Trung Quốc, Nga bỏ phiếu chống nghị quyết LHQ về Bắc Triều Tiên

  • Margaret Besheer

Đại sứ Nhật tại LHQ Motohide Yoshikawa phát biểu trong phiên họp biểu quyết để đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Trong một hành động trước đây chưa từng có, ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết để đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Với một đa số áp đảo, các nước đã bỏ phiếu để buộc chế độ Bắc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về những hành vi chà đạp nhân quyền.

Dưới sự bảo trợ của Nhật Bản và Liên hiệp Châu Âu, nghị quyết này được soạn thảo dựa trên những kết luận của một Báo cáo viên Đặc biệt do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ định và một bản phúc trình của Ủy ban Điều tra. Phúc trình bao gồm lời khai của hơn 80 nạn nhân và nhân chứng và ghi rõ những chi tiết của những hành vi vi phạm nhân quyền có hệ thống và trên diện rộng, bao gồm tra tấn, bắt người bừa bãi, thủ tiêu, xử tử và đối xử vô nhân đạo.

Đại sứ Mỹ Elizabeth Cousens nói với ủy ban của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Với nghị quyết này…cộng đồng quốc tế phải gởi tới chế độ Bắc Triều Tiên một thông điệp rõ ràng là những vụ vi phạm nhân quyền phải chấm dứt và những ai có trách nhiệm nhiều nhất sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm.

Trước cuộc biểu quyết hôm thứ ba, Bắc Triều Tiên nói rằng họ có thể để cho Báo cáo viên Đặc biệt đến thăm nước họ, trong lúc họ ra sức vận động để loại khỏi bản sơ thảo nghị quyết một đoạn văn liên quan tới việc đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Sau khi cố gắng của Bình Nhưỡng không đạt mục tiêu, Cuba đã bảo trợ cho một đề nghị tu chính để loại bỏ đoạn văn đó, nhưng đề nghị của Havana đã bị đánh bại trong một cuộc biểu quyết.

Ông Choe Myong Nam, Phó Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, nói với ủy ban rằng bản sơ thảo nghị quyết là sản phẩm của sự đối đầu chính trị và quân sự và những âm mưu chống lại chính phủ ông. Ông nói rằng phúc trình của Ủy ban Điều tra đầy dẫy “những lời khai ngụy tạo” của một số những phần tử tội phạm bỏ trốn ra khỏi nước và toàn là “những cáo giác vô căn cứ.” Ông Choe tố cáo Hoa Kỳ và các nước đồng minh đứng đàng sau một chiến dịch chống Bình Nhưỡng. Ông cũng đe dọa thực hiện thêm những vụ thử nghiệm hạt nhân bị quốc tế cấm chỉ.

"Chiến dịch nhân quyền vô lý và ngược ngạo do Hoa Kỳ và đồng bọn thực hiện trong khuôn khổ của những mưu toan nhằm tiêu diệt hệ thống xã hội và nhà nước của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ buộc chúng tôi không kiềm chế thêm nữa trong việc tiến hành những vụ thử nghiệm hạt nhân."

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có thể bị truy tố về các tội ác chống nhân loại.

Đây là lần thứ 10 hồ sơ nhân quyền Bắc Triều Tiên được mang ra bàn thảo tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

111 nước ủng hộ cho việc xúc tiến những hành động chống Bình Nhưỡng. Trong khi đó, có 55 nước bỏ phiếu trắng, gần phân nửa trong số này là những nước ở Phi Châu không hoàn toàn ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế.

Sự cô lập của Bình Nhưỡng đã hiện rõ trong cuộc biểu quyết vì chỉ có 19 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết, chủ yếu là những nước có hồ sơ nhân quyền tệ hại hoặc bị ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ trích. Trong các nước này có Iran, Syria, Cuba, Venezuela, Zimbabwe và Belarus.

Trung Quốc và Nga, hai hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết, và theo dự liệu, họ sẽ dùng quyền phủ quyết tại hội đồng gồm 15 thành viên để chống lại việc đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ông Philippe Bolopion, giám đốc bộ phận Liên Hiệp Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói với đài VOA rằng làm ngơ trước những vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Triều Tiên là một thái độ rất thiển cận. Ông nói thêm như sau.

"Chúng tôi hy vọng Nga và Trung Quốc sẽ nghe thấy tiếng nói rất đồng nhất của cộng đồng quốc tế và để cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế."

Ông Bolopion nói rằng cuộc biểu quyết hôm thứ ba là một diễn tiến có tính chất lịch sử và là một thắng lợi vô cùng to lớn cho những nạn nhân của chế độ Cộng Sản ở Bắc Triều Tiên. Trong những tuần lễ tới đây, bản sơ thảo nghị quyết sẽ được nộp cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để được chấp nhận một cách chính thức.