Hàng trăm công an ngày 9/5 sử dụng võ lực cưỡng chế hàng trăm nông dân xã Liên Minh huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong vụ tịch thu đất cho dự án khu công nghiệp Bảo Minh.
Một nông dân không muốn nêu tên có mặt tại hiện trường thuật lại:
“6 giờ sáng hôm nay hơn 100 nông dân đứng giữ đất. Lực lượng cảnh sát khoảng 300, 400 người. Họ dồn chúng tôi ra khỏi đám ruộng ấy. Dân ném đất, ném cát. Còn lực lượng cảnh sát cứ dùng dùi cui đánh dân. Họ phá vỡ được hàng rào dân ra, xông vào bắt 5 người đàn ông, đánh họ hộc máu mũi máu mồm. Có hai phụ nữ nằm ngay lề đường, một cụ 70 tuổi bị đánh vào đầu nằm vật ra giữa đường. Mười lăm, hai mươi phút sau người ta mới gọi xe cấp cứu đưa đi. Tới 7 giờ, người ta giải tán hết chúng tôi về. Nếu đây là công trình an ninh quốc phòng hay trọng điểm của nhà nước thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Đây là công trình của một công ty cổ phần. Giá đền bù đất cho chúng tôi quá rẻ, có 27 ngàn đồng/mét vuông suốt từ năm 2008 tới giờ. Bà con không đồng ý nên mới đứng lên để giữ đất. Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện, lên tỉnh, người ta chả nghe. Lên tận văn phòng Trung ương đảng, người ta lại đưa về tỉnh, tỉnh đưa về huyện. Huyện cứ thế họ làm. Chúng tôi giờ chả biết làm sao. Chúng tôi sẽ phản đối tới cùng theo đúng chủ trương của pháp luật.”
Một nông dân khác tên Bùi Quang Tiếp bị mất hơn 2400 mét vuông đất trong vụ cưỡng chế này cho biết:
“Chúng tôi vẫn một lòng quyết tâm không nhận tiền bồi thường vì nó chưa thỏa đáng. Họ (chính quyền) nói đó là tiền bồi thường chứ không phải giá đất.”
Phát biểu với VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, tuy phủ nhận tin này, nhưng thừa nhận rằng lực lượng an ninh phải ra tay nếu có một số người ‘quá khích’ gây khó khăn cho chính quyền:
“Sáng nay tỉnh có tổ chức cưỡng chế hay bảo vệ thi công gì đâu. Sáng nay tổ chức việc giao đất dịch vụ cho bà con thôi mà. Có thể nói ở một xã hầu như gần 100% bà con đã nhận hết rồi. Tất nhiên, trong quá trình làm việc có một số phần tử quá khích gây khó khăn thì lực lượng an ninh phải giải quyết theo luật định và theo chức năng nghiệp vụ của người ta. Công tác giải phóng mặt bằng thì tỉnh phân cấp cho hội đồng đền bù của huyện trực tiếp giải quyết. Đối với bức xúc của một số bà con, hiện nay phải nói rằng 100% cơ bản là bà con đã nhận và bàn giao đất cho khu công nghiệp hết rồi. Chỉ còn một số ít, thì tỉnh vẫn tập trung kiên quyết thuyết phục, tuyên truyền, vận động bà con. Đã giải quyết trình tự khiếu kiện theo đúng luật định và có quy định cuối cùng trả lời về khiếu kiện rồi.”
Dự án khu công nghiệp Bảo Minh do tập đoàn Dệt May Việt Nam làm chủ đầu tư chiếm 160 hecta đất ruộng của ba xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái trong huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.
Từ ngày 6/5 hàng trăm nông dân đã dựng lều qua đêm trên đồng, quyết tâm giữ đất trước khi vụ cưỡng chế diễn ra vào sáng sớm ngày 9/5.
Vụ cưỡng chế đất ở Nam Định xảy ra sau vụ chính quyền tỉnh Hưng Yên huy động hàng ngàn công an tới đàn áp hơn 1 ngàn nông dân tại huyện Văn Giang để lấy đất xây dựng khu đô thị sinh thái Ecopark và vụ tịch thu đất của gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng gây chú ý công luận.