Đường dẫn truy cập

TT Biden ban hành sắc lệnh bảo vệ dữ liệu của người Mỹ trước các kẻ thù nước ngoài


Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ hạn chế các thực thể nước ngoài, cũng như các công ty do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại Mỹ, có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm một cách không thích hợp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ hạn chế các thực thể nước ngoài, cũng như các công ty do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại Mỹ, có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm một cách không thích hợp.

Tổng thống Joe Biden ngày 28/2 ký một sắc lệnh nhắm bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của người Mỹ trước các địch thủ nước ngoài như Trung Quốc và Nga trong mọi lĩnh vực, từ sinh trắc học và hồ sơ y tế đến tài chính và định vị địa lý.

Bộ trưởng tư pháp và các cơ quan liên bang khác phải ngăn chặn việc chuyển dữ liệu cá nhân của người Mỹ trên quy mô lớn sang nơi mà Tòa Bạch Ốc gọi là “các quốc gia cần quan tâm”, đồng thời thiết lập các biện pháp bảo vệ xung quanh các hoạt động khác mà qua đó các quốc gia vừa kể có thể truy cập vào dữ liệu nhạy cảm của người dân.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết mục tiêu là vừa bảo vệ, vừa không hạn chế hoạt động thương mại hợp pháp liên quan tới dữ liệu.

Động thái của ông Biden nhắm vào các nhà môi giới dữ liệu thương mại, những công ty đôi khi mờ ám buôn bán dữ liệu cá nhân mà các quan chức cho rằng có thể bán thông tin cho các đối thủ nước ngoài hoặc các thực thể ở Mỹ do các quốc gia đó kiểm soát.

Chính quyền Biden hy vọng cuối cùng sẽ hạn chế các thực thể nước ngoài, cũng như các công ty do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại Mỹ, có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm một cách không thích hợp, các quan chức cấp cao cho biết.

Các nhà môi giới dữ liệu là hợp pháp ở Hoa Kỳ và thu thập cũng như phân loại thông tin cá nhân, thường là để xây dựng hồ sơ về hàng triệu người Mỹ mà sau đó họ cho thuê hoặc bán.

Các quan chức cho biết các hoạt động như xâm nhập máy tính đã bị cấm ở Mỹ nhưng việc mua dữ liệu nhạy cảm thông qua các nhà môi giới là hợp pháp. Điều đó có thể tạo ra một lỗ hổng quan trọng trong các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ khi dữ liệu được bán cho một nhà môi giới để rồi có thể rơi vào tay kẻ thù.

“Những kẻ xấu có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi người Mỹ, bao gồm cả quân nhân, rình mò cuộc sống cá nhân của họ và chuyển dữ liệu đó cho các nhà môi giới dữ liệu và các cơ quan tình báo nước ngoài khác”, Tòa Bạch Ốc nói trong một tờ thông tin thông báo về động thái này. “Dữ liệu này có thể cho phép giám sát xâm nhập, lừa đảo, tống tiền và các hành vi vi phạm quyền riêng tư khác.”

Sắc lệnh chỉ đạo Bộ Tư pháp ban hành các quy định thiết lập các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ cũng như dữ liệu nhạy cảm liên quan đến chính phủ - bao gồm thông tin định vị địa lý trên các trang web nhạy cảm của chính phủ và các thành viên của quân đội.

Bộ Tư pháp cũng có kế hoạch hợp tác với các quan chức An ninh Nội địa để xây dựng các tiêu chuẩn an toàn nhằm ngăn chặn các đối thủ nước ngoài thu thập dữ liệu. Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm tra tốt hơn để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp liên bang dành cho nhiều cơ quan khác, bao gồm cả Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu chiến binh, không được sử dụng để tạo điều kiện cho dữ liệu nhạy cảm của người Mỹ chảy đến các đối thủ nước ngoài hoặc các công ty Hoa Kỳ liên kết với họ.

Các quan chức chính quyền cấp cao đã liệt kê các quốc gia tiềm năng cần quan tâm là Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran, Cuba và Venezuela. Nhưng chính Trung Quốc – và TikTok, với hơn 150 triệu người dùng Mỹ và là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance – mới là những nơi mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lên tiếng nhiều nhất.

Dân biểu Mike Gallagher, đảng viên Cộng hòa, chủ tịch của Ủy ban Hạ viện Mỹ chuyên trách các vấn đề về Đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây đã lưu ý: “Không có cái gọi là doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc”.

Các quan chức chính quyền cấp cao nhấn mạnh rằng hành động hành pháp được thiết kế để hoạt động cùng với hành động lập pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều dự luật nhằm thiết lập các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của liên bang đã không được thông qua tại Quốc hội.

Động thái ngày 28/2 diễn ra sau sắc lệnh của ông Biden về trí tuệ nhân tạo (AI) vào mùa thu năm ngoái nhằm tìm cách cân bằng nhu cầu của các công ty công nghệ tiên tiến với an ninh quốc gia và quyền của người tiêu dùng.

Sắc lệnh của tổng thống về AI nhằm định hướng cách phát triển Trí tuệ Nhân tạo để các công ty có thể thu lợi nhuận mà không gây nguy hiểm cho an toàn công cộng, tạo ra các biện pháp bảo vệ sớm nhằm đảm bảo rằng AI đáng tin cậy và hữu ích, thay vì lừa đảo và phá hoại.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG