Vụ công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc ra biển miền Trung gây thảm họa môi trường nghiêm trọng chưa từng thấy trước nay: người dân muốn đóng cửa và tống xuất doanh nghiệp này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng nhà nước kêu gọi khoan hồng, tha thứ; người dân muốn truy cứu trách nhiệm Formosa ra tòa để xác định thiệt hại trước mắt và lâu dài, nhưng nhà nước đã chấp nhận khoản dàn xếp 500 triệu đô la bồi thường.
Mọi chuyện ‘đã rồi’ như thế liệu có khép lại vụ việc? Tạp chí Thanh Niên VOA tìm hiểu và ghi nhận qua phần 2 cuộc thảo luận với những người trẻ trong nước gồm một luật gia hoạt động xã hội dân sự, một nhà báo độc lập quan tâm theo dõi sát vụ cá chết miền Trung, và một nhà hoạt động thiện nguyện xã hội thời gian qua túc trực giúp đỡ ngư dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất: Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội và Hoàng Bình từ Nghệ An.
Your browser doesn’t support HTML5
Trà Mi: Nếu có một vụ kiện đưa Formosa ra tòa thì kiện như thế nào, kiện tới đâu? Ý kiến các bạn thế nào?
Đình Hà: Trong Bộ luật hình sự có quy định tội gây ô nhiễm môi trường, tội hủy hoại các nguồn lợi thủy hải sản, và tội hủy hoại nguồn nước. Vụ Formosa hội đủ 3 tội danh đó. Phía cơ quan điều tra của Bộ Công an có thể ra quyết định khởi tố điều tra vụ án về 3 tội danh này, áp dụng các biện pháp chế tài hình sự đối với những người gây ra tội ác đó, buộc họ phải bồi thường dân sự cho những người bị thiệt hại, và rút giấy phép hoạt động của Formosa. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan điều tra của Bộ Công an chưa tiến hành bất cứ bước nào để có thể khởi tố, điều tra vụ án hay truy cứu trách nhiệm hình sự của tất cả các đối tượng có liên quan đến vụ việc chẳng hạn như ai cấp phép cho Formosa, ai giám sát.
Trà Mi: Bạn đề nghị điều tra nhưng ngược lại có ý kiến cho rằng thủ phạm đã ra đầu thú và chịu bồi thường thì điều tra chi nữa?
Hữu Vinh: Chúng ta còn nhớ vụ kiện da cam, Việt Nam kiện tận Hoa Kỳ hết vụ này sang vụ khác trong khi đó chứng cứ còn mơ hồ. Còn đây rõ ràng là một hành động đầu độc. Tôi cho rằng phải khởi tố vụ án kịp thời để điều tra khách quan. Nhanh hay chậm là do cách tổ chức của con người chứ không phải là do vụ án đến đâu.
Trà Mi: Người dân đòi kiện, nhưng nhà chức trách không xem đây là một sự lựa chọn. Người dân đang đứng trước ‘chuyện đã rồi’, có thể làm gì hơn?
Hữu Vinh: Điều này thể hiện rõ nhà nước này của ai. Đối với thủ phạm thì bao che, đối với nạn nhân thì trù dập, đàn áp ngay cả những tiếng than khóc của cả dân tộc về thảm họa thì đó là một nhà nước phản động, đứng về kẻ thù, nhận tiền thế lực thù địch để bán rẻ đất nước. Không thể nói gì hơn.
Đình Hà: Cần rành rọt hai sự việc: truy cứu trách nhiệm hình sự và đòi bồi thường thiệt hại dân sự. Người dân bị ảnh hưởng trực tiếp có thể khởi kiện dân sự lên tòa án nơi có trụ sở của công ty Formosa Hà Tĩnh. Những ai thiệt hại có thể thống kê thiệt hại, chứng minh thiệt hại, nhờ luật sư tư vấn để khởi kiện dân sự. Việc này dân có thể làm được không cần động thái của phía nhà nước. Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội cũng đã chia sẻ thông tin lên Facebook cho biết nhiều ngư dân miền Trung ra Hà Nội nhờ các luật sư tư vấn và luật sư cũng đã thảo những mẫu đơn. Vấn đề là việc khởi kiện của họ có được tòa thụ lý hay không, đó là một chuyện khác. Các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, các luật sư, các nhà báo độc lập, chính phủ các nước, và các tổ chức quốc tế sẵn sàng ủng hộ người dân bị thiệt hại trên con đường khởi kiện.
Trà Mi: Dân làm thế nào biết được đâu là nơi để tiếp cận, để gõ cửa?
Đình Hà: Qua hệ thống nhà thờ, các cha xứ có thể giới thiệu các luật sư, các phương pháp, kiến thức luật căn bản để dân có thể tiếp cận dễ dàng. Ngoài ra, qua các trang mạng xã hội, các luật sư cũng đăng ý kiến hoặc qua các kênh báo chí như thế này, người dân cũng có thể tiếp cận những ý kiến tư vấn cơ bản. Và từ đó, dân có thể biết họ cần tìm đến ai, nộp đơn ở đâu. Tại các địa phương có dịch vụ trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, dân bị thiệt hại có thể tới đấy để nhờ tư vấn miễn phí.
Hữu Vinh: Về luật pháp trên mặt lý thuyết có thể làm được nhiều việc, nhưng ở Việt Nam người ta ít dùng luật pháp mà dùng luật rừng. Chẳng hạn khi thảm họa môi trường xảy ra, những người lên tiếng vì môi trường thì bị đàn áp, bịt miệng từ các cuộc xuống đường. Từ văn bản pháp luật đến thực tế áp dụng là một thực tế hết sức xa vời. Cho nên, dân bây giờ trong bước đường cùng không thể làm gì khác, theo tôi, tất cả nên cùng xuống đường biểu thị ý chí của mình, yêu cầu nhà cầm quyền làm việc rành mạch để thể hiện không phải là một chính quyền phản động, ăn hại, xúi dân vào chỗ chết như hiện nay.
Hoàng Bình: Tôi không hề tin tưởng chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam. Họ không hề có thiện chí với nhân dân. Họ luôn tìm cách trấn áp tiếng nói của dân. Cho nên, đừng hy vọng quan chức nào từ chức hay chịu trách nhiệm. Không bao giờ có. Rõ ràng trong vụ này, Bộ Tài nguyên Môi trường hay Ủy ban tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm, những người trực tiếp giám sát đấy, nhưng không một ông nào lên tiếng xin lỗi dân. Dân thì không được phép nói chứ đừng nói tới chuyện tố cáo hay kiện tụng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn các tổ chức xã hội dân sự vào cuộc để giúp dân kiện Formosa.
Hữu Vinh: Các biện pháp trợ giúp, theo tôi, là thoa dầu cù là vào bệnh ung thư.
Hoàng Bình: Vâng, thật ra Bình cũng không khuyến khích mình đi dọn hậu quả của người khác gây ra. Cái gốc vấn đề phải giải quyết triệt để là phải trừng trị Formosa.
Trà Mi: Có ý kiến cho rằng đây là một tập đoàn đầu tư rất lớn, nếu làm đổ bể thì Việt Nam cũng thiệt hại không kém, cho nên giải pháp dung hòa bớt thiệt hại hơn là thỏa hiệp thay vì trừng trị?
Hoàng Bình: Việc này phải trưng cầu ý dân, xem nguyện vọng dân muốn gì. Không một cá nhân nào có tư cách yêu cầu dân độ lượng với Formosa, phải trưng cầu dân ý. Ngư dân là nạn nhân trực tiếp, họ bị trắng tay, họ có quyền kiện hay đuổi cổ Formosa.
Đình Hà: Từ ngày 1/7 năm nay Luật trưng cầu dân ý có hiệu lực thi hành. Dân Việt Nam muốn nhà nước phải sử dụng pháp luật, kể cả đuổi cổ Formosa thì đó cũng là một biện pháp hoàn toàn hợp pháp. Về đầu tư nước ngoài, 10 tỷ bây giờ có thể là to, nhưng xét về tổng thể tương lai đất nước Việt Nam gần 100 triệu dân thì 10 tỷ không là gì cả.
Hữu Vinh: Nếu ý kiến dân không được tôn trọng thì lúc nào nhà nước cũng đặt dân vào chuyện đã rồi. Để nhà nước phải thi hành pháp luật mà họ đã đề ra, người dân phải lên tiếng. Nếu dân cứ chấp nhận, cúi đầu, im lặng nhẫn nhục, đói chịu đói-chết chịu chết thì muôn đời nhà nước muốn làm gì thì làm, kể cả bán nước. Dân không lên tiếng, không xuống đường biểu thị ý chí của mình thì sẽ tiếp tục suốt đời làm nô lệ. Chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng tới Formosa lầm lũi im lặng trước nỗi đau của nhân dân trước thảm họa môi trường: đó là câu trả lời khá chính xác.
Hoàng Bình: Người dân đang đặt dấu hỏi rất lớn. Chắc chắn có một thế lực đằng sau chứ không chỉ riêng Formosa.
Đình Hà: Phải cho minh bạch thông tin. Phải làm theo đúng pháp luật: khởi tố điều tra vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự thủ phạm và người liên đới. Phải bắt Formosa và các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải bồi thường và làm sạch môi trường.
Hoàng Bình: Vụ này cho thấy pháp luật có được thực thi công minh hay không. Dân rất mong muốn đem Formosa ra pháp luật, bắt đền bù thỏa đáng dựa trên thống kê thiệt hại và thương lượng với ngư dân. Không thể đưa ra con số chung chung 500 triệu đô như thế. Bây giờ tổng thiệt hại bao nhiêu còn chưa biết. Pháp lý ở Việt Nam mình gần như con số không. Dân rất bức xúc.
Hữu Vinh: Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch. Có điều là nhà nước cộng sản Việt Nam mà minh bạch thì họ không có cơ sở để tồn tại. Cho nên yêu cầu họ minh bạch là một việc hết sức khó khăn. Mấu chốt giải quyết mọi vấn đề của Việt Nam là người dân phải biết đoàn kết, phải biết quyền lợi của mình là gì, không vô cảm trước vận mệnh dân tộc. Phải cùng nhau đấu tranh cho chính quyền sống, quyền lợi của mình và sự tồn vong của nòi giống. Nếu người dân tiếp tục vô cảm thì chúng ta sẽ đi đến chỗ nô lệ và diệt vong.
Trà Mi: Cảm ơn tất cả các bạn đã góp tiếng với chương trình Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay.