Ông Phạm Nhật Vượng, doanh nhân giàu nhất Việt Nam, không còn nằm trong danh sách 500 tỷ phú trên thế giới của hãng tin tài chính-kinh tế Bloomberg đầy danh tiếng kể từ ngày 24/8 cho tới ít nhất là thời điểm tối 28/8, theo quan sát của VOA.
Sự việc này dẫn đến nhiều bàn luận nhất là sau khi giá cổ phiếu của hãng xe hơi điện VinFast thuộc sở hữu của ông Vượng tăng vọt gấp 8 lần sau gần 10 ngày lên sàn ở Mỹ, đưa giá trị vốn hóa của hãng đạt hơn 160 tỷ đô la, theo tính toán về lý thuyết.
Tuy nhiều cơ quan báo chí Việt Nam cũng như đông đảo những người ủng hộ ông Vượng và hãng của ông thể hiện sự hồ hởi về việc giá trị VinFast tăng chóng mặt, dù chỉ là trên giấy tờ, song không ít chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nêu nghi vấn về hành vi “làm giá” và cảnh báo rằng việc “sử dụng đòn bẩy quá mức” có thể dẫn đến điều mà họ gọi là “gậy ông đập lưng ông”.
Giá tăng gây sốc
Vào sáng 28/8, giờ New York, giá VFS tăng lên mức trên 85 đô la, cao thêm 25% từ giá của hôm 25/8. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tuần trước của sàn Nasdaq ở New York vào chiều 25/8, mã cổ phiếu VFS của VinFast có giá 68,77 đô la.
Các mức tăng đó gây ngỡ ngàng vì mức giá ban đầu chỉ chưa đến 10,5 đô la, ở thời điểm hãng đạt thỏa thuận sáp nhập với đối tác là Black Spade để lên sàn theo đường vòng thay vì tự làm thủ tục để được phép chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ.
Nói về mức giá mới, nhiều trang tin ở Việt Nam bao gồm cả CafeF, Tài Chính Doanh Nghiệp, Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh… thể hiện sự hưng phấn với các dòng tin viết rằng với khoảng 160 tỷ đô la giá trị vốn hóa, hãng VinFast cực kỳ non trẻ thuộc tập đoàn Vingroup của đại gia bất động sản Việt Nam giờ đây “bỏ xa” nhiều hãng xe hơi có lịch sử lâu đời và danh tiếng vững chắc trên toàn cầu như như Porsche, Mercedes, BMW, Volkswagen, Stellantis, Ferrari, Honda, Ford, GM, Hyundai…
Khi mà tổ chức uy tín như Bloomberg nghi ngờ cổ phiếu không minh bạch, người ta thấy không đáng tin cậy người ta bỏ ra, bởi vì người ta không muốn bị lợi dụng uy tín của họ vào việc thao túng cổ phiếu.
Chuyên gia Nguyễn Sơn Hải
Đông đảo người sử dụng mạng xã hội ở trong nước cũng bày tỏ rằng họ chào đón “tin vui” này, theo quan sát của VOA.
VinFast bình luận với VOA hôm 28/8: “Chúng tôi vui mừng trước sự đón nhận của thị trường. Điều này chứng tỏ nhiều người đã nhìn nhận được các thế mạnh của VinFast trong năng lực triển khai vượt trội, tốc độ và chữ tín với khách hàng”.
Khi được hỏi hãng sẽ tận dụng việc tăng giá cổ phiếu ra sao để huy động vốn và đưa vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, VinFast trả lời rằng: “Chúng tôi sẽ cân nhắc và nghiên cứu các phương án huy động bổ sung vốn để tăng thêm tốc độ phát triển cho VinFast”.
Nghi vấn 'làm giá'
Nhưng trong khi giá trị VinFast cất cánh – về mặt lý thuyết – tên của ông Phạm Nhật Vượng đột ngột không còn xuất hiện trong danh sách của Bloomberg về 500 tỷ phú trên thế giới từ hôm 24/7. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Sơn Hải bình luận với VOA:
“Khi mà tổ chức uy tín như Bloomberg nghi ngờ cổ phiếu không minh bạch, người ta thấy không đáng tin cậy người ta bỏ ra, bởi vì người ta không muốn bị lợi dụng uy tín của họ vào việc thao túng cổ phiếu”.
Ông Hải đã mở và là tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng từ những ngày đầu nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mở cửa thị trường chứng khoán. Ông cũng có kinh nghiệm giao dịch chứng khoán ở New York kể từ năm 1995.
Lưu ý về thực tế là VinFast bị lỗ lũy kế là 4,8 tỷ đô la tính từ năm 2020 đến hết quý 1/2023, đồng nghĩa là lỗ hết vốn chủ sở hữu và đang hoạt động bằng vốn vay, ông Hải khẳng định hãng đã không thể tự IPO do không đáp ứng các tiêu chí của nhà chức trách Mỹ và phải lên sàn theo cách mà ông gọi là “đi cửa sau, không đàng hoàng”.
Sau khi niêm yết thông qua hợp nhất với một “công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (SPAC), còn gọi là công ty rỗng hay công ty séc khống, theo luật Mỹ, hơn 99% cổ phiếu VinFast do ông Phạm Nhật Vượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp không được giao dịch rộng rãi trong 1 năm, chuyên gia Nguyễn Sơn Hải nói.
Giá cố phiếu phản ánh niềm tin của thị trường vào triển vọng phát triển và tương lai của công ty và chúng tôi cho rằng thị trường có cơ sở để tin vào điều đó.
Hãng VinFast
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hôm 24/8, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của VinFast ở Bắc Mỹ, xác nhận rằng phải từ 6 tháng đến 1 năm nữa mới có nhiều cổ phiếu của VinFast được giao dịch tự do.
Vì sự hạn chế nêu trên, ông Hải chỉ ra rằng số lượng chưa đến 1% cổ phiếu VinFast đã được giao dịch là thuộc sở hữu của các vị chủ sòng bạc, cũng là những cổ đông trong Black Spade, đối tác hợp nhất với VinFast, nên việc thao túng cổ phiếu “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt có hàng chục năm kinh nghiệm Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan sát của ông với VOA về hiện tượng VFS tăng giá vùn vụt:
“Có những market maker, dịch là những người làm giá, có những kỹ thuật làm tăng giá mạnh mẽ, như là mua đi bán lại hoặc qua bên thứ ba làm giá tăng lên. Với những cổ phiếu mới lên sàn như VinFast, chúng ta cần một vài tháng, thậm chí là cả 1 năm để định giá trị thực của cổ phiếu”.
Mặc dù công nhận giá cổ phiếu VFS đạt mốc 70, 80 đô la gần đây, song tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng đó chỉ là giá của một lượng cổ phiếu rất nhỏ ở trên thị trường và không thể lấy nó để tính ra “giá trị thực” của toàn bộ công ty:
“Dùng giá đó để nhân với tất cả các cổ phiếu của VinFast là một điều tôi thấy vô lý. Nếu lấy cổ phiếu của toàn bộ VinFast nhân với giá trị cổ phiếu tại một thị trường nào đó thì tôi e rằng điều đó không hoàn toàn chính xác”.
Ví von rằng hơn 99% cổ phiếu VFS vẫn chưa xuất kho, ông Hiếu nhận định chỉ đến khi nào chúng được đem ra giao dịch trong một thời gian đủ dài, việc “làm giá” lượng cổ phiếu đó sẽ rất khó khăn và khi đó mới biết được giá trị thực.
Cảnh báo về phản ứng ngược
Với kinh nghiệm thực tế từng mở ngân hàng ở Mỹ hồi năm 2005, tiến sĩ Hiếu kể rằng ông và các đối tác “cũng cần đến các market maker, những người làm giá” khi đó để “tạo sự hứng khởi” trên thị trường. Một công ty tìm cách để đưa giá cổ phiếu lên như thế thường có ý đồ đánh bóng tên tuổi và giá trị cũng như hâm nóng hoặc tạo cơn sốt trên thị trường bằng cách thức mà ông gọi “giao dịch tay trong”, nhưng chưa đến mức “giao dịch nội gián”.
Cái giá mà lên để vài lần, cả chục lần thì đó là giá ảo. Đến một lúc nào đó nó trở về giá trị thực nó sẽ xuống rất sâu. Nếu VinFast sử dụng những đòn bẩy như thế để tăng giá trị, tôi e rằng có thể đi vào tình trạng gậy ông đập lưng ông.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Trong trường hợp VinFast, đó có thể là giao dịch giữa những người có liên quan đến hãng, những cổ đông hoặc những người bổ trợ VinFast…, những người mua đi bán lại và giá “tăng ảo” trong vòng xoáy như thế, ông Hiếu nêu ra quan sát.
Việc đó không phải là quá đặc biệt nhưng cần sử dụng chừng mực vì nó cũng có mặt trái, ông nói:
“Cái giá mà lên để vài lần, cả chục lần thì đó là giá ảo. Đến một lúc nào đó nó trở về giá trị thực nó sẽ xuống rất sâu. Nếu VinFast sử dụng những đòn bẩy như thế để tăng giá trị, tôi e rằng có thể đi vào tình trạng gậy ông đập lưng ông”.
Tình trạng đó đã xảy ra với không ít hãng ô tô điện đi trước VinFast, tiến sĩ Hiếu nói. Như VOA đã đưa tin, các hãng xe hơi điện Microvast, Faraday Future, Nikola Corp và Lucid từng niêm yết bằng cách sáp nhập với một công ty SPAC nhưng giá trị của các công ty hợp nhất thường giảm nhiều trong những tháng sau khi lên sàn.
Chuyên gia chứng khoán kiêm doanh nhân Nguyễn Sơn Hải nhận xét rằng thái độ mừng vui của một bộ phận báo chí Việt Nam và nhiều người trong công chúng khi giá VFS phi nước đại là do “trình độ hiểu biết về thị trường chứng khoán còn hạn chế, sơ sài” trong bối cảnh thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ.
Không bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, dưới góc nhìn của ông Hải, việc VinFast niêm yết ở Mỹ nên được xem là một thất bại. Để củng cố cho lập luận của mình, ông Hải nhấn mạnh một lần nữa rằng vì hãng bị thua lỗ liên tục và kéo dài, VinFast không thể IPO và không huy động được vốn; đến khi chuyển sang đi con đường SPAC, ngoại trừ gần 1% cổ phiểu do phía đối tác nắm, hãng vẫn chưa được bán cổ phiếu ra và chưa huy động được tiền.
Với hiểu biết chuyên môn, ông Hải xếp hạng VFS vào nhóm cổ phiếu sống cũng như chết (zombie), tức là cổ phiếu của những hãng thua lỗ và không chia cổ tức.
Giá trị gốc mới quyết định
Cho dù giá VFS hiện đang cao và còn thể còn tăng song ông Hải cho rằng có sự vênh nhau bất thường giữa giá cổ phiếu và chất lượng doanh nghiệp.
Ông phân tích rằng tuy có thể có chuyện thao túng, nhưng rốt cuộc giá cổ phiếu vẫn phản ánh giá trị doanh nghiệp, khả năng sinh lời của doanh nghiệp và tất yếu là khả năng sinh lời cho nhà đầu tư-cổ đông.
Cổ phiếu tăng khi doanh nghiệp làm ra lợi nhuận hoặc có triển vọng tạo ra lợi nhuận, mà những điều đó lại phải đặt trên nền móng là hãng phải nắm các phát minh, tài sản trí tuệ, có sản phẩm độc quyền, đội ngũ quản trị tốt, vận hành trong một bối cảnh tốt của thị trường, v.v…, vẫn theo ông Hải.
“Tất cả các yếu tố đó thì hiện nay VinFast tôi thấy chưa có yếu tố nào”, ông nói và bổ sung thêm rằng VinFast đang dựa vào các sáng chế, thiết kế và công nghệ nước ngoài, ngoài ra, thị trường ô tô điện đang rất chật hẹp hết sức khó cho VinFast chen chân.
Bản thân doanh nghiệp phải sản xuất ra sản phẩm tốt, được thị trường công nhận, doanh nghiệp đó phải làm ra lợi nhuận, thì cổ phiếu mới thực sự bền vững. Hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy khả năng đó ở VinFast. Về triển vọng tương lai, tôi chưa thấy cơ hội gì của VinFast cả.
Chuyên gia Nguyễn Sơn Hải
Đưa ra thêm chi tiết, ông Hải nói rằng Tesla ra đời khi các hãng ô tô truyền thống chưa chú trọng mảng ô tô điện nên Tesla đã lách được qua khe cửa, giờ đây, VinFast không thể làm điều tương tự vì Tesla đã lớn mạnh trong khi các hãng truyền thống cũng đang đẩy mạnh mảng xe điện.
Một điều nữa không mấy khích lệ cho VinFast đó là Trung Quốc từng đổ tiền vào mở ra tới 500 hãng ô tô điện nhưng 400 hãng đã phá sản, vẫn theo ông Hải, trích dẫn một phóng sự của Bloomberg hồi tháng 6.
Chuyên gia Hải tiên liệu không mấy lạc quan về giá trị tương lai của cổ phiếu VFS:
“Mọi thứ sẽ phải quay về giá trị gốc, tức là bản thân doanh nghiệp phải sản xuất ra sản phẩm tốt, được thị trường công nhận, doanh nghiệp đó phải làm ra lợi nhuận, thì cổ phiếu mới thực sự bền vững. Hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy khả năng đó ở VinFast. Về triển vọng tương lai, tôi chưa thấy cơ hội gì của VinFast cả”.
Phản ứng về các ý kiến của hai chuyên gia nêu trên, VinFast nói với VOA: “Giá cố phiếu phản ánh niềm tin của thị trường vào triển vọng phát triển và tương lai của công ty và chúng tôi cho rằng thị trường có cơ sở để tin vào điều đó”.
Trước đó, trong thông cáo hôm 15/8 về việc “chính thức niêm yết trên Nasdaq”, VinFast nói rằng đây là “cột mốc lịch sử trong lộ trình phát triển” của hãng này.
“Sự kiện không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế, thúc đẩy VinFast phát triển mạnh mẽ trong tương lai; mà còn truyền cảm hứng cho các thương hiệu Việt Nam tiến ra thế giới”, công ty thành viên của tập đoàn Vingoup nói trong thông cáo.
Diễn đàn