Việt Nam – lạm phát thứ 2, tăng trưởng thứ 16 thế giới

Việt Nam – lạm phát thứ 2, tăng trưởng thứ 16 thế giới

Theo thống kê của Trading Economics, Việt Nam hiện có tốc độ lạm phát cao thứ 2 thế giới sau Venezuela và có tốc độ tăng trưởng cao thứ 16 trên thế giới, sau một lọat các cỗ máy kinh tế quen thuộc như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Với số liệu được cập nhật tới cuối tháng 06 năm nay, Trading Economics cung cấp thông tin chi tiết về quy mô GDP, lạm phát, lãi suất, thất nghiệp, tăng trưởng GDP, tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP… cho khoảng 80 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong danh sách này.

Xét về quy mô GDP, Trading Economics tính toán Việt Nam có khoảng US$90 tỷ GDP, xếp hàng thứ 59. Điều này có vẻ thấp hơn con số mà nhiều người vẫn nghĩ là US$104 tỷ GDP và xếp thứ 58. Có lẽ đây là tính toán của Trading Economics sau khi Việt Nam phá giá đồng VNĐ vào đầu năm nay.

Về tốc độ tăng của lạm phát, CPI cuối tháng 06 của năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng tới 20,82%. Đây là con số cao thứ nhì trên thế giới sau mức 23,60% của Venezuela và cách rất xa mức thứ 3 của thế giới là 14,63% của Angola. Vì tăng trưởng CPI của Venezuela đang trên đà chậm lại đáng kể, nếu Việt Nam không tiếp tục kềm chế được đà tăng CPI từ nay tới cuối năm thì Việt Nam có thể vượt Venezuela để trở thành đứng đầu thế giới về lạm phát.


Nguồn: Trading Economics

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam chỉ đứng thứ 16 với mức tăng trưởng 5,67% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP ngoạn mục nhất do Singapore nắm giữ với con số 22,50%. Mặc dù tăng trưởng với hai con số như vậy, lạm phát ở Singapore chỉ có 4,5%. Trung Quốc giữ vị trí thứ 2 về tăng trưởng GDP với con số 9,5% trong khi lạm phát ở nước này đang ở mức 6,4%.

Trong nhiều năm qua, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn được coi là mục tiêu số một của Việt Nam. Trong số nhiều lý do dẫn tới điều này, có một lý do quan trọng là nó được coi là một chỉ số hàng đầu để đo năng lực của nhà nước. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, đặc biệt là từ sau quý 1, mục tiêu đó tạm thời bị đẩy xuống nhường chỗ cho ưu tiên ổn định vĩ mô. Nhà nước đã thực hiện thắt chặt tiền tệ và tài khóa nhằm ổn định lại giá trị của đồng tiền. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vì thế đã bị thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi cuối năm 2010.

Mặc dù cho tới nay Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định như lạm phát đã hạ bớt nhiệt, sức ép tỷ giá cũng giảm (mặc dù việc giảm này cũng có phần vì các biện pháp hành chính), lãi suất cũng đang trên đà hạ giảm. Tuy nhiên, chiếc nồi hơi kinh tế vĩ mô vẫn đang trong tình trạng chịu áp lực rất cao và nguy cơ bùng nổ vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.