Ủy ban Bảo vệ Ký giả yêu cầu Việt Nam dừng bức cung, ép ‘nhận tội’

Nguyễn Văn Hóa (giữa) tại phiên tòa ngày 27/11/2018.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 20/8 lên án Việt Nam đã đánh đập, buộc nhà báo độc lập Nguyễn Văn Hóa phải “nhận tội” và có lời khai chống lại nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng.

Cùng với Nguyễn Văn Hóa, một tù nhân khác là Nguyễn Viết Dũng, cũng đang đối diện với nhiều khả năng bị “trừng trị” trong nhà tù sau khi cả hai bất ngờ “phản cung” trong phiên tòa xử ông Lượng gần đây.

Trước đó vào ngày 16/8, tại phiên tòa xét xử ông Lê Đình Lượng với tội danh “hoạt động nhằm lật đổi chính quyền nhân dân”, hai nhân chứng được tòa triệu tập là Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng đã phủ nhận những lời khai được đưa ra trước đó và đồng loạt nói rằng họ bị “đánh đập, ép cung”.

Ngay lập tức, cả Hóa và Dũng đều được đưa ra khỏi phòng xử và không được tham gia phiên tòa, với lý do được cảnh sát bảo vệ báo lại là “Hóa bị viêm họng, Dũng bị đau bụng”, theo lời Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng.

Với diễn biến bất ngờ này, Luật sư Sơn đã yêu cầu dừng phiên tòa để chờ hai nhân chứng có đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa nhưng tòa án tỉnh Nghệ An đã không chấp nhận, mà vẫn tiếp tục xử và tuyên án ông Lê Đình Lượng 20 năm tù giam và 5 năm quản chế, mức án cao nhất từ trước tới nay đối với tù nhân lương tâm.

Nhận định với VOA ngày 21/8, LS. Sơn cho rằng “Phản cung có lợi cho ông Lượng. Nhưng tác động vào việc quyết mức án thì tôi không biết được, bởi vì họ cứ chủ động quyết thôi chứ họ có cần ý kiến của luật sư đâu”.

Trong thông cáo, đại diện của CPJ trong vùng Đông Nam Á, ông Shawn Crispin, yêu cầu “Nhà chức trách Việt Nam phải ngưng ngay lập tức việc xách nhiễu và hành hạ ký giả Nguyễn Văn Hóa”.

Ông Shawn Crispin nói “Thay vì đánh đập các ký giả bị cầm tù để ép cung họ, nhà chức trách Việt Nam nên thả hết các ký giả đang bị giam cầm, cải tổ bộ luật đã kết án họ, và quy trách nhiệm đối với những người lạm dụng quyền hành của họ để gây ra việc đánh đập này.”

Nguyễn Văn Hóa, 23 tuổi, là một phóng viên độc lập và là cộng tác viên thường xuyên của Đài Á Châu Tự Do. Hóa chuyên đưa tin tức, hình ảnh, video về các vụ biểu tình phản đối Formosa ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, trong đó có Hà Tĩnh, quê hương của Hóa.

Tháng 11/2017, Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam, 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88.

Nguyễn Viết Dũng rất thích mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa.

Cùng phản cung trong vị trí nhân chứng với Hóa là Nguyễn Viết Dũng, người cũng vừa bị tòa án tỉnh Nghệ An tuyên án 6 năm tù giam, 5 năm quản chế trong phiên xử phúc thẩm ngày 15/8 về tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXNCN Việt Nam”.

Hiện thân nhân Nguyễn Viết Dũng và các nhà hoạt động tại Việt Nam đang lo ngại Dũng sẽ bị “trừng trị” trong nhà tù sau hành động phản cung trên.

Ông Nguyễn Viết Hùng, cha của Nguyễn Viết Dũng, cho VOA biết hôm 21/8 rằng ông đã không được phép gặp con trai trong lần thăm đầu tiên sau phiên xử phúc thẩm.

“Người ta bảo một lý do duy nhất là trong phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng là [Dũng] không thành khẩn, bởi vì Dũng phản cung, nên nó lấy lý do đấy nó không cho gặp”, ông Hùng nói.

Bố của chàng trai từng có thành tích học tập xuất sắc và thích mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa nói ông không ngạc nhiên về hành động phản cung của con trai, nhưng ông rất lo lắng và căm phẫn khi biết chắc chắn Dũng đã và sẽ chịu những trận đòn “trừng trị” trong nhà tù.

“Sau phiên tòa xử ông Lê Đình Lượng, tôi nhận định và chắc chắn 100% là Dũng sẽ bị một trận đòn tiếp. Cái đó không tránh khỏi”, ông Hùng nói với VOA.

Theo LS. Hà Huy Sơn, vì cả Dũng và Hóa đều đã có bản án nên hành động phản cung của cả hai chỉ còn có thể ảnh hưởng đến kết quả “xét duyệt thi đua” trong thời gian chấp hành án.

Việt Nam vẫn thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền lên án về tình trạng ngược đãi, tra tấn, ép cung tù nhân, đặc biệt là tù nhân tôn giáo, chính trị và bất đồng chính kiến. Thời gian gần đây, một số tù nhân như Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Huỳnh Duy Thức… đã phải tuyệt thực để phản đối những chính sách đàn áp, ngược đãi hay buộc nhận tội trong trại giam.