngăn những chỉ trích của nước ngoài nhắm vào sự bành trướng lãnh hải của Trung Quốc, chẳng hạn như công tác bồi đắp cải tạo.
Ông Dương Niệm Tổ, tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp Trung Hoa ở Đài Loan cho biết lệnh này cũng cho những chính phủ khác biết rằng Trung Quốc đang củng cố những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của mình với thêm những hoạt động bồi đắp và tàu cảnh sát biển.
Ông nói:
"Tôi không cho rằng việc bảo vệ môi trường là ưu tiên cho mối quan tâm của Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chủ quyền chắc chắn là vấn đề hàng đầu cho lợi ích của Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng lệnh tránh xa hố xanh vì lợi ích của Trung Quốc liên quan rất nhiều đến vấn đề chủ quyền."
Hố xanh khổng lồ này rộng 130 mét ở phần miệng và 36 mét ở phần đáy. Video của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc chiếu cảnh hố này cho thấy một thợ lặn bơi bên cạnh những vách đá thẳng đứng dưới nước bên trên đáy biển với những rạn san hô và những bầy cá nhiệt đới nhỏ.
Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với 95% diện tích 3,5 triệu vuông kilômét vuông đại dương giàu tài nguyên đã bị chỉ trích vì nước này bồi đắp khoảng 1.300 hecta diện tích những đảo nhỏ, bao gồm Quần đảo Hoàng Sa. Hố xanh này nằm ở đảo Vĩnh Lạc thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu chuyên về những vấn đề quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, gọi việc bảo vệ hố xanh này là "một cơ hội để phô trương."
Ông nói:
"Họ gây nên sự hủy hoại ở những nơi khác ở Biển Nam Trung Hoa [tức Biển Đông] với việc bồi đắp cát trên những đảo và những bãi đá, và số lượng những loài cá sống trong những rạn san hô trong vùng Biển Nam Trung Hoa đã giảm mạnh do hoạt động của con người của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc cần tiến hành một kế hoạch ngoại giao công chúng."
Chỉ thị của thành phố có mục tiêu là "bảo vệ" hố xanh và một hệ sinh thái rạn san hô gần đó, theo tờ Nhân Dân Nhật Báo chính thức của Bắc Kinh. Những hố xanh được đặt tên theo màu nước và những nhà nghiên cứu rất muốn nghiên cứu chúng.
Công tác bảo vệ môi trường độc quyền giúp củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Quần đảo Hoàng Sa, theo bà Tôn Vân, nhà nghiên cứu cao cấp với Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu ở Mỹ.
Bà cho biết:
"Từ quan điểm của Trung Quốc, đó là một cách để cho những quốc gia khác và cho thế giới thấy rằng nó thực sự là của họ, không phải vì Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực từ Việt Nam mà còn vì họ đang quản lý nó."
Bắc Kinh đã bắt đầu mở rộng chủ quyền ra Quần đảo Hoàng Sa kể từ năm 1956 khi họ bành trướng ra vùng biển lớn hơn để nắm giữ quyền kiểm soát đối với hải sản, dầu khí, và lãnh hải.
Năm đó, Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong số 130 đảo nhỏ trong quần đảo này. Nhà chức trách Trung Quốc đã cho phép du lịch ở một số nơi thuộc Quần đảo Hoàng Sa. Họ đã bị cáo buộc để một số du khách đánh bắt trộm những loài nguy cấp. Một số bản tin cho biết Trung Quốc đã điều phi đạn đất đối không đến đảo Phú Lâm.
Tòa án trọng tài quốc tế hồi tháng 7 đã phán quyết bác bỏ cơ sở lịch sử mà Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn vùng biển này.
Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines có có tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ Biển Đông. Các nước này lo sợ rằng Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển này bất chấp phán quyết vào tháng 7.