Giá cổ phiếu của VinFast tăng liên tục trong những ngày qua là do số cổ phiếu lưu hành quá ít trong khi nhu cầu cao, một chuyên gia về chứng khoán nói với VOA, và ông dự đoán cổ phiếu VFS sẽ nguội trong thời gian tới nếu có hàng tung ra thị trường.
Cổ phiếu VinFast hôm 29/8 đã tăng 20% lên 82,35 đô la vào lúc đóng cửa thị trường. Như vậy, kể từ khi ra mắt trên thị trường Nasdaq ở New York hôm 15/8, cổ phiếu VFS đã tăng gần gấp 7 lần, Bloomberg cho biết.
Với mức giá như vậy, ở thời điểm đó, giá trị vốn hóa thị trường của VinFast, về lý thuyết, là khoảng 190 tỷ đô la, cao hơn so với 111 tỷ của Goldman và 137 tỷ của Boeing, và gấp khoảng 10 lần Walgreens, chuỗi nhà thuốc hàng đầu của Mỹ. Mức định giá này của VinFast cũng cao hơn một nửa các công ty nằm trong chỉ số công nghiệp Dow Jones, vẫn theo Bloomberg.
Theo hãng tin này, đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu VinFast diễn ra trong lúc thị trường chứng khoán Mỹ nhìn chung đã hạ nhiệt. Hãng xe điện này đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn nhắm vào cổ phiếu của các hãng xe điện, trong khi số lượng cổ phiếu lưu hành thấp cũng giúp củng cố đà tăng của VFS.
Dữ liệu từ hãng Vanda Research cho thấy sự quan tâm của các nhà giao dịch cá nhân đối với cổ phiếu VFS bắt đầu tăng lên hồi tuần trước. Nhóm nhà đầu tư này trước đây đã từng thúc đẩy đà cổ phiếu của những công ty như Nikola và Rivian.
Mặc dù mức định giá cực đoan như vậy không phải là bất thường đối với các công ty khai thác công nghệ mới – chẳng hạn như cơn sốt trí tuệ nhân tạo – việc VinFast tiến đến mốc 200 tỷ đô la trong giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong 10 ngày giao dịch là một hiện tượng. Để so sánh, Tesla, hãng xe điện dẫn đầu thị trường, phải mất hơn 3.600 phiên giao dịch mới đạt được mốc đó, trong khi hãng sản xuất chip Nvidia vốn cần thiết cho AI đã phải trải qua hơn 7.700 phiên giao dịch.
Mất cân đối cung-cầu
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn, nhà đầu tư chứng khoán lâu năm và cũng là chuyên gia môi giới chứng khoán của công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) lý giải về đà tăng của cổ phiếu VFS này như sau: “Nhìn chung mức tăng của VinFast hơi điên rồ và theo tôi nhận định VinFast có thể được định giá hơi quá cao so với thực tế”.
Theo phân tích của chuyên gia này, doanh số bán xe của VinFast ở Việt Nam hiện ở mức 22.000 chiếc, tức là ‘không quá nổi bật so với Tesla hay BYD (hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc)’, trong khi VinFast lại đang bị lỗ so với Tesla đã có lợi nhuận rồi mà giá trị vốn hóa của Tesla, hiện là hơn 700 tỷ đô la, chỉ gấp hơn 3 lần của VinFast mà thôi.
Ông Tuấn cũng so sánh VinFast với trường hợp cổ phiếu của Nvidia, hãng sản xuất chip cho trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới với vị thế gần như độc tôn và doanh số tăng gần như đột biến thì giá trị của nó ‘cũng chỉ tăng khoảng 200%’.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Mỹ những chuyện gia tăng điên rồ như vậy ‘đã từng xảy ra rồi’, theo lời ông Tuấn. Ông dẫn chứng như trường hợp cổ phiếu của Tesla, Zoom hay GameStop trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Khi được hỏi về khả năng cổ phiếu VFS bị thao túng hay làm giá, ông Tuấn nói ông ‘không chắc’ nhưng việc VFS tăng giá phi mã trong thời gian qua là ‘do mất cân bằng giữa bên mua và bên bán’.
“Một phần VFS tăng như vậy là vì cổ phiếu cô đặc, phần lớn cổ phần nằm trong tay các tổ chức lớn, số cổ phiếu trôi nổi nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ khá khiêm tốn, đâu đó chỉ vào khoảng hàng triệu cổ phiếu thôi, trong khi số cổ phiếu đăng ký lưu hành là hơn 2,3 tỷ”, ông lý giải.
Ông nói ví von VFS tăng theo kiểu ‘cổ phiếu bán ra bao nhiêu thì họ gom vào hết bấy nhiêu’ và số lượng cổ phiếu giao dịch đó chủ yếu là từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. “Mọi người cứ tranh nhau mua nên đặt giá cao để mua”, ông nói và chỉ ra trong phiên giao dịch ngày 25/8 chỉ có 8 triệu lượt cổ phiếu VFS được giao dịch, tức là chỉ có 4 triệu cổ phiếu đã được mua hay bán.
“Giả sử như tất cả 2,3 tỷ cổ phiếu đó giao dịch hết thì VinFast không có chuyện tăng giá như vậy được”, vẫn lời chuyên gia này.
‘Đầu cơ, không nên đầu tư’
Về lý do các nhà đầu tư săn đón cổ phiếu VFS như hiện nay, ông Tuấn cho rằng ‘là để đầu cơ, lướt sóng’ trong ngắn hạn để tận dụng đà tăng như hiện nay.
“Sau phiên đầu tiên VFS tăng lên 37 đô, rồi phiên tiếp theo giảm xuống còn 20 đô, tôi đã nói với bạn bè là VFS có thể tăng lên nữa vì số cổ phiếu trôi nổi thấp, chỉ cần có nhiều người đặt lệnh mua thì nó sẽ tăng. Xem những kết quả trong những phiên vừa qua thì giá VFS sắp tới có thể tăng lên đến 100 hoặc hơn”, ông nói.
Ông cho rằng mức giá VFS hiện nay nhà đầu tư vẫn có thể đầu cơ và vẫn có thể mua vào được nếu số lượng mua ít vào khoảng vài ngàn cổ phiếu.
“Theo kinh nghiệm của tôi thì những lúc mọi người nghi ngờ giá cổ phiếu đang quá cao thì nó sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa”, nhà đầu tư này cho biết.
Tuy nhiên, ông cho rằng do cổ phiếu VinFast hiện ‘được định giá quá cao’ nên ‘sẽ rất nguy hiểm’ nếu muốn đầu tư lâu dài. Ông đưa ra những lý do như VinFast vẫn chưa đến điểm hòa vốn, không phải là nhà tiên phong trong lĩnh vực xe điện, có lợi thế nhưng không phải độc tôn…
“Nếu VinFast là nhà tiên phong thì là câu chuyện khác”, ông nhận định và chỉ ra trường hợp của một nhà tiên phong như Uber, khi ra mắt cổ phiếu trên sàn bị giảm giá nhưng về lâu dài đã tăng.
Khi được hỏi liệu cơ quan quản lý chứng khoán của Mỹ có can thiệp trước sự tăng giá điên rồ của mã cổ phiếu nào đó hay không, ông Tuấn chỉ ra trường hợp cổ phiếu GameStop đã tăng lên gần 20 lần hồi đầu năm 2021 mà SEC, Ủy ban Chứng khoán Mỹ, lúc đó ‘không có hành động gì’.
“Ở Việt Nam nếu cổ phiếu nào đó tăng liên tục 5 phiên thì phải có giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, còn ở Mỹ tự do hơn Việt Nam”, ông cho biết.
‘Chưa muốn bán ra’
Khi được hỏi liệu giá cổ phiếu VFS tăng vọt như vậy thì có ích gì cho VinFast hay không, ông Tuấn nói VinFast sẽ được lợi nếu cổ phiếu của họ thiết lập mặt bằng giá mới. Theo lời ông thì nếu VFS tiếp tục tăng hơn nữa thì mức giá được coi là rẻ cũng sẽ ở mức cao vì ‘tâm lý người mau là so sánh giá lúc đỉnh và lúc thấp để mua vào để đảm bảo bắt được đáy’.
“Sau này kiểu gì VinFast cũng phải bán ra số cổ phiếu quỹ họ đang nắm. Lúc đó họ bán ra được giá cao thì huy động được vốn nhiều hơn.”
Trước câu hỏi VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là để huy động vốn mà tại sao họ không bán ra cổ phiếu, ông Tuấn cho rằng ‘có thể họ thấy thời điểm chưa phù hợp hoặc là họ chưa cần tiền lắm’.
“Đến lúc bán ra cả trăm triệu cổ phiếu thì giá chắc chắn sẽ giảm”, ông nói thêm.
Ông cho biết ở Việt Nam, VinFast hiện đang có chương trình khách hàng mua xe điện của họ sẽ được tăng 30 cổ phiếu nhưng phải chờ hai năm sau mới được bán.
“Nếu được tặng 30 cổ phiếu thì sau này nếu họ thấy giá cổ phiếu VFS tăng thì họ sẽ có nhu cầu mua thêm vì những người có tiền mua ô tô thì họ cũng đã vô cùng tin tưởng vào VinFast rồi”, ông phân tích.
Đây là cách VinFast mời gọi thêm nhà đầu tư, và chỉ cần mỗi khách hàng mua thêm một hay hai ngàn cổ phiếu thôi thì họ cũng huy động thêm được nhiều vốn.
Hôm 28/8, khi VOA đề nghị VinFast đưa ra bình luận về giá cổ phiếu tăng vọt sau 9 ngày lên sàn, hãng nói trả lời rằng họ “vui mừng trước sự đón nhận của thị trường”.
VinFast khẳng định rằng “Điều này chứng tỏ nhiều người đã nhìn nhận được các thế mạnh của VinFast trong năng lực triển khai vượt trội, tốc độ và chữ tín với khách hàng”.
Hãng cũng nói thêm rằng “Giá cố phiếu phản ánh niềm tin của thị trường vào triển vọng phát triển và tương lai của công ty và chúng tôi cho rằng thị trường có cơ sở để tin vào điều đó”.
Đến hôm 29/8, giá VFS đã hạ đáng kể còn hơn 50 đô la sau những ngày tăng với tốc độ gây sốc.