Nhà chức trách ở Tân Cương vừa phát động chương trình "tuần lễ thân nhân" trong tháng này, yêu cầu các công chức địa phương giành một tuần lễ để chung sống với các gia đình Uighur cư ngụ tại các vùng nông thôn dịp cuối năm.
Trong khi chính thức được tuyên truyền như một cách để thúc đẩy hòa hợp dân tộc, động thái này trong con mắt các nhà quan sát, được coi là nhằm tăng cường giám sát người thiểu số Hồi giáo, và có nguy cơ tạo thêm căng thẳng sắc tộc thay vì xoa dịu nó.
Chương trình này có mục đích theo dõi, thu thập tin tức, xem có dấu hiệu gì khả nghi hay không dựa theo định nghĩa của phía chính quyền về thế nào là chủ nghĩa cực đoan…Adrian Zenz, nhà nghiên cứu ở Đức
Bắt đầu từ ngày 11 tháng 12, hàng ngàn cán bộ từ tỉnh phía Tây Bắc Trung Quốc đã về các vùng nông thôn để ở cùng các gia đình người Uighur trong một tuần, để gọi là "ăn, uống và thắt chặt quan hệ như một gia đình" với các thành viên của nhóm sắc tộc này.
Mặc dù có một số cán bộ là người Uighurs hay bà con xa với người Uighurs, rất nhiều người trong số các cán bộ là người Hán từ các cơ quan chính quyền địa phương, các trường công hay trong bộ máy tư pháp, theo các nhà quan sát.
Người lạ hay người thân?
Dilxat Raxit, phát ngôn viên của Nghị hội Người Uighur Thế giới, một tổ chức lưu vong của người Uighur có trụ sở ở Đức, nói với VOA rằng, hầu hết các cán bộ là những người hoàn toàn xa lạ, có phong tục, văn hoá và tôn giáo khác, và phía sau chương trình này là ý đồ muốn siết chặt giám sát các gia đình Uighur sống ở vùng nông thôn.
Ông Raxit nói: "Mục tiêu chính là tìm hiểu xu hướng nghiêng về tôn giáo của người Uighur trong thời gian các cán bộ ở trong nhà của họ. Họ sẽ kiểm tra xem liệu gia đình Uighur này có giữ cuốn kinh Quran, hay bất kỳ vật dụng hay sách nào khác có liên quan hay không".
Ông Raxit nói người Uighur không có lựa chọn nào khác hơn là bị buộc phải nhận các cán bộ vào ở trong nhà mình. Họ còn là những người đại diện cho chính quyền để tổ chức các cuộc tuyên truyền ngay tại nhà của những người Uighur, và thuyết giảng về cái gọi là “linh hồn của Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc” sau khi hội nghị được tổ chức 5 năm 1 lần kết thúc hồi tháng 10/2017.
Hàng chục nghìn cán bộ ở Tân Cương đã được đưa đến sống trong các ngôi làng Uighur, tiếp tay với chính quyền địa phương để truy ra bất kỳ mầm mống bất ổn chủng tộc nào trong nhóm sắc dân thiểu số Uighur.
Theo người phát ngôn của Nghị hội Uighur Thế giới, đây là chương trình đầu tiên được tiến hành dưới sự lãnh đạo của ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Uighur Tân Cương. Cho đến tháng 8 năm ngoái, ông Trần là bí thư của Khu tự trị Tây Tạng trong 5 năm.
Tăng cường xâm nhập
Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu ở Đức, gọi "tuần của thân nhân" này là một động thái xâm phạm quyền riêng tư, nhưng không có gì mới, so với các biện pháp kiểm soát an ninh và xã hội tương tự đã được áp dụng dưới thời người tiền nhiệm của ông Trần, Zhang Chunxian.
“Rõ ràng là chương trình này có mục đích theo dõi, thu thập tin tức, xem có dấu hiệu gì khả nghi hay không dựa theo định nghĩa của phía chính quyền về thế nào là chủ nghĩa cực đoan…”
Trước đó, hàng chục nghìn cán bộ ở Tân Cương đã được đưa đến sống trong các ngôi làng Uighur. Những người này, theo ông Zenz, đã tiếp tay với chính quyền địa phương để truy ra bất kỳ mầm mống bất ổn chủng tộc nào trong nhóm sắc dân thiểu số Uighur.
Nhà nghiên cứu Zenz nói an ninh ở Tân Cương dưới thời của Bí thư Trần Toàn Quốc đang được thắt chặt hơn bao giờ hết.
Theo nhà nghiên cứu, ông Trần đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của cảnh sát trong năm qua, quảng cáo hơn 90.000 việc làm liên quan đến an ninh, cao gấp 12 lần con số được quảng cáo trong năm 2009 sau các cuộc bạo loạn ở Urumqi.
Cuộc bạo loạn tháng 7 năm 2009 ở Urumqi bắt đầu với một cuộc biểu tình của người Uighur, sau đó leo thang thành các cuộc tấn công bạo lực, mà theo chính quyền, đã làm thiệt mạng 197 người và làm bị thương 1.721 người.
"Nơi bị theo dõi nhiều nhất trên trái đất"
Một báo cáo gần đây của tờ Wall Street Journal mô tả thủ phủ của tỉnh Tân Cương là "một trong những địa điểm bị theo dõi chặt chẽ nhất trên trái đất", nơi "công dân và khách viếng thăm hàng ngày phải đi qua một loạt trạm kiểm soát của cảnh sát, camera giám sát và máy nhận dạng thẻ, nhận dạng khuôn mặt, tròng mắt và đôi khi toàn bộ cơ thể."
Ông Raxit, phát ngôn viên của Nghị hội người Uighur thế giới, nói các chính sách đàn áp có hệ thống đối với 10 triệu người Uighur trong tỉnh – bao gồm những chiến dịch đàn áp tôn giáo và văn hoá – rốt cuộc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc.
Các phần tử chủ chiến người Uighur đã tiến hành một số cuộc tấn công gây chết người ở Trung Quốc và ở nước ngoài trong những năm gần đây. Một cuộc tấn công bằng dao năm 2014 tại một ga tàu ở tỉnh Vân Nam đã giết chết hơn 30 người. Năm 2015, vụ đánh bom vào một tòa nhà ở trung tâm Bangkok, nơi lui tới của nhiều du khách Trung Quốc, được coi là để trả đũa việc Thái Lan trục xuất 109 người Uighur về lại Trung Quốc.
Ông Zenz nói chiến lược tăng cường kiểm soát an ninh có thể thành công trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ không bền vững vì nó sẽ tăng rủi ro về kinh tế và gây khó khăn trong các quan hệ sắc tộc, khiến cư dân càng xa lánh người Hán sinh sống tại đây.