Các hạn chế kinh tế nhắm vào Miến Điện đã được áp dụng để trừng phạt chính phủ quân nhân nước này về những vụ vi phạm nhân quyền.
Miến Điện đã đàn áp tàn bạo các phong trào dân chủ, tra tấn và bỏ tù những người lên tiếng chống đối chế độ quân trị.
Nhưng trong năm ngoái, mặc dù từng là một sĩ quan quân đội, Tổng thống Thein Sein đã gây bất ngờ cho giới chỉ trích qua một loạt các cải cách.
Ông đã nới lỏng việc kiểm soát các cơ quan truyền thông, phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị và hoan nghênh lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi tham gia chính trường.
Hôm qua, Hoa Kỳ đáp lại bằng cách ngưng các biện pháp chế tài kinh tế, cho phép Hoa Kỳ được đầu tư lại vào Miến Điện lần đầu tiên từ 15 năm nay.
Ông Aung Thu Nyein là một chuyên gia phân tích thuộc Viện Phát triển Vahu của Miến Điện. Ông hoan nghênh việc đình chỉ các biện pháp chế tài mà ông gọi là một công cụ thiếu sắc bén chỉ có hại cho thường dân:
“Ngưng các biện pháp chế tài loại này sẽ giúp làm cho tình hình tốt đẹp hơn đối với người dân thường.”
Ông Aung Thu Nyein nói bãi bỏ các hạn chế kinh tế cũng sẽ tưởng thưởng và khích lệ những thành phần cải cách trong chính phủ.
Nhưng một số nhà tranh đấu cho nhân quyền cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể hành động quá nhanh.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói:
“Chúng tôi vẫn thấy nhiều tù nhân chính trị bị bỏ tù. Chúng tôi thấy những bộ luật đàn áp vẫn còn được áp dụng. Chưa có mấy thay đổi trong cách thức hoạt động của quân đội Miến Điện ở các khu vực sắc tộc. Tình hình ở miền bắc đối với sắc tộc Kachin và cuộc chiến tranh tiếp diễn ở đó cùng với việc nhắm mục tiêu vào thường dân là một mối quan tâm chính đối với chúng tôi. Do đó, chúng tôi hơi thắc mắc về việc tại sao lại có sự vội vàng bất xứng như thế khi bãi bỏ một phần lớn các biện pháp chế tài.”
Washington nói các biện pháp chế tài đang được nới lỏng nhưng chưa được bãi bỏ hẳn, do đó các biện pháp này có thể được tái áp đặt lại rất nhanh nếu công cuộc cải cách đổi chiều.
Một số biện pháp chế tài vẫn còn được áp dụng, trong đó có lệnh cấm bán vũ khí, và một danh sách các cá nhân bị trừng phạt vì vi phạm nhân quyền hay tham nhũng sẽ được cập nhật.
Ông Aung Thu Nyein nói các cơ sở kinh doanh Mỹ phải thận trọng khi đầu tư vào công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên béo bở ở Miến Điện.
Ông nêu ra rằng phần lớn các công nghiệp dầu hỏa, gỗ và khai mỏ diễn ra tại các khu vực sắc tộc thiểu số nơi các tổ chức nhân quyền nói là vẫn có các vụ quân đội vi phạm nhân quyền. Ông nói:
“Nhưng đồng thời quý bạn biết là, theo ý tôi, đầu tư Hoa Kỳ có thể đề ra một tiêu chuẩn cạnh tranh, nhưng cũng là các tiểu chuẩn đạo đức và kinh doanh trong nước.”
Hoa Kỳ đang hình thành một cơ chế để khuyến khích việc giám sát, sự minh bạch và tính khả tín của các vụ đầu tư Mỹ.
Nhưng theo ông Robertson, chưa rõ là việc đó có thể thực thi ra sao:
“Các tiêu chuẩn trong khung sườn đó, theo hiểu biết của chúng tôi, sẽ không có tính cách ràng buộc về luật pháp. Sẽ có những kẽ hở để các công ty vào đó. Và vấn đề là khi đó làm thế nào để chính phủ Hoa Kỳ có thể theo dõi các cuộc giao dịch của các công ty Mỹ. Cho đến này, họ vẫn thường nói là họ sẽ cho phép các công ty hoạt động chỉ trong một số khu vực thôi.”
Ông Robertson cảnh báo về tinh thần “chạy đua tìm vàng” trong công cuộc đầu tư ở Miến Điện, và áp lực từ phía công đồng kinh doanh Hoa Kỳ không muốn bị lọt về phía sau.
Sau Liên hiệp châu Âu, Canada và Australia, Hoa Kỳ là chính phủ của một cường quốc mới nhất ngưng áp dụng các biện pháp chế tài Miến Điện,.
Việc Hoa Kỳ ngưng áp dụng một số biện pháp chế tài kinh tế Miến Điện đã châm ngòi cho các phản ứng lẫn lộn từ phía các chuyên gia và các tổ chức nhân quyền. Một số chuyên gia trong vùng nói các biện pháp này lẽ ra phải được bãi bỏ lâu rồi. Nhưng các tổ chức nhân quyền lập luận rằng tình trạng vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục và Washington có thể đã có quyết định quá vội vàng.