Trung Quốc tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với Mỹ khi ông Trump nhậm chức

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp song phương tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019.

Trung Quốc thúc giục Hoa Kỳ tập trung vào việc quản lý mối quan hệ song phương thông qua hợp tác thay vì đối đầu khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Hoa Kỳ để duy trì liên lạc, tăng cường hợp tác, quản lý đúng đắn các khác biệt và thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ đạt được tiến triển lớn hơn từ một điểm khởi đầu mới”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn nói trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21/1 tại Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh hy vọng sẽ giảm bớt những hiểu lầm giữa hai bên thông qua sự tham gia và trao đổi trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của ông Trump.

“Chính phủ Trung Quốc hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể hiểu được nhu cầu của nhau thông qua giao tiếp”, ông Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải nói.

“Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn có thể đạt được sự đồng thuận và tránh được nhiều hiểu lầm đã phát sinh trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump” nếu cả hai bên ưu tiên các nỗ lực ổn định quan hệ song phương, ông nói với VOA qua điện thoại.

Trước lễ nhậm chức của ông Trump hôm 20/1, Trung Quốc và nhóm của Trump đã tiến hành một số cuộc trao đổi cấp cao, bao gồm cuộc gọi giữa tân tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 17/1 tuần trước.

Ông Trump cho biết ông và ông Tập sẽ “cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề” trong khi chủ tịch Trung Quốc nói chìa khóa để xử lý các mối quan hệ song phương là “tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau và tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề”.

Vào ngày 19/1, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính, người đang ở thủ đô Washington để tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, đã gặp người đồng cấp phía Mỹ JD Vance và một nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả nhà sáng lập Tesla, ông Elon Musk.

Ông nói Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể “góp phần vào sự tiến bộ của nhau, mang lại lợi ích cho cả hai nước và đóng góp quan trọng vào hòa bình và phát triển thế giới” miễn là họ “duy trì các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.

Ngoài ra, ông Hàn còn thúc giục các doanh nghiệp Hoa Kỳ “đóng vai trò tích cực như một cầu nối và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của quan hệ Mỹ-Trung” bằng cách tiếp tục “đầu tư và bám rễ tại Trung Quốc”.

Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh muốn nắm bắt cơ hội cải thiện quan hệ song phương với Washington thông qua những cuộc gặp gỡ ban đầu này với chính quyền Trump.

Bắc Kinh “không chỉ muốn tránh các chế tài gia tăng mà còn muốn tránh khả năng hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc”, ông Timothy Rich, nhà khoa học chính trị tại Đại học Western Kentucky, nói.

Trong khi chính phủ Trung Quốc bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền Trump, tổng thống Hoa Kỳ cũng đã hoãn việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Mexico và Canada.

Thay vào đó, ông đã công bố một bản ghi nhớ thương mại rộng rãi kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá việc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” mà chính quyền của ông đã ký với Bắc Kinh vào năm 2020, theo đó yêu cầu Bắc Kinh phải tăng mua hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ thêm 200 tỷ đô la trong hai năm.

Ngoài ra, ông Trump đã ký một sắc lệnh sẽ hoãn lệnh cấm ứng dụng TikTok trong 75 ngày nhưng đe dọa sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chấp thuận một thỏa thuận tiềm năng với TikTok.

Ông Rich cho biết quyết định hoãn áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc của ông Trump cho thấy mong muốn của tổng thống Hoa Kỳ là “gây sức ép buộc Trung Quốc phải đưa ra một số nhượng bộ” mà ông có thể tuyên bố là một chiến thắng.

Một số thương gia Trung Quốc nói quyết định hoãn áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc của ông Trump cho phép họ chuẩn bị tốt hơn cho các kịch bản tương tự trong tương lai.

“Tôi đang tìm cách khác để xuất khẩu sản phẩm cho khách hàng Mỹ của mình bằng cách chuyển hoạt động sang Đông Nam Á”, một nhà xuất khẩu hàng may mặc Trung Quốc họ Yuan ở Thượng Hải, người yêu cầu chỉ được nêu họ của mình do lo ngại về an ninh, đã nói với VOA trong một phản hồi bằng văn bản.

Nội các mới của ông Trump bao gồm một số chính trị gia được biết đến với lập trường cứng rắn về Trung Quốc, bao gồm cả Ngoại trưởng Marco Rubio. Các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc sẽ định hình như thế nào.

“Người ra quyết định cuối cùng là ông Trump, và nếu Trung Quốc cung cấp cho ông Trump những gì ông ấy nghĩ ông cần, những người cứng rắn đó và niềm tin của họ sẽ nhanh chóng bị gạt sang một bên và họ có thể không có ảnh hưởng đến chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc”, ông Dexter Roberts, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Trung Quốc toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, đã nói với VOA qua điện thoại.

Mặc dù chưa rõ về các chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, ông Shen ở Thượng Hải cho biết các bình luận chính thức từ Bắc Kinh và Washington cho thấy những trao đổi ban đầu của họ “khá tích cực”.

“Điều này có thể có nghĩa là sẽ có ít hiểu lầm hơn và tôi nghĩ cả hai bên sẽ không lãng phí cơ hội mới này để tương tác với nhau”, ông nói với VOA.