Trung Quốc nói TikTok không là mối đe dọa an ninh: Sai rõ ràng

Biểu tượng TikTok được trưng bày bên ngoài văn phòng của công ty tại Culver City, California, ngày 16/3/2023.

Vào ngày 13 tháng 3, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua áp đảo luật lưỡng đảng cho ByteDance, công ty Trung Quốc mẹ của TikTok, sáu tháng để bán ứng dụng TikTok cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc. Không tuân thủ sẽ dẫn đến việc TikTok bị cấm trên cửa hàng ứng dụng và các dịch vụ web-hosting lưu trữ dữ liệu website trên máy chủ ở Hoa Kỳ.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói ByteDance có thể đang sử dụng ứng dụng TikTok để thu thập dữ liệu về người Mỹ và chuyển cho chính phủ Trung Quốc. Các thuật toán của TikTok cũng có khả năng làm ảnh hưởng công luận ở Mỹ, nơi nền tảng này có khoảng 150 triệu người dùng.

ByteDance, công ty đã chi khoảng 21,3 triệu đô la cho hoạt động vận động hành lang nhằm cố gắng tác động đến việc ra quyết định của Washington, phủ nhận mọi mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và có thể sẽ kiện dự luật này ra tòa, cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (quyền tự do ngôn luận). Tờ Wall Street Journal đưa tin “số phận của dự luật tại Thượng viện là chưa chắc chắn” vì có cả những người ủng hộ và phản đối bày tỏ lo ngại lệnh cấm có thể được coi là một hành động kiểm duyệt.

Đồng tác giả dự luật Mike Gallagher, một đảng viên Cộng hòa đại diện cho bang Wisconsin, nói: “Dự luật này không phải về kiểm duyệt, mà là về mặt trái của kiểm duyệt, tức là tuyên truyền và tuyên truyền nước ngoài đẩy người Mỹ chống lại người Mỹ”.

Bắc Kinh chỉ trích dự luật, cáo buộc Mỹ tham gia cạnh tranh không lành mạnh, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và “phá hoại trật tự kinh tế và thương mại trên thế giới”.

Trong bình luận với CNN ngày 13/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói:

“Trong những năm gần đây, mặc dù Hoa Kỳ chưa bao giờ tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng họ chưa bao giờ ngừng truy đuổi TikTok.”

Tuyên bố này là sai sự thật.

Có nhiều bằng chứng bác bỏ trực tiếp những lời phủ nhận của ByteDance và chính phủ Trung Quốc về khả năng của TikTok trong việc tác động đến dư luận Hoa Kỳ và thúc đẩy người Mỹ hành động.

Ví dụ: ByteDance gần đây đã cố gắng ngăn chặn dự luật của Hoa Kỳ bằng cách chỉ đạo hàng triệu người dùng TikTok ở Mỹ gọi đến văn phòng dân biểu đại diện cho họ tại Quốc hội và phản đối lệnh cấm. CyberNews đưa tin, nhiều người Mỹ đã làm như vậy đến mức các cuộc gọi làm quá tải các đường dây liên lạc của các nhà lập pháp.

Ashley Hinson, nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho bang Iowa, nói trong cuộc tranh luận ngày 13 tháng 3: “Màn kịch thô thiển của TikTok đã chứng minh quan điểm của chúng ta. Điều gì sẽ xảy ra nếu vào Ngày Bầu cử, TikTok gửi báo động nói rằng cuộc bầu cử của chúng ta đã bị hủy bỏ?”

Những bằng chứng, mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho là Mỹ “chưa bao giờ tìm thấy”, bao gồm:

Mandiant Threat Intelligence đã báo cáo vào tháng 6 năm 2019 rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tạo ra một mạng lưới gồm hàng trăm tài khoản đa ngôn ngữ không xác thực trên mạng xã hội, bao gồm cả trên TikTok, cố gắng “huy động những người biểu tình ở Hoa Kỳ”.

Là một phần của chiến dịch này, các video ngắn trên TikTok và các nền tảng khác hạ thấp uy tín những người bất đồng chính kiến Trung Quốc và các quan chức Hoa Kỳ đã được tạo ra và đẩy vào các trang TikTok cá nhân của các công dân Hoa Kỳ. Mandiant cho biết nhiều video còn cung cấp thông tin liên hệ và địa chỉ nhà của các cá nhân bị nhắm mục tiêu.

Vào năm 2021, Trung Quốc đã tài trợ cho một chiến dịch nhắm vào người Mỹ gốc Á với hàng nghìn bài đăng kêu gọi họ phản đối thành kiến với người gốc Á tại Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 4 tại Thành phố New York. Các bài đăng, được minh họa bằng hình ảnh nắm đấm vào “người da trắng”, kêu gọi người Mỹ gốc Á “đánh trả”. Mandiant quan sát các báo cáo sau đó nói rằng cuộc phản kháng đã “thành công”, với các nhóm thiểu số khác tham gia cùng người Mỹ gốc Á.

Vào năm 2022, sau khi Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã thuê một công ty Quan hệ Công chúng của Hoa Kỳ để tuyển dụng một cách kín đáo những người có ảnh hưởng trên TikTok và trên các mạng xã hội khác ở Hoa Kỳ nhằm nâng cao hình ảnh tích cực của Trung Quốc, bao gồm cả việc truyền bá thông tin xuyên tạc và thông tin sai lệch. Cơ quan an ninh mạng của chính phủ Hoa Kỳ CISA đã báo cáo việc này trong bản tin “Chiến thuật thông tin xuyên tạc”.

TikTok được ra mắt vào năm 2016. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đưa thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội đa nền tảng, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, Đại học Stanford và Đại học San Diego của California đã nêu rõ trong một nghiên cứu chung.

Nghiên cứu cho biết Trung Quốc đã thuê tới 2 triệu người để truyền bá thông tin xuyên tạc và thông tin sai lệch. Nghiên cứu cho biết nhóm này, còn được gọi là “Đảng 50 xu”, hàng năm tạo ra khoảng 448 triệu bài đăng trên mạng xã hội do chính phủ Trung Quốc bịa đặt.

Thông báo của ByteDance vào tháng 1 năm nay rằng họ sẽ tung ra mô hình trí tuệ nhân tạo sáng tạo của riêng mình, được gọi là LEGO, đã làm tăng thêm mối lo ngại về tiềm năng của TikTok. CyberNews đưa tin, mô hình được cài trong ứng dụng TikTok “thể hiện khả năng nhận dạng và bản địa hóa chính xác các khu vực cụ thể trong hình ảnh hoặc trong các khoảnh khắc video”.

Tuy nhiên, dữ liệu đáng sợ nhất liên kết ByteDance với chính phủ Trung Quốc đến từ báo cáo tình báo tháng 3 năm 2023 của Ủy ban Thượng viện Úc chuyên trách về sự can thiệp của nước ngoài qua truyền thông xã hội.

Với tiêu đề “TikTok, ByteDance và mối quan hệ của họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc”, báo cáo nêu chi tiết bằng chứng lần ra nguồn gốc của công ty ByteDance và ứng dụng TikTok với chính phủ Trung Quốc và sự kiểm soát liên tục của chính phủ Trung Quốc đối với cả hai:

“Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận rằng TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, ByteDance là một công ty của Trung Quốc và ByteDance chịu mọi ảnh hưởng, hướng dẫn và kiểm soát trên thực tế mà Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang làm đối với tất cả các công ty công nghệ của Trung Quốc.”

“Chúng tôi cho thấy các cơ quan nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã mở rộng mối quan hệ của họ với ByteDance đến mức công ty này không còn có thể được mô tả chính xác là một doanh nghiệp tư nhân nữa.”

“Những phát hiện này dựa trên các nguồn chưa được kiểm tra trước đó và trái ngược với nhiều tuyên bố công khai của TikTok. Theo quan điểm của chúng tôi, những phát hiện quan trọng nhất liên quan đến cách mà các khả năng của TikTok có thể được tích hợp với những gì mà nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả là cơ chế diễn ngôn bên ngoài của Đảng”.

Mười lăm quốc gia và Liên hiệp Châu Âu đã cấm một phần hoặc cấm toàn bộ TikTok, coi ứng dụng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Vào ngày 19 tháng 2, Liên hiệp Châu Âu đã mở một cuộc điều tra về việc ByteDance và TikTok bị tình nghi vi phạm các quy tắc về nội dung, đặc biệt là nhắm mục tiêu vào trẻ vị thành niên bằng hệ thống thuật toán “có thể kích thích các hành vi gây nghiện và liên tục theo dõi”.

(Nguồn Polygraph.info)